Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư phục vụ 5 nhóm tiện ích

Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025 vừa được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định phê duyệt ngày 6/1.

Đề án hướng tới mục tiêu ứng dụng cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ Căn cước công dân gắn chip điện tử trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia một cách linh hoạt, sáng tạo phù hợp Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để phục vụ 5 nhóm tiện ích gồm: Phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; Phục vụ phát triển kinh tế, xã hội; Phục vụ công dân số; Hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; Phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.

Việc xây dựng Đề án này cũng là 1 trong những nhiệm vụ quan trọng đã được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Chuyển đổi số lưu ý trong kết luận phiên họp lần thứ nhất của Ủy ban hồi trung tuần tháng 12/2021. 

Cụ thể, theo Đề án mới được phê duyệt, với nhóm tiện ích phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, mục tiêu đặt ra trong năm 2022 là hoàn thành tích hợp, cung cấp dịch vụ xác thực thông tin về số Chứng minh nhân dân (9 số) với Căn cước công dân trên Cổng Dịch vụ công quốc gia để 100% tài khoản định danh điện tử của cá nhân được tạo lập bởi Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng Dịch vụ công cấp bộ, tỉnh thực hiện được việc xác thực với danh tính điện tử do Bộ Công an cung cấp.

Hoàn thành việc xác định lộ trình thực hiện chuẩn hóa, tái cấu trúc quy trình, tích hợp, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến thiết yếu phục vụ người dân, doanh nghiệp trên cơ sở sử dụng xác thực, chia sẻ bằng dữ liệu của CSDL quốc gia về dân cư để cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính.

{keywords}
Việc hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa CSDL quốc gia với CSDL thuế trong quý I/2022 là để phục vụ xác thực thông tin về người nộp thuế trong giải quyết thủ tục hành chính (Ảnh minh họa: Tổng cục Thuế)

Cùng với đó, hoàn thành việc kết nối, tích hợp hệ thống xác thực định danh điện tử của Bộ Công an với Cổng dịch vụ công quốc gia trong quý I/2022 phục vụ định danh, xác thực, tạo lập tài khoản điện tử của cá nhân trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Quý I/2022 cũng là thời gian cần hoàn thành việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa CSDL quốc gia với CSDL thuế để phục vụ xác thực thông tin về người nộp thuế trong giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực thuế, giúp 100% người nộp thuế không phải khai báo lại thông tin thay đổi đã có trong CSDL quốc gia về dân cư.

Hoàn thành việc kết nối, chia sẻ, xác thực thông tin công dân với Cổng Dịch vụ công quốc gia, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, tỉnh để phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo hướng những thông tin đã có trong CSDL quốc gia về dân cư đã được kết nối, chia sẻ thì sẽ không yêu cầu người dân khai báo lại.

Căn cước công dân sẽ được dùng thay thế bằng lái xe, thẻ cán bộ

Bên cạnh đó, bảo đảm từng bước thay thế các giấy tờ cá nhân trên cơ sở tích hợp, xác thực thông tin, giấy tờ cá nhân vào CSDL quốc gia về dân cư để chỉ cần sử dụng Căn cước công dân, ứng dụng Định danh điện tử quốc gia (VNEID). Trong đó, tập trung thực hiện ngay với một số loại giấy tờ như: Bảo hiểm y tế, bằng lái xe, giấy phép lái xe, mã số chứng chỉ hoặc giấy phép hành nghề, tiêm chủng, y tế, giáo dục, thẻ cán bộ, công chức, viên chức...

Đối với nhóm tiện ích phục vụ công dân số, mục tiêu được Đề án đặt ra trong năm 2022 là bảo đảm cho hoạt động tạo lập định danh điện tử đối với công dân đã được thu thập dữ liệu vào CSDL quốc gia về dân cư; thực hiện giải quyết 100% yêu cầu từ công dân về tạo lập danh tính điện tử cho công dân. Tuyên truyền, phổ biến cho người dân hiểu rõ và đăng ký, sử dụng định danh điện tử trong các giao dịch hành chính, chứng minh nhân thân, dịch vụ công.

Bảo đảm xác thực 100% các thông tin thiết yếu, quan trọng trên ứng dụng VNEID hoặc qua thẻ Căn cước công dân gắn chip điện tử như: Thông tin tiêm chủng, xét nghiệm, giấy phép lái xe, đăng ký xe... từng bước thay thế các giấy tờ công dân trong một số giao dịch theo quy định pháp luật.

Các dịch vụ công, dịch vụ thương mại phục vụ tiện ích số của công dân như dịch vụ cư trú, thương mại điện tử, thanh toán điện tử.. cũng sẽ được cung cấp trên ứng dụng VNEID trong năm 2022.

Bên cạnh đó, về hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư, mục tiêu trong năm 2022 là bảo đảm 100% dữ liệu công dân được lưu trữ trong CSDL quốc gia về dân cư, được cấp số định danh cá nhân và được cấp thẻ Căn cước công dân gắn chip điện tử trong độ tuổi. Đồng thời, triển khai hiệu quả việc kết nối, chia sẻ giữa CSDL quốc gia về dân cư với các CSDL quốc gia, CSDL chuyên ngành theo Quyết định 1911 ngày 15/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ để góp phần làm giàu dữ liệu dân cư. 

Tại Đề án mới phê duyệt, Thủ tướng Chính phủ cũng nêu rõ các nhiệm vụ và giải pháp để hiện thực hóa các mục tiêu đã đề ra, trong  đó phân công cụ thể cơ quan thực hiện và thời gian cần hoàn thành. Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số sẽ chỉ đạo, điều hành toàn diện hoạt động của Đề án; phân công Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giúp Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban trực tiếp chỉ đạo các hoạt động của Đề án; xem xét, giải quyết các công việc thường xuyên cua Đề án. Tổ công tác triển khai Đề án sẽ được thành lập, với Tổ trưởng là Bộ trưởng Bộ Công an; Tổ phó là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và Tổ phó thường trực là Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc.

Vân Anh

Liên thông dữ liệu hộ tịch điện tử, an sinh xã hội, bảo hiểm với CSDL dân cư

Liên thông dữ liệu hộ tịch điện tử, an sinh xã hội, bảo hiểm với CSDL dân cư

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa yêu cầu liên thông cơ sở dữ liệu (CSDL) hộ tịch điện tử toàn quốc, CSDL an sinh xã hội và CSDL quốc gia về bảo hiểm với CSDL quốc gia về dân cư trong quý I/2022.