{keywords}
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm năm 2019. Ảnh: Bộ Công thương

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm năm 2019. Theo đó, tổng số cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm năm 2019 trên toàn quốc là 3.006 cơ sở. Trong đó có 2.441 cơ sở sản xuất công nghiệp, 15 cơ sở sản xuất nông nghiệp, 84 đơn vị vận tải và 466 công trình xây dựng.

Trong Quyết định vừa ban hành, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương liên quan tổ chức quản lý hoạt động sử dụng năng lượng của các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm theo quy định của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, và Nghị định số 21/2011/NĐ-CP ngày 29/3/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Bộ Công thương chủ trì, phối hợp các bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố thuộc trung ương tổ chức cập nhật và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh sách cơ sở trọng điểm để công bố trước ngày 31/3 hàng năm.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tại địa phương kiểm tra, rà soát, lập danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm trên địa bàn, tổng hợp gửi Bộ Công Thương trước ngày 01/2 hàng năm.

Ngoài ra, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước yêu cầu các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm là thành viên thuộc phạm vi quản lý của đơn vị mình thực hiện các nhiệm vụ về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, theo quy định của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. Thực hiện báo cáo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi cơ sở đặt trụ sở, đồng thời báo cáo tập đoàn, tổng công ty để tổng hợp báo cáo Bộ Công Thương; tổ chức rà soát, cập nhật danh sách các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm thuộc phạm vi quản lý của đơn vị mình; tổng hợp gửi Bộ Công Thương trước ngày 01/02 hằng năm.

Các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm trong Danh sách kể trên có trách nhiệm thực hiện đầy đủ nghĩa vụ quy định tại Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và Nghị định số 21/2011/NĐ-CP ngày 29/3/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Chính phủ cũng vừa ban hành Chương trình hành động thực hiện định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, Chính phủ đặt mục tiêu đưa tỷ lệ tiết kiệm năng lượng trên tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng, so với kịch bản phát triển bình thường đạt khoảng 7% vào năm 2030. Con số này vào năm 2045 được nâng lên là 14%.

Để thực hiện được các mục tiêu đề ra trong chương trình hành động, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong đó có cơ cấu lại các ngành và khu vực tiêu thụ năng lượng song song với thực hiện các chính sách về sử dụng năng lượng sạch, tiết kiệm và hiệu quả.

Cụ thể, Chính phủ giao Bộ Công thương sẽ nghiên cứu, rà soát, sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Nghiên cứu xây dựng các văn bản pháp luật có liên quan để hoàn thiện cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý thúc đẩy phát triển Lưới điện thông minh và triển khai rộng rãi chương trình Quản lý nhu cầu điện, Chương trình điều chỉnh phụ tải điện tại Việt Nam.

Bộ Công thương cũng sẽ tiến hành rà soát, cập nhật và xây dựng định mức hao hụt các nguồn năng lượng như xăng, dầu khí, than trong sản xuất, khai thác, vận chuyển, phân phối. Xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn quản lý cường độ tiêu thụ điện năng, quy chuẩn cho hiệu suất tấm pin mặt trời.

Xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn bắt buộc kèm theo chế tài về sử dụng năng lượng trong các ngành, lĩnh vực có mức tiêu thụ năng lượng cao như thép, hóa chất, dệt may, da giày…và xây dựng chương trình chuyển đổi thị trường phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng hiệu suất cao.

Đồng thời với đó là rà soát, sửa đổi, xây dựng bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia liên quan đến tái chế, tái sử dụng chất thải trong các khâu khai thác, sản xuất, phân phối sử dụng, tái chế, tái sử dụng và thải bỏ trong lĩnh vực năng lượng.

D.V