Tên lửa SLS được di chuyển trở lại bãi phóng 39B vào ngày 4/11. Ảnh: Getty Images.

Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) công bố ngày phóng cho tên lửa SLS, phục vụ sứ mệnh Artemis I vào 14/11. Khung thời gian cất cánh kéo dài 69 phút, bắt đầu từ 0h07 (giờ Mỹ), tức 11h07 cùng ngày (giờ Việt Nam).

Ngày 4/11, Hệ thống Phóng Không gian (SLS) đã cập bến bãi phóng 39B thuộc Trung tâm Vũ trụ Kennedy sau quãng đường 6,4 km, kéo dài 9 tiếng. Trong tháng 10, tên lửa được di chuyển trở lại cơ sở lắp ráp sau khi 3 đợt phóng, được lên lịch từ cuối tháng 8 đến tháng 9 bị hủy bỏ.

Trong 2 đợt phóng đầu tiên, SLS không thể cất cánh do lỗi kỹ thuật. Sau đó, bão nhiệt đới Ian kéo đến Florida khiến NASA hủy đợt phóng thứ 3, được lên lịch vào ngày 27/9. Tên lửa cao 98 m được đưa về nhà máy để bảo dưỡng, sạc pin cho tàu vũ trụ Orion.

Theo CNN, đội ngũ sứ mệnh Artemis đang theo dõi một cơn bão có thể hướng đến Florida vào giữa tháng 11. Tuy nhiên, Jim Free, đại diện Ban lãnh đạo Sứ mệnh Phát triển Hệ thống Thăm dò của NASA cho biết các quan chức tự tin vào khả năng triển khai sứ mệnh.

Nhà khí tượng học Mark Burger tại Trạm không quân Mũi Canaveral nói rằng cơn bão (chưa đặt tên) có thể mạnh lên gần Puerto Rico vào cuối tuần này, sau đó di chuyển chậm theo hướng tây bắc vào đầu tuần tới.

Theo Burger, chỉ có 30% khả năng cơn bão được Trung tâm Bão Quốc gia Mỹ đặt tên. Các nhà khí tượng dự đoán đây không phải bão mạnh, tuy nhiên vẫn sẽ theo dõi chặt chẽ.

SLS được lên kế hoạch mang theo tàu vũ trụ Orion lên quỹ đạo Mặt Trăng trong chuyến bay thử nghiệm Artemis I. Nếu thành công, đây là bước khởi đầu cho sứ mệnh đưa con người trở lại Mặt Trăng của NASA sau khi sứ mệnh Apollo kết thúc cách đây nửa thế kỷ.

Su menh Artemis cua NASA anh 1

Lịch trình sứ mệnh Artemis I, kéo dài từ 26-42 ngày. Ảnh: NASA.

Đợt phóng đầu tiên của SLS vào ngày 27/8 đã bị hủy sau một số sự cố, bao gồm hệ thống làm mát động cơ không hoạt động đúng cách, cũng như rò rỉ nhiên liệu trong quá trình bơm từ ống dẫn đến lõi tên lửa. Một cảm biến bị lỗi cũng khiến thông số ghi nhận không chính xác.

Đến đợt phóng thứ 2 vào ngày 3/9, các kỹ sư NASA phát hiện lượng hydro lỏng bị rò rỉ. Đây là một trong những chất được dùng để tiếp vào phần lõi của tên lửa. Sự cố rò rỉ khiến đội ngũ không thể tiếp đầy bình hydro lỏng dù đã thử nhiều giải pháp khác nhau.

Các lãnh đạo NASA nhấn mạnh vấn đề kỹ thuật, hủy lịch phóng tên lửa không phải vấn đề nghiêm trọng. Trước Artemis, sự mệnh tàu con thoi trải qua nhiều lần hủy phóng. Tên lửa Falcon của SpaceX cũng thường gặp vấn đề kỹ thuật.

"Tôi muốn phản ánh thực tế rằng đây là sứ mệnh đầy thử thách. Chúng tôi đã gặp những khó khăn trong việc để các hệ thống vận hành cùng nhau. Đó là lý do diễn ra những chuyến bay thử nghiệm... Chúng tôi học hỏi bằng cách chấp nhận rủi ro với sứ mệnh này trước khi đưa phi hành đoàn bước chân lên", Free cho biết.

Chuyến bay Artemis I không có phi hành gia, được phóng nhằm kiểm tra hiệu quả tấm chắn nhiệt trên khoang phi hành đoàn, thử nghiệm công nghệ hỗ trợ bằng giọng nói Callisto trên tàu vũ trụ Orion. Nếu diễn ra theo kế hoạch, Orion sẽ tách khỏi tên lửa và đi vào quỹ đạo. Đến ngày 9/12, tàu vũ trụ hạ cánh xuống Thái Bình Dương.

Nếu chuyến bay đầu tiên hoàn thành tốt đẹp, NASA sẽ đưa phi hành gia lên chuyến bay Artemis II, dự kiến được phóng vào năm 2024 để quay quanh quỹ đạo Mặt Trăng. Năm 2025, chuyến bay Artemis III sẽ đưa con người đáp xuống bề mặt Mặt Trăng lần tiếp theo sau 50 năm.

(Theo Zing)