Sân bay Szymany, Ba Lan, điểm đến của các chuyến bay CIA.
Sân bay Szymany, Ba Lan, điểm đến của các chuyến bay CIA.
Vào ngày 7/3/2003, một trực thăng Gulfstream của CIA hạ cánh xuống một đường băng hẻo lánh ở đông bắc Ba Lan. Các nhà vận động và các quan chức nhân quyền tin rằng, Khalid Sheikh Mohammed, một trong những nghi phạm al-Qaeda chủ chốt có mặt trên đó.

Các mật vụ Mỹ đưa Mohammed tới một cơ sở bí mật, nơi nhân vật này cho biết anh ta bị tra tấn trước khi được chuyển tới Vịnh Guantanamo. Việc di chuyển các tù nhân của CIA được cho là diễn ra ở cả Ba Lan và Lithuania. 

Giờ đây, đã bảy năm trôi qua, toàn bộ câu chuyện về địa điểm giam giữ bí mật  của CIA ở Ba Lan mới được khơi ra.

Dick Marty, người phụ trách báo cáo về tra tấn của Hội đồng châu Âu, cho BBC hay: "Nếu tôi sử dụng tiêu chuẩn bằng chứng pháp luật - và tôi từng là một luật sư - thì tôi nói: "Đúng, Mohammed từng ở Ba Lan. Đúng, anh ta đã bị tra tấn". 

Thomas Hammarberg, Cao ủy về Nhân quyền của Hội đồng châu Âu, nói rằng giờ đây, ông tin các nghi phạm là mục tiêu của "sự tra tấn ác nghiệt" và kêu gọi truy tố. 

Trùm sỏ

Sau loạt vụ 11/9, Khalid Sheikh Mohammed là một trong những nhân vật bị người Mỹ try nã, với cáo buộc chủ mưu các vụ tấn công nhằm vào New York và Washington. Cuối cùng, anh ta bị bắt ở Pakistan vào tháng 2/2003 và được di chuyển quanh thế giới bằng máy bay.

Tổng thanh tra của CIA - người giám sát nội bộ tổ chức này - cho biết, anh ta phải chịu "183 lần dội nước" chỉ trong vòng một tháng, một trong cái gọi là "các biện pháp thẩm vấn mở rộng" được CIA dùng khi đó. 
 
Trung tâm của chương trình chống khủng bố được phát động sau vụ 11/9, được tin là có mật mã Greystone, là một quyết định nhằm sử dụng các điểm bí mật để giam "những tù nhân có giá trị cao". 

Mô tả ảnh.
Minh họa của BBC.

Các báo cáo của Dick Marty miêu tả chúng là "một màng nhện phủ khắp toàn cầu" gồm các điểm bí mật được kết nối bởi những chuyến bay bí mật. 

BBC đã chứng kiến những lịch trình xác nhận các máy bay được CIA thuê đã hạ cánh xuống đường băng Szymany hẻo lánh ở đông bắc Ba Lan từ giữa tháng 12/2002 tới tháng 9/2003.  

"Chúng tôi nhận được thông tin về các chuyến bay từ tư lệnh trung ương của lực lượng bảo vệ biên giới", Mariola Przewlocka, người khi đó là quản lý các phương tiện tại sân bay, cho BBC hay. "Họ yêu cầu vào lúc hạ cánh càng có ít nhân viên sân bay ở đó càng tốt. Nhiều sĩ quan cấp cao có mặt trong lúc các máy bay khởi hành và không có nhân viên hải quan nào". 

Trong một cuộc thẩm vấn của Ủy ban Hội chữ Thập đỏ quốc tế, Khalid Sheikh Mohammed đã đưa ra bằng chứng chứng tỏ anh ta được đưa tới Ba Lan. Mohammed nói mình được đưa bằng ôtô qua một đoạn ngắn từ sân bay tới nơi giam giữ. Nhân vật này còn tả có tuyết trên mặt đất, mọi người nói một thứ tiếng Đông Âu và anh ta được cho một chai nước có địa chỉ email Ba Lan trên nhãn. 

An ninh tối đa  

Theo Mariola Przewlocka, các máy bay luôn được tiếp cận bởi các xe có biển số liên quan tới Stare Kiejkuty, một căn cứ đào tạo tình báo gần đó.  

Các nhân viên của BBC đã tìm thấy một căn cứ sau một chặng đường xuyên qua cánh rừng địa phương. Máy quay được đặt ở tất cả các góc và dây thép gai bao quanh một khu vực rộng lớn. 

Một báo cáo của Liên Hợp Quốc, được đăng tải hồi tháng 2/2010, đưa ra cáo buộc rằng có 8 nghi phạm khủng bố bị giữ ở Stare Kiejkuty. Tất cả đều là "các tù nhân có giá trị cao" mà CIA tin là đang nắm thông tin về các hoạt động khủng bố tương lai. 

Áp lực được tăng cường để buộc Khalid Sheikh Mohammed phải tiết lộ bí mật. Anh ta nói với Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế rằng vào ngày tồi tệ nhất trong quá trình bị thẩm vấn, đầu của anh ta bị "đập vào tường, mạnh đến nỗi mà máu phun ra". 

"Cuối cùng, tôi bị tra tấn bằng nước. Lần tra tấn hôm đó ngừng lại nhờ sự can thiệp của bác sĩ", Mohammed kể. 

Phát biểu hồi năm ngoái tại American Enterprise Institute, cựu Phó Tổng thống Mỹ Dick Cheney đã bênh vực cung cách xử lý nghi phạm. "Nhân sự Mỹ không ở đó để khởi đầu một tiến trình pháp lý tỉ mỉ mà là để khai thác thông tin từ anh ta trước khi al-Qaeda có thể tấn công trở lại và giết thêm người của chúng ta". 

Tuy nhiên, theo những gì mà chính Tổng thanh tra CIA tìm thấy thì mọi thứ đã diễn ra sai trái. 

Stare Kiejkuty,
Căn cứ Stare Kiejkuty hiện là tâm điểm của các cuộc điều tra.

Một trong các nghi phạm là Abd Al-Rahim Al-Nashiri, bị cáo buộc chỉ huy vụ tấn công năm 2000 nhằm vào tàu khu trục USS Cole, sự kiện giết chết 17 thủy thủ Mỹ. Tổng thanh tra CIA thấy rằng, một điều tra viên đã đập một khẩu súng không đạn vào đầu Al-Nashiri. Và cùng ngày, một điệp vụ khác có thể đã dùng máy khoan điện để dọa một tù nhân bị trùm đầu trong tình trạng không một mảnh vải che thân.

Các luật sư của al-Nashiri đã yêu cầu Ba Lan phải điều tra sự thật.

Từ một tòa nhà ở rìa thành phố, văn phòng Công tố Warsaw đã mất 2 năm để điều tra các cáo buộc. Họ tiết lộ rất ít về những gì đã biết - vì công việc của họ còn kéo dài nhiều tháng nữa. 

Nhưng không chỉ Ba Lan phải đối mặt với các cáo buộc. 

Lithuania

Ngay sau khi CIA ngừng sử dụng Stare Kiejkuty, các máy bay lại chuyển hướng tới Lithuania.  

"Người đứng đầu Ủy ban An ninh nhà nước đã tới gặp tôi vào mùa hè năm 2003", Rolandas Paksas, Tổng thống Lithuania khi đó, kể với BBC. "Ông ấy xin phép cho đối tác nước ngoài của chúng tôi bí mật đưa người vào Lithuania và giữ họ ở đó". 

Paksas cho biết ông đã từ chối. Và ngay sau đó, ông bị buộc nhiều tội danh về tham nhũng. 

Theo một cuộc điều tra của quốc hội Lithuania tiếp sau lời từ chối của Paksas, một cơ sở giam giữ được xây dựng với các trang thiết bị để giam giữ tù nhân. Điều này xảy ra sau khi Lithuania đã gia nhập Liên minh châu Âu.  

Có thể tìm thấy cơ sở này nằm nép mình trong khu rừng ở ngoại ô Vilnius, ngay sát một số khu nhà ở đã xuống cấp. Tòa nhà hiện được sử dụng như một căn cứ đào tạo tình báo. Người dân địa phương cho hay, họ đã nhìn thấy các nhà thầu Mỹ tiếp quản khu nhà đua ngựa trước kia. 

Điều tra của Quốc hội tiếp tục khẳng định rằng, các máy bay của CIA đã hạ cánh ở Lithuania - song quả quyết không có bằng chứng cho thấy các nghi phạm từng được đưa tới cơ sở này. 

Arvydas Anusauskas, chủ tịch ban điều tra của Quốc hội, cho hay: "Hai hoặc ba người tại Ban An ninh nhà nước (
SSD) giấu giếm thông tin và lạm dụng quyền lực. Họ cho phép điều này xảy ra trên lãnh thổ Lithuania mà không báo cáo với các lãnh đạo chính trị của chúng tôi. Đây là một vấn đề rất nghiêm trọng". 

Cũng như ở Ba Lan, một công tố viên ở Vilnius đang tiến hành điều tra sự thật.

Hồi đầu tháng này, các luật sư đại diện cho nghi phạm Abu Zubaydah ở Vịnh Guantanamo tuyên bố thân chủ của họ bị giữ ở Lithuania. Tuy nhiên, Avydas Pocius - nguyên Tổng giám đốc SSD - cho biết "không thể" có chuyện CIA chuyển các tù nhân qua nước này. 

Henrikas Mickevicius, thuộc Viện Giám sát Nhân quyền Lithuania, nói rằng đất nước ông cần các câu trả lời. 

"Tôi cảm thấy bị phụ bạc. Chúng tôi đã đấu tranh không ngừng nghỉ vì những gì đã đạt được 20 năm trước - tự do, dân chủ, trật tự pháp luật và bảo vệ nhân quyền. Chúng tôi đã trả một cái giá cao cho điều đó và sau đó chúng tôi bán nó rẻ mạt". 

Trong một thông báo gửi BBC, CIA nói: "Chương trình đã chấm dứt. Cơ quan này không thảo luận công khai về những nơi có thể có hoặc không có các cơ sở giam giữ". 

  • Thanh Hảo (Theo BBC)