Robot tại sân bay quốc tế Pudong Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Cho tới nay, virus corona gây viêm phổi đã giết chết 170 người và nhiễm bệnh hơn 7.000 người tại Trung Quốc.

Didi, hãng taxi công nghệ, chuyên chở nhân viên y tế tại một số thành phố nhất định. Tencent, công ty sở hữu WeChat, tung ra bản đồ y tế giúp người dùng tìm ra cơ sở y tế gần nhất. Trong khi đó, Jack Ma – người giầu nhất Trung Quốc – quyên góp 100 triệu NDT (14,5 triệu USD) tài trợ cho các nỗ lực tìm ra vaccine chữa virus corona.

Alibaba hợp tác với Global Health Drug Discovery Institute phát triển nền tảng dữ liệu virus corona nguồn mở, đồng thời mở nền tảng điện toán đám mây AI cho các tổ chức toàn cầu nhằm tăng tốc quá trình giải trình gene, quét protein và các nghiên cứu cần thiết khác để điều trị, phòng ngừa bệnh dịch.

Dù các sáng kiến đều là của doanh nghiệp tư nhân, Bắc Kinh từ lâu đã xem phát triển AI là ưu tiên trong chiến lược quốc gia, một phần dựa vào lượng dữ liệu khổng lồ thu thập về công dân của mình. Kế hoạch năm 2017 của Hội đồng quốc gia chỉ ra AI có thể phán đoán, dự báo chính xác và đưa ra cảnh báo ban đầu về các tình huông quan trọng, đóng vai trò không thể thay thế trong duy trì ổn định xã hội.

Cụ thể, Baidu sử dụng dữ liệu để giúp theo dõi hành trình của các bệnh nhân nhiễm virus corona và lập bản đồ di chuyển của công dân tại mọi thành phố Trung Quốc, bao gồm cả Vũ Hán. SenseTime, nhà phát triển phần mềm AI hàng đầu thế giới, cũng giúp Bắc Kinh phát triển thuật toán cải thiện độ chính xác khi xác định người bị sốt trong đám đông. ByteDance, công ty sở hữu TikTok, cung cấp hỗ trợ tài chính.

Các công ty Trung Quốc đang hợp sức với nhau trong bối cảnh WHO tuyên bố viêm phổi Vũ Hán là tình trạng khẩn cấp toàn cầu. Số ca nhiễm virus corona tại Trung Quốc đã vượt qua đại dịch SAR năm 2002-2003. Từ khi bệnh nhân nhiễm virus corona đầu tiên bị phát hiện đầu tháng 12/2019, có hơn 7.800 ca được báo cáo trên toàn thế giới khi virus lan tới ít nhất 18 khu vực ngoài Trung Quốc.

Để giúp các nhà khoa học tăng tốc quá trình tìm ra phương pháp điều trị, Baidu hôm 30/1 cho biết đã phát triển hệ thống AI rút ngắn thời gian cần thiết để phân tích virus từ gần 1 giờ xuống chưa đầy nửa phút. Ngoài cung cấp giải pháp miễn phí, công ty còn ủng hộ 300 triệu NDT cho các nghiên cứu đẩy lùi dịch bệnh. Baidu và Alibaba cũng ra mắt chatbot AI giúp khảo sát, thu thập dữ liệu sức khỏe và trả lời các câu hỏi đơn giản như cách đeo khẩu trang.

TmRob, công ty robot y tế có trụ sở tại Thượng Hải, cho biết đã ứng dụng hàng chục robot tại các bệnh viện Vũ Hán và Thượng Hải, giúp khử trùng bệnh viện, phát thuốc, đo nhiệt độ cơ thể. “Một số y tá lo bị nhiễm bệnh, vì vậy robot của chúng tôi có thể giúp họ điều trị cho các bệnh nhân và giảm nguy cơ tiếp xúc với virus”, Ma Xiayi, giám đốc TmiRob nói.

Tuy vậy, nhu cầu từ các bệnh viện là quá lớn nên họ không có đủ robot để đáp ứng. Do đó, sau khi robot khử trùng xong một khu vực, các bệnh viện sẽ đưa nó tới nơi khác để tiếp tục làm việc.