Do nhu cầu mua sắm thực phẩm, hàng tiêu dùng của người dân tăng, các ứng dụng gọi xe như Grab be, Gojek cho biết, ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể ở các dịch vụ giao đồ ăn hay đi chợ hộ. 

Khi TP.HCM thực hiện các đợt giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid - 19, thói quen của người dân cũng thay đổi rõ rệt vì nhiều hoạt động được chuyển lên trực tuyến. 

{keywords}
Một đối tác Gojek chờ lấy hàng cho khách

Dịch vụ giao đồ ăn đã tăng lên kể từ khi thành phố áp dụng hình thức bán mang về. Đại diện Gojek Việt Nam cho biết, dịch vụ này tăng trưởng đáng kể trên ứng dụng. "Theo số liệu trên hệ thống Gojek, trong giai đoạn giãn cách xã hội vào tháng 6 vừa qua, lượng đơn hàng thực hiện qua nền tảng đặt món trực tuyến GoFood tăng mạnh ở mức hai con số. Lượng người dùng lần đầu tiên đặt món trên GoFood cũng tăng đáng kể ở mức ba con số." 

Không chỉ giao đồ ăn, nhu cầu mua sắm hàng hóa, thực phẩm của người dân tăng lên đáng kể, khi người dân cũng hạn chế đi lại do được khuyến nghị để tránh lây nhiễm. Thay vì trực tiếp đến các chợ, siêu thị để mua sắm hàng hóa nhu yếu phẩm thiết yếu, nhiều người dân đã chọn cách gọi điện thoại đặt hàng hay tận dụng các kênh mua hàng online để mua sắm. Nhu cầu mua sắm nhóm hàng này không chỉ tăng trên các trang thương mại điện tử mà còn ở hầu hết các ứng dụng đang triển khai dịch vụ đi chợ hộ hay giao hàng hóa.

{keywords}
Thực phẩm, thịt cá trên chợ trực tuyến

Với các dịch vụ này, khách hàng có thể đặt mua trên ứng dụng các loại hàng hóa như rau củ quả, trái cây, thịt cá... từ các siêu thị hay một số cửa hàng thực phẩm hoặc ghi chú cho tài xế món hàng cần mua để tài xế chọn rồi giao đến cho khách. Với các đơn hàng này, ngoài phí vận chuyển, người dùng sẽ phải chi trả thêm phí mua hàng hộ. 

Trao đổi với ICTnews, phía Grab Việt Nam cho biết: “Chúng tôi ghi nhận số lượng đơn hàng tăng mạnh trên dịch vụ GrabMart”. Đại diện doanh nghiệp này cũng cho hay, đội ngũ đối tác tài xế cũng tích cực hoạt động để đảm bảo nhu cầu giao nhận hàng hoá thiết yếu cho người dân. 

Phía be Group cũng cho ICTnews biết, ứng dụng be ghi nhận mức tăng trưởng kỷ lục với dịch vụ đi chợ hộ. Theo đó, ứng dụng be ghi nhận nhu cầu đi chợ online tăng trưởng mạnh khi người dân có nhu cầu chuyển dịch sang sử dụng các dịch vụ trực tuyến thay vì phải đến trực tiếp tận nơi để mua hàng. Cụ thể, số liệu từ hệ thống be cho thấy, dịch vụ đi chợ hộ beĐichợ trong quý II/2021 tăng trưởng gấp đôi so với Quý 1/2021. 

Đáng chú ý, nhu cầu tăng trưởng đột biến vào đầu tuần này khi nhiều người dân lo lắng rằng có thể xảy ra tình trạng thiếu hàng hóa, thực phẩm nên xảy ra tâm lý mua sắm nhiều để tích trữ. “Thứ 3, thứ 4 tuần này, dịch vụ beĐichợ tăng trưởng gấp đôi, tương đương 200% so với tuần trước”, đại diện be nói với ICTnews. 

Theo thống kê, nhóm hàng được chọn mua nhiều nhất trên ứng dụng này là thực phẩm, nước giải khát, thuốc men và nhu yếu phẩm. Đại diện ứng dụng be cũng cho biết, sẽ tung thêm nhiều ưu đãi cho dịch vụ beĐichợ để khách hàng tiếp cận được dịch vụ một cách thuận tiện trong 2 tuần áp dụng chỉ thị 16 kể từ ngày 9/7, với chi phí hợp lý nhất. 

Không chỉ tăng trưởng trên các ứng dụng, do nhu cầu của người dân tăng nhanh, hệ thống siêu thị và các cửa hàng cũng tăng cường các kênh bán online cho khách hàng. Tuy nhiên vẫn còn xảy ra tình trạng khan hiếm, khó mua hàng vì nhu cầu quá lớn.

Duy Vũ

TP.HCM: Nhiều kênh bán hàng online quá tải

TP.HCM: Nhiều kênh bán hàng online quá tải

Do nhu cầu tăng đột biến, nhiều cửa hàng và siêu thị đóng kênh mua bán online. Đơn hàng giao cũng trễ hơn trước.