Việt Nam đang sở hữu các giải đấu eSports tương đối mạnh so với nhiều nước trong khu vực, têu biểu có thể kể đến Vietnam Championship Series (VCS) của Liên Minh Huyền Thoại và Đấu Trường Danh Vọng (ĐTDV) của Liên Quân Mobile.

Vào thời kỳ nở rộ game thủ chuyên nghiệp, thậm chí không ít tuyển thủ Liên Minh còn xuất ngoại sang thi đấu ở Thái Lan. Ở chiều ngược lại, một số HLV người Hàn đã được mời về dẫn dắt các đội tuyển Liên Minh nhưng chưa có một trường hợp tuyển thủ nước ngoài nào về thi đấu ở VCS, cho đến tháng 5 vừa qua.

Thời điểm đó VCS Mùa Hè 2020 chuẩn bị khởi tranh, Team Flash trước bài toán nhân sự đường trên đã chiêu mộ thành công Kim ‘Profit’ Jun-hyung, một cựu tuyển thủ của SKT T1 (Hàn Quốc). 

Đến lúc này, tất cả mới ngã ngửa khi ban tổ chức (BTC) của VCS cho biết không hề có quy định cho ngoại binh thi đấu ở Việt Nam. Thật vậy, theo điều lệ giải, tuyển thủ được phép tham gia thi đấu VCS phải là công dân Việt Nam trên 17 tuổi, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự. 

{keywords}

Profit (phải) là ngoại binh đầu tiên của VCS nhưng tuyển thủ 25 tuổi này vẫn chưa thể thi đấu do vướng các quy định của giải

Nhìn sang các giải đấu quốc tế tương đương, ví dụ giải LPL Trung Quốc nơi có thần rừng Lê ‘SofM’ Quang Duy đang thi đấu, quy định về ngoại binh đã có từ rất lâu và khá chặt chẽ. 

Theo đó, mỗi đội tuyển chỉ được phép đưa ra sân thi đấu tối đa 2 ngoại binh. Nếu một ngoại binh thi đấu đủ 5 năm ở giải LPL, người đó có quyền nộp đơn xin trở thành nội binh. Người đầu tiên làm điều này là Kim ‘Doinb’ Tae-Sang, mặc dù người thỏa mãn điều kiện này đầu tiên lại là đồng hương Song ‘Rookie’ Eui-jin.

Nhưng không chỉ có VCS, các giải đấu eSports ở Việt Nam nhìn chung cũng không có sự chuẩn bị về mặt luật lệ đối với ngoại binh do những đặc thù riêng của từng bộ môn. Vậy luật pháp nước ta quy định thế nào về vấn đề này?

Theo Điều 169 của Bộ luật Lao động 2012 (đang có hiệu lực) và Điều 151 của Bộ luật Lao động 2019 (hiệu lực từ 01/01/2021), lao động nước ngoài được phép làm việc ở Việt Nam nếu thỏa mãn một số điều kiện như đủ 18 tuổi và có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, không trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đủ sức khỏe theo quy định của Bộ Y tế, có giấy phép lao động. 

Như vậy, ngoại binh đủ điều kiện nêu trên có thể thi đấu eSports ở Việt Nam mà không bị ràng buộc về mặt luật pháp. Nhưng điều quan trọng hơn cả là nhu cầu của các đội tuyển eSports, quy định của BTC ở từng giải đấu cụ thể. 

{keywords}

eSports đang ngày một hấp dẫn những người trẻ theo dõi và tham gia thi đấu

Về trường hợp người dưới 18 tuổi thi đấu eSports ở Việt Nam, có hai vấn đề đặt ra ở đây. Đầu tiên là nhu cầu sử dụng tuyển thủ dưới 18 tuổi thi đấu chuyên nghiệp có cần thiết và hai là những quy định hiện hành.

Điều đầu tiên, có thể thấy các giải đấu eSports trên thế giới hiện nay đều có sự phân chia tương đối rõ ràng độ tuổi của các tuyển thủ tham dự, trong đó thường chia ra làm hai dạng là giải chuyên nghiệp và giải trẻ.

Trong đó, giải trẻ dành cho các tuyển thủ tài năng, thần đồng, độ tuổi dưới 18 thi đấu giao lưu cọ xát với các đối thủ đồng trang lứa. Nếu thể hiện tốt, những tuyển thủ trẻ này hoàn toàn có thể được đôn lên đội chính và thi đấu với các bậc đàn anh. Tuy nhiên, những gương mặt trẻ như vậy không xuất hiện nhiều do các đội tuyển eSports vẫn cần phải cân bằng giữa sức trẻ và kinh nghiệm thi đấu.

Về quy định của các giải đấu, do eSports cũng là một dạng trò chơi điện tử G1 cần phải xin giấy phép phát hành của cơ quan chức năng, vì thế độ tuổi tham dự được BTC quy định cũng rất khác nhau. 

Chẳng hạn, Liên Minh Huyền Thoại được cấp phép phân loại độ tuổi là 12+, vì thế hiện giải đấu VCS chỉ yêu cầu độ tuổi tối thiểu là đủ 17 tuổi. Còn với Liên Quân Mobile được cấp phép phân loại độ tuổi là 18+, vì thế giải đấu ĐTDV cũng yêu cầu độ tuổi tối thiểu của vận động viên là đủ 18 tuổi. 

{keywords}

Điều kiện sử dụng lao động nước ngoài theo Bộ luật Lao động 2019

Vậy pháp luật quy định thế nào về việc sử dụng tuyển thủ dưới 18 tuổi trong lĩnh vực eSports? Như đã nói ở trên, Bộ luật Lao động mới ban hành năm 2019 vẫn chưa có hiệu lực thi hành, do đó các yếu tố sau đây được xét dựa trên căn cứ là Bộ luật Lao động cũ ban hành năm 2012, mà vẫn đang có hiệu lực thi hành.

Theo đó, căn cứ vào Thông tư số 10/2013/TT-BLĐTBXH của Bộ luật Lao động 2012 (cũ), điều kiện tập luyện, nơi thi đấu eSports không nằm trong danh mục 91 công việc bị cấm sử dụng lao động chưa thành niên.

Cũng theo Thông tư số 11/2013/TT-BLĐTBXH, eSports không nằm trong danh mục công việc được phép sử dụng lao động chưa đủ 15 tuổi và dưới 13 tuổi. 

Như vậy, ở thời điểm hiện tại, sử dụng tuyển thủ eSports từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi là không bị cấm, nhưng phụ thuộc vào phân loại độ tuổi của từng game cụ thể. BTC các giải đấu có thể đưa ra những quy định khác nhau về việc sử dụng các tuyển thủ trẻ và phải đảm bảo tuân thủ các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam.

Phương Nguyễn

Những thần đồng eSports ở Việt Nam hiện nay là ai?

Những thần đồng eSports ở Việt Nam hiện nay là ai?

Dù tuổi đời còn rất trẻ, những gương mặt sau đây đã bước chân vào lĩnh vực thể thao điện tử và dần khẳng định được vị trí cũng như tên tuổi của mình.