Lời tòa soạn:  Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tại Buổi gặp mặt Xuân Quý Mão 2023 Trường Cao đẳng Công nghiệp In diễn ra vào ngày 27/1/2023. Tại sự kiện này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã đặt ra câu hỏi: “Chính Bộ TT&TT cũng đang phải giải bài toán nhân lực số. Vậy tại sao Trường In không nắm bắt cơ hội này?”. Ông cho rằng, năm 2023, Trường In cần có tầm nhìn mới, có một mục tiêu không tưởng cho trường và có một cách tiếp cận mới khác biệt để biến ước mơ thành hiện thực. VietNamNet xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.

Thưa các đồng chí,

Ta to hay nhỏ là do ta nghĩ. Trường Cao đẳng Công nghiệp In (Trường In) to hay nhỏ là do lãnh đạo của trường, là do người của trường nghĩ. Vậy tại sao không nghĩ to ra để tạo ra không gian phát triển mới cho trường, tại sao cứ tự giới hạn không gian để trường, để người của trường cứ ngày càng nhỏ đi.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng lắng nghe những tâm tư nguyện vọng của cán bộ, giáo viên, nhân viên Trường In. Ảnh: Lê Anh Dũng

Tôi đã gặp và nói chuyện với cán bộ nghỉ hưu của Trường In. Họ buồn vì thấy trường cứ ngày một nhỏ đi, cũ đi. Có lẽ những người đang đi làm ở trường không buồn bằng những người đã nghỉ hưu. Nỗi buồn của người đã nghỉ hưu là nỗi buồn của cha mẹ khi thấy con mình không hơn cha mẹ. Vậy là, trách nhiệm của người đang đi làm còn là trách nhiệm với các thế hệ đi trước, trách nhiệm với các thế hệ đã dựng xây lên Trường In, đã gửi gắm tình yêu và khát vọng của mình vào đó. Mỗi năm quay về lại Trường In mà thấy trường to hơn, đàng hoàng hơn, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của ngành, của đất nước, gương mặt của người Trường In sáng hơn, thì đó là hạnh phúc của những người đã nghỉ hưu. Và đây phải là cách mà thế hệ hôm nay của Trường In thể hiện sự biết ơn những người đi trước mình.

Tập trung vào phương pháp dạy nghề, hơn là tập trung vào dạy nghề gì  Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng

Nếu ta định nghĩa trường mình là trường in thì khi nghề in biến mất, trường cũng sẽ biến mất. Mà nghề nào thì rồi cũng sẽ biến mất. Nhưng nếu ta định nghĩa trường mình là trường dạy nghề thì trường sẽ trường tồn. Vì nghề in thì biến mất còn nghề thì không bao giờ biến mất. Nghề in thì mất nhưng lại sinh ra những nghề mới. Và vì vậy mà việc dạy nghề sẽ mãi mãi còn.

Qua 60 năm phát triển, Trường In tích luỹ được nghề dạy nghề, 70-80% là như vậy, chỉ 20-30% là dạy nghề in. Cái lõi 70-80% ấy là sức mạnh của trường: dạy người thành nghề để đi làm nuôi sống bản thân, gia đình và đóng góp cho xã hội, cho đất nước.

Qua 60 năm phát triển, Trường In tích luỹ được nghề dạy nghề, với sức mạnh cốt lõi là dạy người thành nghề để đi làm nuôi sống bản thân, gia đình và đóng góp cho xã hội, cho đất nước. Ảnh: Lê Anh Dũng

Một cuộc cách mạng công nghiệp mới bao giờ cũng phá huỷ một số nghề và sinh ra nhiều nghề mới. Người lao động có nhu cầu đào tạo lại (Reskill), được trang bị các tri thức và kỹ năng mới để làm được nghề mới. Học sinh tốt nghiệp phổ thông cũng có xu thế học các nghề mới để dễ kiếm việc và thu nhập cao hơn. Một quốc gia muốn phát triển bứt phá thì bao giờ cũng phải đi đầu về cái mới, và bài toán khó phải giải luôn là nhân lực có kỹ năng mới. Một trường đang thành công với những nghề cũ thì động lực dạy nghề mới sẽ không lớn. Một trường gặp khó khăn vì nghề đang dạy có quy mô nhỏ đi từng ngày thì lại có động lực mạnh mẽ để dạy nghề mới. Và đây chính là lợi thế của Trường In.

Cơ hội của Trường In: Đào tạo nhân lực số bằng công nghệ số. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng

Cái may mắn của Trường In là nằm trong Bộ TT&TT, là Bộ đang dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia. Cuộc CMCN lần thứ tư này thì chủ yếu là công nghệ số để phục vụ cho chuyển đổi số. Những nghề mới, kỹ năng mới chủ yếu liên quan đến công nghệ số, chuyển đổi số. Chính Bộ TT&TT cũng đang phải giải bài toán nhân lực số. Vậy tại sao Trường In không nắm bắt cơ hội này? Cơ hội đào tạo nhân lực số bằng công nghệ số.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tặng sách "Nghĩ ngược lại và làm khác đi" cho cán bộ, giáo viên, nhân viên Trường In. Ảnh: Lê Anh Dũng

Theo thông lệ, nhiều người nghĩ cái mới thì khó. Nhưng thực tế lại không phải như vậy. Cái mới dễ ở chỗ, ít cạnh tranh. Cái mới dễ ở chỗ, giá trị tạo ra cao hơn và vì thế trả được lương cao, tuyển được người giỏi. Cái mới dễ ở chỗ, người đi học sẽ cố gắng hơn vì nhìn thấy tương lai tươi sáng. Cái mới dễ ở chỗ, trường sẽ chịu khó đi mời người làm về dạy, mà những người này thì kiến thức tươi mới và thực tế, học viên sẽ hứng khởi học. Cái mới dễ ở chỗ, trường sẽ buộc phải dùng người ngoài nhiều hơn và vì thế mà bộ máy của trường sẽ gọn nhẹ, thích ứng nhanh. Cái mới dễ ở chỗ, trường sẽ tập trung vào nghề chính là phương pháp dạy nghề, hơn là tập trung vào dạy nghề gì, và vì thế mà trường sẽ xây dựng được sức mạnh cốt lõi, lâu dài. Cái mới dễ ở chỗ, vì mới nên không biết và vì không biết mà tính học hỏi của trường sẽ cao hơn, mà sức mạnh lớn nhất của một tổ chức bây giờ là tính học hỏi. Và cũng vì không biết, không có mà chúng ta sẽ phải đi ra ngoài để tìm, để biết ai tốt nhất cái gì rồi mang về. Người giỏi nhất bây giờ là người biết ai giỏi nhất cái gì.

Người giỏi nhất bây giờ là người biết ai giỏi nhất cái gì.  Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng

Người đứng đầu một tổ chức thì ngoài việc chỉ ra một tầm nhìn đúng, đặt ra mục tiêu cao cho từng giai đoạn thì còn phải biết biến việc khó, việc không khả thi thành khả thi, dễ làm, thông qua góc nhìn mới độc đáo, khác biệt, thông qua cách tiếp cận mới.

Tôi mong Trường In năm nay, năm Quý Mão 2023, có một tầm nhìn mới cho trường, có một mục tiêu không tưởng cho trường và có một cách tiếp cận mới khác biệt để biến ước mơ thành hiện thực. Nhưng phải ngay trong năm 2023 này!

Đào tạo số để giải bài toán nhân lực số.

Đổi mới thì bắt đầu từ người đứng đầu! Trách nhiệm này giao lên vai Giám đốc Trường Cao đẳng Công nghiệp In Trần Văn Sơn. Phía sau anh Sơn là Bộ TT&TT, là Bộ trưởng. Hãy vững bước tiến lên!

Xin chúc mừng năm mới tới tất cả cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Trường Cao đẳng Công nghiệp In.

Xin trân trọng cảm ơn!

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng