Tâm sự bên hồ

Tóc bạc phơ như cước, nụ cười thảnh thơi bên Hồ Gươm, cụ Nguyễn Thị Bôi vô tình lạc vào ống kính của một người nước ngoài. Sau một hồi bấm máy lia lịa, ông Tây ngước lên nhìn bà cụ cười: “So nice. So beautiful. Bye…!”.

Bà cụ già không hiểu tiếng Anh, nhưng cũng đáp lại: “Hello….!” Những người có mặt cười ồ, bà cụ cũng cười…

“Tây "nó" thích mình thì mình thân thiện với "nó". Hà Nội nghìn năm văn hiến cơ mà, dân mình cũng phải quảng bá cho Thủ đô chứ!”- cụ Bôi giảng giải.
Mô tả ảnh.
Cu Nguyễn Thị Bôi và những người bạn tâm giao bên Hồ Gươm.


Khi được hỏi về tâm trạng của mình trước thềm đại lễ, cụ ôn tồn bảo: “Tôi ra Hà Nội từ năm 4 tuổi, năm nay vùa tròn 80, lại được chứng kiến nghìn năm Thăng Long như thế này là mãn nguyện lắm rồi. Hà Nội bây giờ đẹp quá, huy hoàng quá. Ngày trước, có nằm mơ tôi cũng chẳng hình dung ra…”.

Rồi cụ vui vẻ nói thêm: “Bờ Hồ ngày xưa đâu được đẹp đẽ, thanh bình thế này? Chỉ có giai gái mới hay ra bờ hồ, chứ cánh già chẳng bao giờ tìm ra đây làm gì. Ấy thế mà bây giờ, sáng ra lên bờ hồ, nam thanh nữ tú đông, mà các ông, các bà cũng đủ cả. Gặp nhau, tập tành với nhau, dăm ba câu chuyện bên ghế đá thế là thành bạn”.

Vui chuyện, chẳng để ý đến người khách lạ nữa, các cụ sôi nổi bàn xem khu Bờ Hồ mấy hôm nay chỗ nào đẹp nhất. Người thì bảo dãy phố Hàng Ngang, Hàng Đào, người thì khen mặt hồ chỗ Bưu điện thành phố, người thì suýt xoa hệ thống đèn pha chiếu sáng, đèn “la- de” chiếu bừng cả tháp rùa… Mỗi câu nói vô tư nhưng chất chứa biết bao tự hào.

Ở một góc ghế đá khác, cụ Bùi Như Tản- nhà ở phố Văn Cao đang ngồi chờ bạn, tay mân mê chiếc túi da vừa “tậu” được trên chợ Đồng Xuân. Có người đến bắt chuyện, cụ vui vẻ xích sang một bên tiếp chuyện.

“Trước, nhà tôi ở Phố Huế. Tôi chuyển xuống phố Văn Cao đã hai năm nay. Cũng ốm đau luôn, ở nhà suốt. Tôi nhớ phố cổ, thèm ra chợ Đồng Xuân quá. Hôm nay được buổi mát giời tôi bảo con trai đưa lên đây chơi một hôm!”.

Rồi khuôn mặt cụ rạng rỡ hẳn lên. “Có hai năm không ra mà phố cổ lung linh quá, to đẹp quá! Tôi cũng thấy phấn khởi, đúng là chẳng đâu bằng Hà Nội. Chẳng biết mấy ngày chào Đại Lễ tôi có lên đây được một buổi hay không”. Trong giọng nói nửa tiếc nuối, nửa vui mừng ấy người ta dễ dàng cảm nhận được một tình yêu, sự gắn bó máu thịt với Hà Nội của cụ.

Những câu chuyện tuổi già, những tâm sự về Hà Nội chẳng mấy khi được thổ lộ, nhưng được lắng nghe một lần là xúc động và nhớ mãi. Bên mặt hồ gươm lặng lẽ sóng xô, bên con phố dài với dòng người tấp nập, có một góc Hà Nội thâm trầm cổ kính và thiết tha yêu thương trong những tâm sự rất chân thành ấy.

Chuyện đời nơi góc phố

Trên con phố Hàng Cót, giữa bốn bề những nhà cửa san sát, cửa hiệu hào nhoáng, cửa hàng rau của bà Phạm Thị Mùi tưởng như dễ bị người ta bỏ qua nhất. Ngày nào bà Mùi cũng loanh quanh với sạp hàng từ sáng sớm đến tối mịt.
Mô tả ảnh.
Cụ Phạm Thị Mùi bên gánh hàng rau giữa phố cổ.

Bà Mùi quê gốc ở Gia Viễn, Ninh Bình. Bà kể: “Tôi vào bộ đội từ năm 17 tuổi. Trải đủ nghề và sống chết với bom đạn mười mấy năm trời. Năm 1954 tôi theo đơn vị về tiếp quản Thủ đô, được học y tá và về công tác ở Bệnh viện Đống Đa rồi được phân cho ngôi nhà số 24 này”.

“Hồi ấy cùng đơn vị chỉ có một mình tôi được may mắn ở lại công tác và sống tại Hà Nội”- bà Mùi chia sẻ.

Duyên ngộ với Hà Nội vừa là niềm vui, vừa là may mắn đối với bà. 

“Những ngày đầu về Hà Nội trăm cái khó, ngàn cái khổ. Nhưng  khó với khổ ấy là khó chung, khổ chung. Tôi nghĩ bụng, cả đơn vị chỉ mình mình được ở lại Thủ đô, xây cuộc sống mới. Phải gắng mà xây cho mình một cuộc sống tốt để không lỡ mất cái may mắn ấy”.

Bằng tình yêu Hà Nội, bằng nghị lực của người phụ nữ, bà Mùi lần lượt vượt qua tất cả. “Chồng tôi đi bộ đội biền biệt, năm 1968 thì tôi nhận được tin ông ấy hi sinh ở chiến trường miền Nam. Đau đớn, mất mát, tôi  đã nghĩ, một thân một mình cô độc ở lại thành phố này mà làm gì? Chi bằng khăn gói về quê…”.

“Cũng may có hàng xóm, bạn bè an ủi, giúp đỡ, tôi bình tâm trở lại. Còn các con, còn công tác, còn ngôi nhà…Tôi lại nghiến răng nén đau mà sống, bám trụ lấy Hà Nội mà sống”. Bà Mùi thở dài, cái thở dài như phủ buồn lên cả quãng kí ức đau buồn đã qua.

“Ấy thế mà cũng sắp hết cả đời người. Hết buồn thì đến vui. Các con tôi bây giờ đứa ít tuổi nhất cũng ngoài năm mươi. Mỗi đứa một phương trời, nhưng đều thành đạt, có con, có cháu. Tôi giờ cũng có đến 4 chắt ngoại và một chắt nội, vậy là mãn nguyện rồi…”.

“Bây giờ lương hưu, tiền con cháu gửi cho cũng đủ tôi dưỡng già. Nhưng quanh quẩn trên gác, ti vi với cái đài rồi người nó mệt mỏi, đau yếu thêm. Không có gánh hàng rau, không gặp gỡ mọi người chắc tôi đổ bệnh mất!”.

Hóa ra, gánh hàng không chỉ là kế mưu sinh mà chính những câu chuyện giản dị xoay quanh mớ rau, củ hành ấy, lạ lùng thay có thể giúp bà khỏe mạnh, minh mẫn hơn.

“Hàng chợ quanh đây không thiếu, phóng xe máy một tẹo là đến nhưng gánh hàng rau bà Mùi có bao giờ vắng khách đâu! Bà cụ mà nghỉ hàng một ngày là cả phố ra hỏi, vào hỏi” - cô Hải Ly, một khách hàng quen của cụ Mùi ghé qua mua mớ rau mùi, dăm quả cà chua góp chuyện.

Bà cụ cứ từ tốn mà làm, an nhiên, mặc kệ đời vội vã, mặc kệ dòng xe đảo điên ồn ào… Nhưng thiếu cái an nhiên của bà, thì phố phường này cũng trống trải và nhạt nhẽo đi biết bao nhiêu.

Phải, Hà Nội sẽ nhạt nhẽo đi bao nhiêu nếu không có những chuyện đời, những tâm sự chân thành của những bà Mùi, cụ Bôi, ông Tản...

Có biết bao nhiêu câu chuyện đời, những tâm sự như thế chẳng ai biết hết được. Chỉ thấy rằng, tình yêu lặng thầm mà họ dành cho Thủ đô nghìn tuổi đã góp phần làm nên một linh hồn Hà Nội sống mãi với thời gian.
  • Quỳnh Anh