Lời tòa soạn: Trong bài viết có tựa đề "Nghĩ gì về AI và chatbot?", TS tâm lí học Lê Nguyên Phương nêu vấn đề: Cuộc chạy đua gấp rút nhất mà có lẽ tất cả chúng ta cần thực hiện có lẽ là cuộc đua tìm kiếm sự độc đáo của “tính người” hay “đặc điểm người” để từ đó mới nhận diện được “vai trò người” và thêm bước nữa, xác định được “giáo dục người” khác “dẫn dắt máy” như thế nào. Dưới đây, VietNamNet xin giới thiệu nội dung bài viết. 

******************

Có thể đối với những chuyên gia lập trình trong lĩnh vực AI từ lâu đã có những phân tích và đánh giá về giá trị cũng như tác động của một công cụ tương tự đối với hoạt động tâm trí của con người nói riêng và toàn bộ ảnh hưởng của nó đối với cuộc sống của con người nói chung. 

Tuy nhiên, lâu nay “quần chúng nhân dân” chỉ có thể xem các truyện khoa học viễn tưởng như các tác phẩm, "Do Androids Dream of Electric Sheep?" của Philip K. Dick, “Neuromancer" của William Gibson, "The Diamond Age" của Neal Stephenson, "Ender's Game" của Orson Scott Card; hay các phim "Blade Runner" dựa trên tác phẩm của Philip K. Dick nói trên, loạt phim "The Terminator," "Ex Machina," "I, Robot," hay "Her" và lập những giả thuyết về hậu/kết quả khi AI vượt trí thông minh của con người, quan hệ giữa người và máy, cũng như những vấn đề liên hệ khi con người đang thay Thượng Đế “... sáng tạo con người theo hình ảnh Ngài... tạo ra họ theo hình ảnh Ngài.” (Sáng Thế Ký 1:27). 

Các công cụ AI như ChatGPT chắc chắn vẫn thiếu các phẩm chất của con người về trí tuệ cảm xúc, sự đồng cảm, khả năng ra quyết định có đạo đức.

Với sự xuất hiện của OpenAI nói chung và ChatGPT nói riêng vào cuối năm qua, chúng ta được ông già Noel “ném” cho một món đồ chơi mà lâu nay những “đứa trẻ” mê phương tiện kỹ thuật này vẫn thèm thuồng ngắm nhìn chúng qua cửa sổ bày hàng và ao ước một ngày sở hữu. Nhưng đồng thời hay thật ra, chúng ta cũng đang bị “ném” vào một thực tại mới (new reality), chẳng phải là thực tại ảo (virtual reality) hay bình thường mới (new normality), một thực tại mà nơi đó tập hợp các công nghệ sẽ thay đổi cách chúng ta nhìn và tương tác với thế giới của chính mình cũng như cách chúng ta tạo ra những trải nghiệm đắm chìm trong thế giới mới.  

Cách đây 4 năm, cả xã hội dường như lên đồng với cái gọi là 4.0 đến nỗi có những hội thảo về giáo dục chẳng liên quan gì đến khoa học kỹ thuật cũng gắng gượng đưa vào chữ “trong thời đại 4.0” để dễ xin tài trợ.  Khi mà khái niệm 4.0 thời xưa đối với nhiều người chỉ là việc dùng Powerpoint có vài hoạt hình để trình bày bài giảng, thì nay 4.0 đã đến gõ cửa từng nhà và ngồi xổm trên máy tính của từ ông thầy đến em học sinh. Và thế là chúng ta nói đến việc cáo chung của phương pháp giáo dục từ chương nơi thầy cô “ký thác” kiến thức vào “tài khoản” học sinh, nói theo Paulo Freire, và thụ động may nhờ rủi chịu cái mớ kiến thức đó nảy sinh lời lãi tùy theo trí thông minh của từng đứa học trò.  

ChatGPT có thể phục vụ như một công cụ có giá trị cho học sinh, sinh viên muốn nâng cao hiểu biết về các môn học khác nhau, nâng cao kỹ năng viết và chuẩn bị cho các kỳ thi.  TS Lê Nguyên Phương

Thật ra học sinh, sinh viên có thể dùng các phương tiện AI miễn phí, ít nhất là hiện nay để làm gì? Nhìn chung, ChatGPT chẳng hạn có thể phục vụ như một công cụ có giá trị cho học sinh, sinh viên muốn nâng cao hiểu biết về các môn học khác nhau, nâng cao kỹ năng viết và chuẩn bị cho các kỳ thi. Nó có thể hỗ trợ hoàn thành bài tập về nhà bằng cách cung cấp thông tin, giải thích và cho ví dụ, cải thiện việc học tập bằng cách giúp học sinh học tập bằng cách trả lời các câu hỏi, cung cấp tóm tắt và giải thích các khái niệm khó; cải thiện việc trình bày ý tưởng bằng cách bằng cách đề xuất ý tưởng, cải thiện ngữ pháp và đề xuất cách diễn đạt thay thế; chuẩn bị các kỳ thi bằng cách giúp học sinh sinh viên thực hành trả lời các câu hỏi trong môi trường kiểm tra mô phỏng; và có lẽ cuối cùng quan trọng nhất là việc hỗ trợ nghiên cứu bằng cách cung cấp thông tin, đề xuất để đọc thêm và tóm tắt các ấn phẩm nghiên cứu.

Giáo viên hay giảng viên không còn sự xa xỉ ru ngủ đám học sinh, sinh viên với những bài giảng và bài thi nhai lại từ nhiều thập kỷ trước  TS Lê Nguyên Phương

Trực diện với khả năng đó, chắc chắn giáo viên hay giảng viên không còn sự xa xỉ ru ngủ đám học sinh, sinh viên với những bài giảng và bài thi nhai lại từ nhiều thập kỷ trước. Điều chúng ta nghĩ đến ngay là phương pháp giảng dạy trong trường học cần thay đổi và phát triển để tập trung nhiều hơn vào tư duy phản biện, giải quyết vấn đề, và sáng tạo, vì những kỹ năng này không thể được sao chép bằng máy móc - những nội dung và phương cách giảng dạy mà lẽ ra học sinh và sinh viên phải được dạy… từ thế kỷ trước để có thể bắt kịp với thế giới. Thay vì chỉ dựa vào việc ghi nhớ và học thuộc lòng, giáo/giảng viên cần khuyến khích học sinh phân tích và ứng dụng thông tin theo những cách có ý nghĩa. Và dĩ nhiên, học sinh sinh viên cũng cần được hướng dẫn cách sử dụng công nghệ một cách hiệu quả, bao gồm các công cụ AI như ChatGPT, để hỗ trợ việc học của các em. Bằng cách trang bị cho học sinh những kỹ năng này, các em sẽ được chuẩn bị tốt hơn để thành công trong một thế giới ngày càng được thúc đẩy bởi công nghệ.

ChatGPT không phải lúc nào cũng có thể cung cấp thông tin chính xác hoặc nhạy cảm về mặt văn hóa.

Thử hi vọng là các công cụ AI như ChatGPT cũng bị giới hạn bởi chương trình và dữ liệu mà chúng đã được đào tạo và không phải lúc nào chúng cũng có thể cung cấp thông tin chính xác hoặc nhạy cảm về mặt văn hóa. Thượng đế bất toàn thì dĩ nhiên tạo vật của ngài cũng bất toàn. Các hệ thống AI, bao gồm cả các mô hình ngôn ngữ như ChatGPT, có thể mắc lỗi và thể hiện những sai lệch nhất định do những hạn chế về dữ liệu đào tạo và thuật toán của chúng.

Những thành kiến và thiên kiến của con người khi đưa vào máy có thể biểu hiện theo nhiều cách khác nhau. Chúng có thể là hiệu ứng hào quang (halo effect) hay thiên thần, trong đó hệ thống AI gán thuộc tính tích cực cho một thực thể dựa trên một đặc điểm tích cực; hiệu ứng đuôi sừng (horn effect) hay quỷ sứ, trong đó hệ thống AI gán thuộc tính tiêu cực cho thực thể dựa trên một đặc điểm tiêu cực; hiệu ứng tương phản, trong đó nhận thức của hệ thống AI về một hiện tượng bị ảnh hưởng bởi sự hiện diện mang tính tương phản của các kích thích khác. Lỗi tư duy của người trong đó có sự giới hạn của các khung nhận thức (schemata) có thể cũng sẽ vô tình xâm nhập vào các giải pháp và giải đáp trong tiến trình thiết lập hay sử dụng.   

Các hệ thống AI, bao gồm cả các mô hình ngôn ngữ như ChatGPT, có thể mắc lỗi và thể hiện những sai lệch nhất định do những hạn chế về dữ liệu đào tạo và thuật toán của chúng.   TS Lê Nguyên Phương

Những lỗi tư duy này có thể dẫn đến kết quả không chính xác hoặc không công bằng, đặc biệt là trong các lĩnh vực như tài chính, tư pháp hình sự và tuyển dụng, nơi các hệ thống AI ngày càng được sử dụng nhiều hơn để đưa ra các quyết định quan trọng. Điều quan trọng là phải nhận thức được những lỗi này và thường xuyên đánh giá cũng như thử nghiệm các hệ thống AI để giảm thiểu tác hại của chúng. Vẫn cần sự giám sát và ra quyết định của con người để đảm bảo rằng kết quả do AI tạo ra là chính xác, công bằng và hợp đạo đức. Và điều này thì… có lẽ AI sẽ học và khắc phục rất nhanh vì chúng không cố bám víu vào một chủ thuyết, niềm tin, tâm trạng, quan hệ,... để củng cố bản ngã của chúng hay xem những thứ này như căn tính (identity) của chúng.  

Cuộc chạy đua gấp rút nhất mà có lẽ tất cả chúng ta cần thực hiện có lẽ là cuộc đua tìm kiếm sự độc đáo của “tính người” hay “đặc điểm người” để từ đó mới nhận diện được “vai trò người” và thêm bước nữa, xác định được “giáo dục người” khác “dẫn dắt máy” như thế nào.   

ChatGPT chắc chắn có thể cung cấp các câu trả lời và giải pháp hữu ích vừa logic vừa dựa trên một lượng dữ liệu khổng lồ của toàn thế giới mà không có cá nhân nào có thể sở hữu trong mấy chục năm mòn mông trên ghế nhà trường, chúng vẫn thiếu các phẩm chất của con người về trí tuệ cảm xúc, sự đồng cảm, sự trọn vẹn trong hiện diện, khả năng ra quyết định có đạo đức. TS Lê Nguyên Phương

Ở đây tôi chỉ dám đặt một giả thuyết. Mặc dù các công cụ AI như ChatGPT chắc chắn có thể cung cấp các câu trả lời và giải pháp hữu ích vừa logic vừa dựa trên một lượng dữ liệu khổng lồ của toàn thế giới mà không có cá nhân nào có thể sở hữu trong mấy chục năm mòn mông trên ghế nhà trường, chúng vẫn thiếu các phẩm chất của con người về trí tuệ cảm xúc, sự đồng cảm, sự trọn vẹn trong hiện diện, khả năng ra quyết định có đạo đức. Những năng lực này rất cần thiết để thành công trong cả cuộc sống cá nhân và nghề nghiệp, và chúng không thể được phát triển đầy đủ chỉ thông qua công nghệ.

Với những kỹ năng hay đúng hơn là phẩm chất đó, giáo viên hay giảng viên con người có thể mang đến một góc nhìn độc đáo, trải nghiệm đa dạng và trí tuệ cảm xúc cho lớp học. Nhờ đó vai trò của giáo viên trong thời đại AI sẽ phát triển nhưng không biến mất. Giáo viên có thể cung cấp hướng dẫn và cố vấn, tạo điều kiện cho các cuộc thảo luận và học tập hợp tác, đồng thời giúp học sinh phát triển năng lực chiêm nghiệm và trải nghiệm đời sống sâu sắc mang tính người để có thể giải quyết các câu hỏi đạo đức và luân lý phức tạp thường nằm ngoài phạm vi của AI.

TS Lê Nguyên Phương

Báo VietNamNet trân trọng cảm ơn và mời độc giả tiếp tục tham gia viết bài chia sẻ về ChatGPT. Các bài viết vui lòng gửi về địa chỉ: banictnews@vietnamnet.vn.