Những người trẻ tiên phong làm homestay trên đảo Phú Quý

Những người yêu thích du lịch khám phá sẽ nhận thấy đảo Phú Quý (Bình Thuận) đang là điểm hẹn mới. Trên Facebook, có thể thấy rất nhiều hộ gia đình làm homestay lập trang fanpage để kết nối với du khách. Hầu hết homestay ở Phú Quý hiện nay không chuyên nghiệp như nhiều nơi, khá tự phát, nhưng lại có thể mang đến trải nghiệm thực tế, gần gũi với cuộc sống người dân trên đảo.

Trong một chuyến ra thăm đảo, phóng viên ICTnews đã có dịp gặp gỡ một người trẻ đam mê làm homestay, sẵn sàng thôi công việc công chức nhà nước để làm homestay. Đó là Đồng Duy Khang, thế hệ "9x đời sau". Homestay của Đồng Duy Khang chính là căn nhà mái bằng khang trang, rộng rãi như bao căn nhà khác trên đảo, bên trong có 3 phòng ngăn nắp, thoải mái cho khách.

Mặt bằng giá chung của những homestay như của Đồng Duy Khang trên đảo Phú Quý chỉ vào khoảng 50.000 đến 100.000 đồng một người một đêm. Bạn trẻ này chia sẻ: "Em lấy giá thấp như vậy vì không đặt nặng lợi nhuận kinh doanh mà chủ yếu muốn hỗ trợ khách du lịch đến thăm quan đảo".

Và đúng như vậy, Đồng Duy Khang như bao bạn trẻ trên đảo khác có thể làm rất tốt công việc hướng dẫn viên nếu khách du lịch cần, và có thể đưa họ đến tất cả những địa điểm "check-in" không thể bỏ qua như Vịnh Triều Dương, Bãi Nhỏ - Gành Hang, Chùa Linh Sơn, ngọn hải đăng, khu điện gió, hay cả Dốc Phượt - con dốc trên cung đường tuyệt đẹp được các phượt thủ tự đặt tên như vậy.

Đồng Duy Khang cũng rất thích dẫn khách ra chợ cá bên bờ biển vào buổi sáng tinh mơ để chọn ra những loại hải sản ngon nhất, đặc trưng nhất, và cũng rẻ bất ngờ để mang về nhà chế biến bữa trưa, bữa tối. Thỉnh thoảng khi cần thiết bạn trẻ này lại "khoe" chất giọng đặc trưng của người dân đảo, nhất là lúc trao đổi với những cô bác bán hàng.

Với sự chỉ dẫn của cậu chủ homestay kiêm hướng dẫn viên, một bữa ăn ở Phú Quý sẽ "ê hề" cá mú, cá chình, các loại ốc, tôm, cua... mà chi phí chỉ vào khoảng 200-300.000 đồng, nếu như ở Hà Nội chắc hẳn đã tiêu tốn vài triệu đồng. Gia đình Đồng Duy Khang cũng có truyền thống nghệ sỹ, và đúng với tinh thần "cây nhà lá vườn" thì trong bữa ăn cùng gia đình, du khách có thể được giao lưu văn nghệ nhiệt tình.

"Sau này khi đã phát triển khoảng sân vườn đằng trước nhà em cũng sẽ trồng thêm một số cây hoa, giàn leo, khách tha hồ check-in tại chỗ. Em còn ước muốn có thể xây thêm một vài phòng bên ngoài nhà để dành cho những khách muốn có sự riêng tư hơn, có thể làm homestay chuyên nghiệp như ở Đà Lạt" - Đồng Duy Khang chia sẻ thêm về những dự định tương lai.

Nhìn chung những bạn trẻ như Đồng Duy Khang có cách tiếp cận làm du lịch rất hiện đại và năng động. Sau hơn một năm hoạt động, fanpage "Homestay Phú Quý" của Đồng Duy Khang đã có hơn 1.000 người theo dõi, và thường xuyên cập nhật những thông tin hữu ích như điểm check-in mới, lịch tàu chạy ra đảo, hay dự báo thời tiết trên đảo.

b3-nguoi-tre-dao-phu-quy-lam-homestay-bang-internet-va-tam-long-than-thien-men-khach.jpg

Fanpage "Homestay Phú Quý" của Đồng Duy Khang luôn sẵn sàng chia sẻ hình ảnh đẹp của các đoàn du khách và thường xuyên cập nhật những thông tin hữu ích như điểm check-in mới, lịch tàu chạy ra đảo, hay dự báo thời tiết trên đảo.

Hiện nay nếu tìm kiếm trên Facebook, người ta có thể thấy ít nhất 10-12 fanpage như vậy của các homestay khác nhau, nơi luôn sẵn sàng chia sẻ hình ảnh đẹp của các đoàn du khách. Như homestay của thanh niên Nguyễn Văn Giỏi, một trong những người đầu tiên làm homestay trên đảo Phú Quý và thành công, hiện đã có thêm một vài cơ sở.

Internet mở ra cơ hội làm du lịch cho người dân đảo

Phú Quý là một huyện đảo thuộc tỉnh Bình Thuận, cách thành phố Phan Thiết khoảng 120 km về phía Tây Bắc. Từ cách đây khoảng 10-15 năm, chính quyền tỉnh Bình Thuận và huyện đảo Phú Quý đã bắt đầu định hướng làm du lịch, cụ thể với đồ án quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quý, quy hoạch chi tiết các khu du lịch...

Bên cạnh những tuyến tàu cao tốc được mở ra như SuperDong hay Phú Quý Express, rút ngắn hành trình ra đảo Phú Quý chỉ còn 2,5 giờ, những năm qua nhờ có Internet và các công nghệ sóng di động 3G, 4G mà khoảng cách giữa Phú Quý và đất liền gần như không còn nữa. Từ đó mà tiềm năng du lịch trên đảo Phú Quý được phát huy mạnh mẽ.

Từ tháng 4/2017, Viettel Bình Thuận đã chính thức tổ chức Lễ khai trương mạng thông tin di động thế hệ thứ 4 (4G). Sự kiện này nằm trong chuỗi các hoạt động ra mắt mạng 4G Viettel được triển khai đồng loạt trên toàn quốc. Trong đó Viettel khá chú trọng những vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo xa xôi, vươn sóng ra đảo Phú Quý.

Đảo Phú Quý chỉ có diện tích khoảng 16,3 km2 nhưng từ cuối năm 2017 Viettel đã có tới 4 trạm 4G, 5 trạm 3G và một trạm 3G khác ở Hòn Hải, cách đảo 32 hải lý. Số lượng trạm này đảm bảo phủ Internet băng rộng tới mọi người dân trên đảo. Viettel là nhà mạng phủ Internet băng rộng di động khắp hòn đảo này và vẫn đang mở rộng.

Viettel triển khai việc lắp đặt ADSL, phủ sóng 3G, 4G, xóa nhòa khoảng cách 56 hải lý giữa đảo xa và đất liền. Bên cạnh đó trên đảo Phú Quý, các nhà mạng khác cũng triển khai Internet khá mạnh mẽ. Số liệu năm 2017 cho thấy huyện đảo Phú Quý có khoảng 8.000 thuê bao MobiFone.

Với điều kiện Internet như vậy, những hộ dân trên đảo Phú Quý đều có thể tích cực tham gia vào làm du lịch, xây dựng và giới thiệu mô hình homestay đơn giản, thân thiện, gần gũi với cơ sở vật chất sẵn có cùng tấm lòng nhiệt tình mến khách.

Từ nhiều năm trước nhằm quán triệt, lãnh đạo cụ thể hóa thực hiện có kết quả Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 24/10/2016 của Tỉnh ủy Bình Thuận về phát triển du lịch đến năm 2020, Huyện ủy Phú Quý đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/HU ngày 02/11/2016 đề ra mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm phát triển du lịch đến năm 2020.

Theo đó mục tiêu chung là tăng cường phối hợp với các ngành của tỉnh, phấn đấu đến năm 2020, từng bước xây dựng Phú Quý trở thành điểm du lịch cấp quốc gia.

b2-nguoi-tre-dao-phu-quy-lam-homestay-bang-internet-va-tam-long-than-thien-men-khach.jpg

Bình Thuận phấn đấu đến năm 2020 từng bước xây dựng Phú Quý trở thành điểm du lịch cấp quốc gia.

Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng đề ra mục tiêu phát huy tiềm năng, lợi thế biển, đảo để phát triển du lịch; cùng với đẩy mạnh khai thác, nuôi trồng, thu mua, chế biến hải sản, ngành du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện theo hướng hợp lý, bền vững.

Phát triển du lịch trên đảo Phú Quý cũng được định hướng gắn với phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh và góp phần tham gia bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Gần đây ngày 14/8/2019 khi Chủ tịch UBND huyện Phú Quý, ông Bùi Thế Nhân đã chủ trì cuộc họp Ban Điều hành phát triển Khu du lịch Phú Quý lần 2, nghe thảo luận đóng góp vào dự thảo Kế hoạch hành động triển khai quy hoạch phát triển Khu du lịch Phú Quý đến năm 2030, và nghe Góp ý Đề án thành lập Ban quản lý các điểm du lịch Phú Quý.

Sau đó Chủ tịch UBND huyện Phú Quý thống nhất đề xuất xin chủ trương Huyện ủy xây dựng, cải tạo 5 công trình phục vụ du lịch, đó là: cổng chào tại cảng Phú Quý; cải tạo Cột cờ Phú Quý (gắn thêm lôgô, trồng thêm các hàng cây); xây dựng biểu tượng con cua Huỳnh Đế ở bãi biển vịnh Triều Dương; tạo chữ Phú Quý ở bên Hòn Tranh; xây con đường từ bãi trước đến Vũng Phật bên Hòn Tranh.