Samsung mới đây tổ chức 3 workshop với các chủ đề xoay quanh các ngành nghề mới, chia sẻ những kỹ năng cần thiết và truyền cảm hứng về những câu chuyện “dám làm điều không thể”. Góp mặt trong workshop là những cá nhân tiên phong đón đầu cơ hội nghề 4.0 và rất nhiều bạn trẻ đang sẵn sàng chinh phục mục tiêu nghề nghiệp trong thời đại số.

3 bạn trẻ theo đuổi các ngành nghề mới gồm Meo Thùy Dương - Food stylist (chuyên gia sáng tạo hình ảnh ẩm thực), giám đốc sáng tạo Denis Dang và fashionista Châu Bùi.

Meo Thuỳ Dương chia sẻ những mẹo để trở thành chuyên gia hình ảnh cho nhiếp ảnh ẩm thực.

Nếu với các nghề nghiệp trước đây, chỉ cần làm theo quy trình, thì với những nghề mới này, sự sáng tạo là một yếu tố sống còn. Sẽ không là một ngày làm văn phòng 8 tiếng, những nghề mới đòi hỏi người làm phải suy nghĩ, động não không ngừng. Ý tưởng sáng tạo sẽ không đến vào một thời điểm nhất định, ý tưởng sáng tạo là kết quả của một quá trình tích lũy kinh nghiệm kết hợp với liên tục cập nhật xu hướng mới.

Trong câu chuyện của Meo Thuỳ Dương, cô có sáu năm học mỹ thuật, một thời gian dài làm thiết kế đồ hoạ (graphic designer), nhưng bạn trẻ này khép lại tất cả để bắt đầu một giấc mơ lớn hơn, hiện thực hoá niềm đam mê đích thực của bản thân - trở thành một food stylist chuyên nghiệp.

Ba năm trước, food stylist vẫn là nghề lạ và chưa được nhiều người biết đến. Hầu như, khi nhắc tới từ “food stylist", người nghe còn nghĩ nó là một nghề chỉ có ở “bên tây". Tuy vậy, với Thùy Dương, cô lại tự mày mò. Thuỳ Dương nhận ra rằng: “Đồ ăn Việt Nam rất ngon nhưng mọi người chưa ý thức được việc làm cho nó trở nên đẹp hơn”.

Ba năm sau, cô đưa từng món ngon đất Việt chạm đến một tầm cao mới. Ở đó, cô không chỉ khiến những món ăn ngon về phần vị, đẹp về phần hình; mà còn truyền cảm hứng lớn đến thế hệ trẻ, những người cũng mang đam mê trở thành food stylist chuyên nghiệp nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu.

Meo Thuỳ Dương thị phạm công việc của một food stylist.

Nếu đầu bếp là người nấu nướng thì food stylist là một nghề 4.0, mà trong đó có liên quan đến nghệ thuật sắp đặt, sử dụng sự sáng tạo và công nghệ hỗ trợ để có những góc nhìn đẹp, tạo ra bức ảnh thức ăn đầy hương vị.

Với bất kỳ một thiết bị di động nào như laptop, smartphone, máy tính bảng…, bạn có thể tận dụng mạng xã hội để giúp ích cho công việc bằng cách theo dõi (follow) các nhà hàng lớn trên Instagram, Facebook… Từ đó, bạn học cách quan sát những bức hình được nhiều tương tác nhất để phân tích tại sao chúng được nhiều lượt thích, khán giả bình luận điều gì bên dưới… Điều đó không chỉ giúp bạn dần định hình phong cách cá nhân, mà còn là cách để bạn bắt kịp những xu hướng ẩm thực mới nhất trên thế giới

“Bắt đầu thử nghiệm với bữa ăn hàng ngày của các bạn, tự mình styling nó sao cho đẹp hơn lúc đầu. Lặp đi lặp lại hằng ngày việc tiếp xúc với đồ ăn. Lấp đầy thời gian của bạn bằng những công việc liên quan tới đồ ăn, xem phim cũng chọn phim có nhiều cảnh nấu ăn nhé. Hoặc follow các food stylist nổi tiếng trên thế giới.” - Meo Thùy Dương chia sẻ.

Như vậy, Food stylist không đơn thuần chỉ là chụp một vài tấm ảnh đồ ăn rồi đưa lên phần mềm chỉnh sửa cho đẹp là xong. Nghề này đòi hỏi tư duy về bố cục hình ảnh, tư duy về thẩm mỹ và luôn cần nâng cao khả năng thưởng thức cái đẹp. Bởi “nếu mình không tự nâng tầm thẩm mỹ của mình thì khó thể tạo nên một sản phẩm đẹp". Và đó là tâm huyết của người làm nghề.

Khi được hỏi về bí quyết làm nghề, các KOL đều cho rằng sự bền bỉ, chủ động và biết tận dụng công nghệ là yếu tốt cốt lõi để làm nghề cho “chín”.

Với đa số các bạn trẻ, họ hiểu rằng ở thời đại 4.0, làm việc chăm chỉ, nỗ lực không ngừng là cần thiết, nhưng làm việc thông minh mới là yếu tố then chốt để tạo nên sự khác biệt. Sử dụng công nghệ để phục vụ cho sự sáng tạo chính là điểm chung rõ nét mà cả Châu Bùi, Meo Thùy Dương và Denis Dang đều có.