Các đại lý lợi dụng luật không hạn chế số lượng SIM mà cá nhân sở hữu nên đã thuê đối tượng là sinh viên, người lao động tự do… đăng ký số lượng SIM lớn rồi bán ra thị trường.

Trao đổi về việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu của các doanh nghiệp viễn thông nếu vi phạm quy định về quản lý thông tin thuê bao di động, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long cho biết, vừa qua Thanh tra Bộ TT&TT đã kiểm tra các nhà mạng về thực hiện quy định quản lý thông tin thuê bao trả trước và tiến hành xử phạt tất cả nhà mạng sai phạm. Sau đó, Bộ TT&TT ký văn bản nhắc nhở lần 2 đối với các doanh nghiệp viễn thông vi phạm. 

“Nếu nhà mạng không tuân thủ quy định về quản lý thông tin thuê bao di động, Bộ TT&TT phải có văn bản nhắc nhở lần 3, sau đó sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ và cơ quản chủ quản của các doanh nghiệp. Hiện Bộ TT&TT không quản lý trực tiếp nhân sự của các doanh nghiệp viễn thông. Tuy nhiên, Bộ TT&TT sẽ gửi văn bản đến cơ quan chủ quản trên tinh thần xử lý người đứng đầu các doanh nghiệp”, Thứ trưởng Phạm Đức Long nói.

Chia sẻ tiếp về vấn đề này, Thứ trưởng Phạm Đức Long nhận định, hiện các nhà mạng đang nỗ lực tuân thủ quy định về quản lý thông tin thuê bao. Song thị trường đang có biến tướng là các đại lý lợi dụng luật không hạn chế số lượng SIM mà cá nhân sở hữu nên thuê đối tượng là sinh viên, người lao động tự do… đăng ký số lượng SIM lớn rồi bán ra thị trường. Những thông tin này chuẩn về đăng ký thông tin cá nhân nhưng lại không chính chủ.  Sau khi số SIM được đăng ký bán cho người khác sử dụng, rất có thể gặp trường hợp người dùng số điện thoại đó thiếu ý thức và lợi dụng việc này thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Khi cơ quan chức năng tra cứu lại, sẽ tìm đến người đăng ký thông tin SIM chính chủ ban đầu. Lúc đó, các cơ quan pháp luật sẽ xử lý nghiêm những đối tượng này.

Thứ trưởng Phạm Đức Long khẳng định, sắp tới Bộ TT&TT sẽ đưa ra biện pháp xử lý đối với hiện tượng trên để tránh hệ lụy SIM rác, cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo gây bất ổn cho xã hội.

Từ ngày 1/11/2022, Bộ TT&TT đã triển khai, mở rộng việc tiếp nhận phản ánh về cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo thông qua hình thức cuộc gọi tới đầu số 156. Thứ trưởng Phạm Đức Long nhấn mạnh rằng cần sự chung tay của cả xã hội mới giải quyết triệt để vấn đề này. Sau khi thuê bao nghi ngờ kết thúc cuộc gọi, chính người dùng quyết định một thuê bao có phải là thuê bao thực hiện cuộc gọi rác hay không. Các nhà mạng sau đó sẽ xử lý dựa trên quy định đã có.        

Sau khi Bộ TT&TT đưa ra một loạt chính sách siết chặt, đồng thời đưa thêm kênh phản hồi cho người dân khi gặp phải cuộc gọi rác và cuộc gọi lừa đảo thì số lượng cuộc gọi rác đã giảm và số phản hồi của người dùng đến số 156 tăng đáng kể. Đây là tín hiệu tốt cho việc dẹp vấn nạn cuộc gọi rác và cuộc gọi lừa đảo.

Trước đó, ngày 29/9, Bộ TT&TT công bố kết luận kiểm tra 7 doanh nghiệp viễn thông sai phạm quản lý thông tin thuê bao. Đây là lần đầu tiên Thanh tra Bộ TT&TT phối hợp trực tiếp với các Sở TT&TT gồm TP.HCM, Cần Thơ, Bà Rịa Vũng Tàu, Nghệ An, Ninh Bình để lập biên bản và xử phạt các chi nhánh, công ty khu vực của các doanh nghiệp viễn thông và xử phạt trực tiếp điểm cung cấp dịch vụ ủy quyền với số lượng rất lớn 39 điểm trên toàn quốc. 

Tổng số tiền phạt xấp xỉ 3 tỷ đồng, trong đó xử phạt doanh nghiệp viễn thông và các chi nhánh là 1,155 tỷ, gần tương đương tổng mức Thanh tra Bộ xử phạt trong 5 năm từ 2017 (1,378 tỷ đồng). Đặc biệt, trước đây Thanh tra Bộ hầu như không xử phạt các đại lý, điểm cung cấp dịch vụ viễn thông uỷ quyền nhưng lần này đã xử phạt là 1,77 tỷ đồng.

Cục Viễn thông cho biết, tại Nghị định số 15/2020/NĐ-CP đã tăng hình thức và các mức xử phạt có tính răn đe đối với hành vi phát tán tin nhắn rác, cuộc gọi rác. Cụ thể, phạt từ 10 - 20 triệu đồng với hành vi “Gửi tin nhắn quảng cáo, thư điện tử quảng cáo khi chưa được cấp tên định danh hoặc sử dụng số điện thoại để gửi tin nhắn quảng cáo hoặc gọi điện thoại quảng cáo”.

Thái Khang