Như VietNamNet đã đưa tin, vụ sụp đổ của FTX - sàn giao dịch tiền mã hóa lớn thứ 2 thế giới đang là chủ đề được cộng đồng crypto quan tâm nhất gần đây. 

Không chỉ sở hữu lượng người dùng đông đảo, Alameda Research - quỹ đầu tư chung chủ sở hữu với sàn FTX còn là đơn vị đỡ đầu cho rất nhiều dự án phát triển các sản phẩm, dịch vụ Blockchain. Đó cũng là lý do nhiều người lo ngại sự sụp đổ của sàn FTX sẽ phủ bóng đen và tạo nên phản ứng domino dây chuyền, đánh sập nhiều dự án crypto khác. 

Điều này dường như đã trở thành sự thực bởi ngay sau khi FTX tuyên bố phá sản, giá của Bitcoin, đồng tiền mã hóa số 1 thế giới đã lao dốc và tụt xuống mốc hơn 15.000 USD. Bên cạnh đó, việc sàn FTX mất khả năng thanh khoản khiến người nắm giữ tiền mã hóa mất niềm tin vào các sàn giao dịch tập trung (CEX).

Trong một tuần trở lại đây, liên tục ghi nhận tình trạng người dùng rút Bitcoin ra khỏi các sàn giao dịch (màu xanh: Bitcoin nạp vào nhiều hơn rút ra, màu cam: Bitcoin rút ra nhiều hơn nạp vào). Số liệu: CryptoQuant

Theo ghi nhận của CryptoQuant, trong vòng 1 tuần qua, liên tục xuất hiện các làn sóng rút tiền khỏi các sàn giao dịch tiền mã hóa. Chỉ tính riêng Bitcoin, kể từ ngày 7/11 đến nay, đã có tới hơn 172.000 Bitcoin (tương đương khoảng 2,8 tỷ USD) bị rút khỏi các sàn giao dịch. 

Lượng Bitcoin bị rút khỏi Binance - sàn giao dịch phổ biến nhất là hơn 80.000 BTC (xấp xỉ 1,35 tỷ USD). Số Bitcoin mà người dùng di dời khỏi Binance tương đương khoảng 15% tổng số Bitcoin trên sàn giao dịch này. 

Tổng số Bitcoin đang nằm trên các sàn giao dịch tập trung là 2,1 triệu (tương đương 10% tổng cung). Đây cũng là số liệu thấp kể từ năm 2019 theo dữ liệu do CryptoQuant thống kê. 

Đang hình thành xu hướng người sở hữu tiền mã hóa rút tiền từ các sàn giao dịch về tự lưu trữ trên các ví cá nhân. Ảnh: Trọng Đạt

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên bởi chính câu chuyện của FTX. Trước khi sàn giao dịch này phá sản, CEO Binance - Changpeng Zhao (CZ) từng đặt nghi vấn về việc FTX có vấn đề khi quản lý tiền mã hóa được người dùng đẩy lên sàn. 

Nói cách khác, khi người dùng nạp tiền để giao dịch, số tiền này bị sàn sử dụng sai mục đích thay vì chỉ đóng vai trò giữ hộ. Nghi vấn của CZ đã dẫn tới làn sóng người dùng rút tiền khỏi FTX, đẩy sàn giao dịch này vào trạng thái mất thanh khoản. 

Đáng chú ý là trong câu chuyện trên, nhiều sàn giao dịch khác cũng trở thành nạn nhân bởi họ có tài sản trên FTX và chưa thể thu hồi. 

Bên cạnh đó, việc sàn giao dịch lớn thứ 2 thế giới sử dụng tiền sai mục đích khiến người dùng lo ngại điều tương tự cũng diễn ra ở các sàn giao dịch nhỏ hơn. Đó là lý do dẫn tới việc người sở hữu tiền mã hóa ồ ạt rút tiền khỏi những sàn giao dịch tập trung và gửi về ví cá nhân của họ. 

Làn sóng rút tiền từng khiến FTX mất thanh khoản dường như đang lan ra một số sàn giao dịch khác như Gate, Crypto và Houbi. 

Ở chiều ngược lại, các dự án sàn giao dịch phi tập trung (DEX) và các ví cá nhân đang hưởng lợi từ xu thế này. Theo dữ liệu mới nhất, tính đến 14/11, cả thế giới hiện có khoảng 940.000 ví tiền mã hóa thường xuyên hoạt động.