Thông tin trên vừa được đại diện Hiệp hội An toàn Thông tin Việt Nam - Chi hội phía Nam (VNISA phía Nam), chia sẻ tại buổi họp báo công bố sự kiện “Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2019” diễn ra sáng nay, ngày 7/11, tại TP.HCM.

Chi hội VNISA phía Nam vừa tổ chức họp báo giới thiệu sự kiện "Ngày An toàn thông tin Việt Nam" 2019.

Năm 2019 sẽ là lần thứ 12 hội thảo - triển lãm quốc tế "Ngày An toàn thông tin Việt Nam" được tổ chức. Hằng năm, sự kiện này luôn thu hút được sự quan tâm mạnh mẽ của cộng đồng CNTT-TT trong cả nước bởi chủ đề luôn bám sát các vấn đề quan trọng, nổi bật, mang tính thời sự trong lĩnh vực CNTT, an toàn thông tin trong nước cũng như trên thế giới.

Có chủ đề “Nâng tầm An toàn, An ninh thông tin quốc gia trong kỷ nguyên số”,  “Ngày An toàn thông tin Việt Nam” năm nay tiếp tục được tổ chức ở cả hai miền Nam - Bắc. Trước khi diễn ra tại Hà Nội vào ngày 29/11, sự kiện sẽ được tổ chức tại TP.HCM trong ngày 21/11, bởi VNISA phía Nam cùng Cục An toàn thông tin - Bộ TT&TT và Sở TT&TT TP.HCM, dưới sự bảo trợ của Bộ TT&TT và UBND TP.HCM.

Thông tin thêm về báo cáo thực trạng an toàn thông tin khu vực phía Nam sẽ được công bố trong phiên buổi sáng của hội thảo “Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2019" tổ chức ngay 21/11 tới ở TP.HCM, đại diện Chi hội VNISA phía Nam cho biết, được xây dựng trên khảo sát tình hình ATTT của 160 tổ chức trên địa bàn phía Nam, báo cáo là tấm gương phản chiếu tình hình thực tế từ góc nhìn về an toàn thông tin trong năm 2019.

“Xu hướng sử dụng CNTT như một công cụ quan trọng tạo sự khác biệt, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo ra phương thức kinh doanh mới… được nhận thấy khá rõ với hơn 1/3 doanh nghiệp triển khai ứng dụng mới, hệ thống CNTT mới.

Doanh nghiệp cũng có các góc nhìn khác về nguồn gốc của rủi ro như: đe dọa cho an toàn thông tin của doanh nghiệp năm nay xuất phát từ bên ngoài (tin tặc, tổ chức tội phạm) nhiều hơn từ bên trong (nhân viên đang làm hoặc đã nghỉ việc) so với khảo sát của năm trước 2018.

Chuyển dịch từ tự làm đến thuê ngoài hoặc kết hợp cả hai; xu hướng chú trọng tới phân hoạch mạng thật tốt bên cạnh các giải pháp truyền thống ứng dụng tường lửa (firewall) và phòng chống mã độc (anti-virus); sử dụng chữ ký số để thực hóa thế giới số… là những thay đổi có thể nhận thấy qua đợt khảo sát tình hình an toàn thông tin khu vực phía Nam năm nay”, đại diện Chi hội VNISA phía Nam chia sẻ.

Đại diện Chi hội VNISA phía Nam nhấn mạnh, bên cạnh những con số nói lên từ thực tế, báo cáo cũng sẽ cung cấp cho người đọc một bức tranh lớn về an toàn thông tin trên thế giới và tại Việt Nam trong năm qua với những phân tích về mã độc, cách thức mã độc lan truyền, những tấn công có chủ đích (APT) động lực của tấn công mạng dưới góc nhìn của các lãnh đạo an toàn thông tin (Chief Information Security Officer –CISO).

Từ các góc nhìn đó, thông tin về thời gian phát hiện “kẻ dấu mặt”, về độ tin cậy khi xác thực mạnh đến mức nào, đâu là điểm cần tập trung theo dõi, rà soát cũng được chia sẻ, phân tích trong báo cáo thực trạng an toàn thông tin 2019 của Chi hội VNISA phía Nam.

Cũng trong phiên hội thảo buổi sáng ngày 21/11, các nhà quản lý, các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp CNTT, an toàn thông tin trong và ngoài nước cũng sẽ trao đổi về các vấn đề thời sự an toàn thông tin cũng như vấn đề “Nâng tầm An toàn, An ninh thông tin quốc gia trong kỷ nguyên số”.

Theo chương trình, trong phiên hội thảo vào chiều cùng ngày, sẽ diễn ra tọa đàm chuyên sâu với chủ đề “Trí tuệ nhân tạo trong tấn công và phòng thủ” gồm các tham luận từ các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực an toàn bảo mật thông tin, trí tuệ nhân tạo trong tấn công và phòng thủ.

Song song với hội thảo, trong khuôn khổ “Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2019” tại TP.HCM còn có khu trình diễn công nghệ, trưng bày, triển lãm giới thiệu các giải pháp, sản phẩm CNTT, an toàn thông tin của các tổ chức, doanh nghiệp.