{keywords}
Các thông tin Khí tượng Thủy văn được phổ biến qua các kênh truyền thông như báo chí, radio, tivi…đã góp phần không nhỏ vào việc phòng chống thiên tai, giảm nhẹ thiệt hại về người và tài sản. (Ảnh: kttvntb.gov.vn)

Ngày 23/11, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định Phê duyệt Chiến lược phát triển Ngành Khí tượng Thủy văn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu của chiến lược là đến năm 2030, phát triển Ngành Khí tượng Thủy văn của Việt Nam đạt trình độ khoa học công nghệ tiên tiến của khu vực Châu Á; đủ năng lực cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn đầy đủ, tin cậy, kịp thời đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia; hình thành và phát triển được thị trường dịch vụ, công nghệ khí tượng thủy văn phục vụ đa mục tiêu, đa lĩnh vực. Năm 2045, ngành Khí tượng Thủy văn Việt Nam có trình độ, năng lực tương đương các nước phát triển trên thế giới.

Cụ thể, trong hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, cung cấp 100% thông tin phân vùng thiên tai, rủi ro thiên tai, giám sát biến đổi khí hậu, tài nguyên khí hậu, tài nguyên nước phục vụ việc xây dựng, thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự án trọng điểm của quốc gia. Quyết định đưa ra 5 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, bao gồm: Hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách, tăng cường quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn; Hiện đại hóa hệ thống quan trắc, thông tin, nâng cao năng lực công nghệ dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn; Đẩy mạnh xã hội hoá, thương mại hóa, xây dựng và hình thành thị trường dịch vụ, công nghệ khí tượng thủy văn; Phát triển nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ và tăng cường hợp tác quốc tế khí tượng thủy văn; Truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng.

Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao nhiều nhiệm vụ, trong đó có tiếp nhận thông tin phản hồi từ các cơ quan, đơn vị, người dân về hiệu quả, tác động của thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn đối với phát triển kinh tế - xã hội, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Hải Lam