Khi sử dụng các hình thức thanh toán điện tử, người dùng có thể thực hiện chuyển, nhận, nạp hay rút tiền chỉ với vài thao tác mà không cần sử dụng tiền mặt, dòng tiền lưu chuyển vô cùng nhanh.

Một lợi ích rõ ràng của phương thức thanh toán điện tử chính là sự tiện lợi, nhanh chóng, tiết kiệm thời gian và công sức. Bạn chỉ cần mang theo thiết bị điện tử là có thể thực hiện các giao dịch, không cần dùng tiền mặt. 

 Người dùng có thể nạp tiền vào ví điện tử thông qua cách chuyển khoản, liên kết với tài khoản ngân hàng hoặc nộp tiền mặt. Ảnh: Linh Đan

Nhiều người không dùng phương thức thanh toán điện tử vì lo sợ thông tin cá nhân bị rò rỉ. Tuy nhiên, những cổng thanh toán điện tử hiện hành đều được đảm bảo giữ bí mật tuyệt đối về thông tin cá nhân của người sử dụng, tránh rò rỉ gây bất lợi cho người dùng.

Nếu dùng tiền mặt để thanh toán, có người quên mất mình đã chi trả cho những gì và nếu muốn ghi nhớ thì phải tự ghi chú lại thì với phương thức thanh toán điện tử, tất cả giao dịch đều được lưu lại. Chưa kể, khi sử dụng tiền mặt, người dùng có thể gặp một số rủi ro như tiền giả, trả nhầm tiền, rơi mất,... thì với phương thức thanh toán điện tử, bạn có thể chủ động lựa chọn đúng số tiền mong muốn. 

Sử dụng các công cụ thanh toán điện tử sẽ mang lại lợi ích lớn cho cả doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng, việc thanh toán khi mua hàng không bị gián đoạn dù cho là ngày lễ hay cuối tuần. Từ đó, trải nghiệm mua sắm của khách hàng sẽ tốt hơn, giúp doanh nghiệp trở nên chuyên nghiệp hơn trong mắt người tiêu dùng.

Ngoài thanh toán qua thẻ, chúng ta có thể lựa chọn một số hình thức thanh toán điện tử phổ biến khác như:

Ví điện tử là hình thức thanh toán điện tử phổ biến hàng đầu hiện nay, với hơn 46 loại ví khác nhau. Một số cái tên nổi bật có thể kể đến như: MoMo, ZaloPay, ViettelPay... Ngoài ra, hơn 38 ngân hàng thương mại đã tham gia phối hợp triển khai dịch vụ này, giúp người dùng dễ dàng liên kết giữa ví điện tử và tài khoản ngân hàng. Với hình thức thanh toán này, người dùng có thể nạp tiền vào ví thông qua cách chuyển khoản, liên kết với tài khoản ngân hàng hoặc nộp tiền mặt. Thông thường, chi phí thanh toán cho các giao dịch thông qua ví điện tử khá thấp hoặc miễn phí.

Với sự ra đời của nền kinh tế số hoá cùng sự phát triển vượt bậc của khoa học kỹ thuật, chúng ta cũng quen thuộc với chiếc smartphone bên người mọi lúc, mọi nơi. Hệ thống thanh toán qua điện thoại được xây dựng trên mô hình liên kết bao gồm: các nhà cung cấp dịch vụ: ngân hàng, các nhà cung cấp viễn thông, hệ thống tiêu dùng, người tiêu dùng. Người dùng không mang theo tiền mặt mà chỉ cần thanh toán trực tuyến thông qua điện thoại với dịch vụ Mobile Banking. Tuy nhiên, điểm hạn chế của phương thức này là chỉ có thể thực hiện trên điện thoại thông minh.

Thanh toán qua các cổng thanh toán điện tử có thể được hiểu là một hệ thống phần mềm trung gian kết nối người bán, người mua với ngân hàng để hỗ trợ và thực hiện dịch vụ thu - chi cho khách hàng có tài khoản tín dụng ở ngân hàng. Mục đích của cổng thanh toán điện tử là giao dịch nhanh chóng, nhận và chuyển tiền ngay. Một số cổng thanh toán điện tử phổ biến tại Việt Nam: Smartlink & Banknetvn, OnePay, PayPal,...

Ngoài những lợi ích thì thanh toán điện tử cũng mang lại khá nhiều rủi ro tiềm tàng. Đầu tiên, thông tin của chủ tài khoản, chủ thẻ có thể dễ dàng bị kẻ gian đánh cắp nếu tiến hành thanh toán trên các website giả mạo, lừa đảo.

Thêm vào đó, bạn có thể mất tiền nếu gặp trục trặc hệ thống. Trong trường hợp này, người dùng vẫn liên hệ với bộ phận chăm sóc khách hàng của hình thức thanh toán mà mình đang sử dụng để được hỗ trợ kịp thời. Khi mua bán, cần chú ý kiểm tra thông tin, xác thực tài khoản của người mua nhằm tránh nguy cơ bị lừa đảo, trục lợi do người khác sử dụng thẻ, tài khoản giả để giao dịch.