Thương mại điện tử sẽ cạnh tranh gay gắt

Theo ông Nguyễn Mạnh Tấn, Giám đốc Marketing công ty cổ phần công nghệ Haravan, thương mại điện tử là một trong những ngành có tốc độ tăng trưởng cao nhất tại Việt Nam. Năm 2020 tổng doanh thu thị trường là 13,2 tỷ USD, theo dự báo con số này sẽ tăng gấp 4 lần, lên mức 52 tỷ USD vào năm 2025.

Dữ liệu từ Haravan cho thấy, gần 60% đơn hàng online được đặt mua trên các sàn thương mại điện tử phổ biến như Shopee, Lazada, Tiki hay các kênh mạng xã hội (như Tik Tok shop). Lãnh đạo Haravan cho hay, kể từ khi ra mắt, Tik Tok Shop đã giúp doanh nghiệp tiếp cận khách hàng nhanh hơn, đặc biệt là thế hệ trẻ genZ và tạo được một cơn bão doanh số cho rất nhiều nhà kinh doanh online tại Việt Nam.

Các doanh nghiệp TMĐT tận dụng cơ hội để tăng trưởng. Ảnh minh hoạ: Internet

Ông Tấn cũng nhận định, xu hướng kinh doanh sẽ có thay đổi, với 4 mô hình gồm bán lẻ đa kênh (omnichannel); kinh doanh D2C (bán hàng trực tiếp tới khách hàng); thương mại hội thoại và livestream trên các trang mạng xã hội kết hợp với các KOL, KOC. Vị này cũng cho hay đây là 4 xu hướng kinh doanh tiềm năng được người tiêu dùng Việt Nam đặc biệt yêu thích, giúp doanh nghiệp tiếp cận và tương tác trực tiếp hơn với khách hàng trong thời gian tới. Do đó, các doanh nghiệp thương mại điện tử nên ứng dụng 4 mô hình kinh doanh mới mẻ này để tiếp cận, thu hút khách hàng tốt hơn. Đồng thời, việc tận dụng công nghệ để tối ưu hiệu quả vận hành kinh doanh cũng tạo nên nhiều thành công ấn tượng cho các doanh nghiệp Việt.

Dự đoán về nhu cầu tiêu dùng trên thị trường thương mại điện tử, đặc biệt là ngành bán lẻ trong thời gian tới, ông Tấn cho rằng, thị trường thương mại điện tử trong giai đoạn này được dự báo sẽ rất cạnh tranh, nhất là khi các dịp lễ tương đối gần nhau.

Còn theo ông Lê Anh Tuấn, CEO Firstcom Digital, xu hướng kinh doanh trên các kênh thương mại điện tử, livestream trên các nền tảng mạng xã hội sẽ phù hợp với loại hình doanh nghiệp bán lẻ, như thời trang, mẹ và bé, mỹ phẩm, phụ kiện điện thoại, hàng công nghệ... Tuy nhiên, để tăng trưởng kinh doanh trên các kênh này, doanh nghiệp cần xác định rõ nhóm đối tượng phù hợp với phân khúc sản phẩm và kênh bán tương ứng với đối tượng hướng đến. 

Doanh nghiệp cần tận dụng công nghệ

Theo ông Nguyễn Lê Tiền Nghệ, Product Manager ngân hàng Kbank, các doanh nghiệp sẽ phái đối mặt với những thách thức về cách quản lý dòng tiền và giải pháp huy động vốn kinh doanh trong thời gian tới.

“Hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp vừa và nhỏ là “xương sống” của nền kinh tế, với tỷ trọng đóng góp GDP khoảng 30%. Khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp thường vướng phải và chật vật tìm cách giải quyết là nguồn vốn. Vị này cho hay, đang có khoảng 41% doanh nghiệp SMEs đang đứng trước tình thế khó tiếp cận vốn vay.

Trước bối cảnh các xu hướng kinh doanh thương mại điện tử có sự chuyển đổi và khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn, Haravan và KBank đã hợp tác để triển khai gói vay tín chấp, hướng tới các doanh nghiệp SMEs đang có nhu cầu tiếp cận nguồn vốn dự bị cho các kế hoạch phát triển và duy trì ổn định hoạt động kinh doanh. 

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Lê Tiền Nghệ, để doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ và tăng trưởng, ngoài đầu tư vào chất lượng sản phẩm, việc áp dụng yếu tố công nghệ vào quá trình kinh doanh rất quan trọng. 

Về phía mình, ông Lê Anh Tuấn cho rằng, để quản lý tốt dòng tiền một cách khoa học mỗi doanh nghiệp cần thiết lập hệ thống tính chính xác số tiền chi thu định kỳ, nguồn tiền xoay chuyển. Nên triệt để áp dụng công nghệ trong quản lý kho, quản lý đơn, dự báo nhu cầu. Theo ông Tuấn, việc sử dụng tốt công nghệ sẽ giảm tải các sai sót, kịp thời phát hiện rủi ro và có cơ sở chuẩn bị nguồn vốn để duy trì hoạt động kinh doanh, cân nhắc tiến độ nhập hàng phù hợp và thời điểm đưa sản phẩm ra thị trường trong thời kỳ biến động và thời điểm “vàng” cuối năm nay.

Duy Vũ