Dự thảo Nghị định về quản lý đầu tư ứng dụng CNTT đang được Bộ TT&TT soạn thảo đã dành hẳn 1 chương (Chương IV) với 14 Điều để quy định về quản lý hoạt động thuê dịch vụ CNTT (Ảnh minh họa: Công ty DTT cung cấp)

Dự thảo Nghị định về quản lý đầu tư ứng dụng CNTT là một trong những cơ chế, chính sách Bộ trưởng Bộ TT&TT trong kết luận tại hội nghị giao ban công tác quản lý nhà nước tháng 1/2019  đã yêu cầu Cục Tin học hóa phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hoàn thiện để có thể trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong quý II/2019.

Hiện tại, phiên bản 5 của dự thảo Nghị định quy định quản lý đầu tư ứng dụng CNTT do Bộ TT&TT xây dựng đã được đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ (Chinhphu.vn) và website của Bộ TT&TT (Mic.gov.vn) để lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và đông đảo người dân trong và ngoài nước. 

Bộ TT&TT cho biết, dự thảo Nghị định này đã được Bộ xây dựng theo hướng giải quyết vướng mắc cho hoạt động đầu tư ứng dụng CNTT, thuê dịch vụ CNTT; phù hợp và đồng bộ với hệ thống pháp luật có liên quan; bãi bỏ, đơn giản hóa quy trình, thủ tục đầu tư ứng dụng CNTT, thuê dịch vụ CNTT, thúc đẩy hoạt động ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước, xây dựng Chính phủ điện tử.

Dự thảo Nghị định này cũng được đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính đánh giá đã có nhiều tháo gỡ các tồn tại vướng mắc trong triển khai ứng dụng CNTT và đề nghị Bộ TT&TT khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành để đảm bảo cơ sở pháp lý cho triển khai ứng dụng CNTT, đáp ứng yêu cầu triển khai cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Gồm 8 Chương với tổng số 92 Điều, dự thảo Nghị định về quản lý đầu tư ứng dụng CNTT quy định cụ thể việc quản lý dự án đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng vốn đầu tư công; hoạt động mua sắm, thuê dịch vụ CNTT sử dụng kinh phí chi thường xuyên theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước; dự án đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Các hoạt động đầu tư, mua sắm, thuê dịch vụ CNTT thuộc diện bí mật quốc gia không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này.

Nghị định mới sẽ được áp dụng đối với: Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương của tổ chức chính trị, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội; cơ quan trung ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và của tổ chức chính trị - xã hội; UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện và UBND cấp xã; Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; Tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư, mua sắm, thuê dịch vụ CNTT sử dụng các nguồn vốn quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định này. Khuyến khích tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư, mua sắm, thuê dịch vụ CNTT sử dụng vốn khác áp dụng các quy định tại Nghị định này.

Đáng chú ý, dự thảo Nghị định về quản lý đầu tư ứng dụng CNTT đã dành hẳn 1 chương (Chương IV) với 14 Điều để quy định về quản lý hoạt động thuê dịch vụ CNTT.

Cụ thể, dự thảo Nghị định quy định, với dự án thuê dịch vụ CNTT sử dụng nguồn vốn đầu tư công (sau đây gọi là dự án thuê), trình tự, thủ tục, thẩm quyền thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công và các quy định tại Nghị định này. Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án thuê thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công và các quy định tại Mục 2 Chương này.

Đối với hoạt động thuê dịch vụ CNTT sử dụng kinh phí chi thường xuyên, theo dự thảo Nghị định, với hoạt động thuê dịch vụ CNTT sẵn có trên thị trường, thực hiện theo quy định của pháp luật về mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan, đơn vị; giá thuê dịch vụ được xác định trên cơ sở giá thị trường tại thời điểm thuê dịch vụ. Trường hợp người có thẩm quyền quyết định thuê dịch vụ yêu cầu phải lập kế hoạch thuê dịch vụ CNTT, việc lập kế hoạch thuê dịch vụ CNTT thực hiện theo quy định tại Mục 3 Chương này.

Còn với hoạt động thuê dịch vụ CNTT được thiết lập theo các yêu cầu riêng nhằm đáp ứng yêu cầu đặc thù của cơ quan, đơn vị (gọi tắt là dịch vụ theo yêu cầu riêng), sẽ thực hiện theo quy định tại Mục 3 Chương này.

Đối với hoạt động thuê dịch vụ CNTTcó thời gian thuê trên 1 năm, đơn vị sử dụng ngân sách được giao nhiệm vụ thuê dịch vụ (gọi tắt là chủ trì thuê) báo cáo cấp có thẩm quyền quyết xem xét, quyết định. Quy trình lập dự toán, phân bổ dự toán kinh phí thuê dịch vụ CNTT được thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Về thẩm quyền quyết định thuê dịch vụ CNTT sử dụng kinh phí chi thường xuyên, Bộ TT&TT đề xuất, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, người đứng đầu cơ quan khác ở trung ương quyết định hoặc phân cấp quyết định thuê dịch vụ CNTT thuộc phạm vi quản lý; Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định hoặc phân cấp quyết định thuê dịch vụ CNTT thuộc phạm vi quản lý của địa phương; Thủ trưởng đơn vị dự toán các cấp quyết định thuê dịch vụ CNTT có giá trị thuộc phạm vi được cơ quan có thẩm quyền phân cấp.

Dự thảo Nghị định mới về quản lý đầu tư ứng dụng CNTT cũng nêu rõ, thông tin, dữ liệu hình thành trong quá trình thuê dịch vụ CNTT thuộc sở hữu của cơ quan, đơn vị thuê; nhà thầu có trách nhiệm bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, chuyển giao đầy đủ cho cơ quan, đơn vị thuê các thông tin, dữ liệu khi kết thúc hợp đồng thuê dịch vụ CNTT.

Đồng thời, dự thảo Nghị định mới cũng hướng dẫn cụ thể về lựa chọn nhà thầu trong hoạt động thuê dịch vụ CNTT; thuê dịch vụ CNTT tập trung; nội dung Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư của dự án thuê dịch vụ CNTT; nội dung Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thuê dịch vụ CNTT; Hợp đồng dự án thuê dịch vụ CNTT, tổ chức kiểm thử, vận hành thử; thẩm quyền thẩm định, phê duyệt kế hoạch thuê dịch vụ CNTT theo yêu cầu riêng; lập kế hoạch thuê; dự toán thuê dịch vụ CNTT theo yêu cầu riêng...

Bên cạnh các quy định về quản lý hoạt động thuê dịch vụ CNTT, phiên bản 5 của dự thảo Nghị định quy định quản lý đầu tư ứng dụng CNTT còn quy định chi tiết về quản lý dự án đầu tư ứng dụng CNTT; quản lý hoạt động ứng dụng CNTT; tiêu chuẩn đánh giá về năng lực, kinh nghiệm của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đầu tư ứng dụng CNTT; bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý đầu tư ứng dụng CNTT cũng như trách nhiệm quản lý hoạt động đầu tư, mua sắm, thuê dịch vụ CNTT.