Thực hiện chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu, khách quan theo xu thế của thời đại. Việc thúc đẩy chuyển đổi số đã giúp tạo giá trị gia tăng cao đối với sản phẩm, loại bỏ được khâu trung gian, ổn định đầu ra, qua đó tạo đòn bẩy phát triển kinh tế tại nhiều địa phương.

Nam Định là một trong những địa phương được Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin & Truyền thông đánh giá cao về việc triển khai đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong thời gian qua. Về chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh, Nam Định xếp hạng 11/63 tỉnh, thành trong toàn quốc về mức độ chuyển đổi số với giá trị đạt được là 0,3584 điểm.

Nam Định xếp hạng 11/63 tỉnh, thành trong toàn quốc về mức độ chuyển đổi số.

Hiện trên địa bàn tỉnh Nam Định có hơn 2.000 doanh nghiệp và hàng chục nghìn cơ sở hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ. Năm qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều cơ sở, doanh nghiệp gặp khó khăn, song với sự hỗ trợ của các ngành chức năng, các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào xúc tiến thương mại, tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử, bước đầu chuyển đổi số hoạt động sản xuất kinh doạnh nên đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao. 

Trong đó, ngành công thương đã bám sát Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia và chương trình xúc tiến thương mại của các địa phương trên cả nước để kịp thời thông tin, hỗ trợ các doanh nghiệp của tỉnh tham gia giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm hàng hoá bằng cả hình thức trực tiếp và trực tuyến. 

Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt thông tin, các nội dung quy định về hội nhập kinh tế quốc tế, các điều kiện gia nhập thị trường theo các hiệp định thương mại tự do (FTA). 

Trong đó, đã hỗ trợ 10 doanh nghiệp dệt may của tỉnh tham gia khóa tập huấn nâng cao năng lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tiếp cận thị trường xuất khẩu và doanh nghiệp tham gia Hội chợ quốc tế ngành dệt may năm 2022 do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và Tổ chức Xúc tiến thương mại Canada (TFO Canada) tổ chức theo hình thức trực tuyến. 

Cùng với sự hỗ trợ của ngành chức năng, các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh chủ động tham gia vào các sàn giao dịch thương mại điện tử, sử dụng mô hình bán hàng đa kênh và tích cực cung cấp các dịch vụ hiện đại như: Đi chợ online, mua hàng qua ứng dụng, giao nhanh miễn phí... Nhiều doanh nghiệp lớn đã xây dựng website bán hàng chuyên nghiệp để quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa. 

Đặc biệt, trong năm 2021, giá trị xuất khẩu của tỉnh đạt 2,6 tỷ USD, tăng 23,1% so với năm 2020; giá trị hàng hóa nhập khẩu ước đạt trên 1,3 tỷ USD, tăng 11,9% so với năm trước; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt gần 60 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. 

4 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ước đạt 19.419,1 tỷ đồng, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm trước; tổng giá trị hàng xuất khẩu tăng 16,1%. 

Để tạo đà cho chuyển đổi số trong lĩnh vực thương mại dịch vụ phát triển ổn định, rộng khắp ở cả khâu quản lý, bán hàng và các thành phần kinh tế, UBND tỉnh đã đề ra mục tiêu phát triển kinh tế số. Trong đó, tập trung ưu tiên lĩnh vực thương mại dịch vụ với những công việc cụ thể như: 30% doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số; 100% doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử; 50% doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử. 

Hạ Nhiên