VietNamNet: Ông đánh giá thế nào về sự phát triển của Bộ TT&TT nói riêng và ngành TT&TT nói chung sau 15 năm nhìn lại?
Ông Lê Doãn Hợp: Tất cả những ai được làm việc trong Bộ TT&TT là một may mắn và diễm phúc bởi ở đây có 3 giá trị cốt lõi.
Thứ nhất, đây là một Bộ có bề dày 77 năm truyền thống vẻ vang. Trong chiến tranh, hòa bình rồi đổi mới và hội nhập quốc tế, Bộ TT&TT đã để lại nhiều thành quá, dấu ấn không thể phai mờ với đất nước và dân tộc.
Bộ TT&TT cũng là Bộ luôn đi tiên phong, trong chiến tranh cũng như hòa bình, đặc biệt là trong thời đại khoa học kỹ thuật và khoa học công nghệ, kể cả trong thời đại công nghiệp lần thứ 4 hiện nay.
Đây cũng là Bộ đoàn kết, hợp lực và đã xây dựng nên một bề dày truyền thống với 10 chữ vàng, đó là Trung thành, Dũng cảm, Sáng tạo, Tận tụy và Nghĩa tình.
Trong những năm gần đây, Bộ TT&TT còn nổi bật vai trò dũng cảm, sáng tạo và tiên phong.
Dũng cảm là dám hành động, không đi theo lối mòn mà đòi hỏi phải có sự bứt phá, dẫn đầu, tăng tốc. Để đổi mới phải có sự dũng cảm, không dũng cảm sẽ không làm được.
Việc khó muốn thành công thì phải nhảy vào để tóe ra. Có thể ra luôn hoặc sẽ ra dần, ra bài học, ra cách làm, ra sản phẩm và quan trọng nhất là ra chính bản thân mình.
Đổi mới thì phải sáng tạo và có sáng tạo thì mới đúng nghĩa là đổi mới. Trong hành động của một ngành tiên phong là phải sáng tạo.
Với tiên phong, viễn thông là phải tiên phong, CNTT phải tiên phong, ứng dụng CNTT cũng thế và bây giờ với chuyển đổi số cũng phải tiên phong. Tiên phong là dũng cảm đi trước, nhưng không phải mò mẫm. Đó là sự dấn thân đi trước có khoa học, có tính toán và có niềm tin.
VietNamNet: Trong 15 năm đó, những đóng góp của ngành TT&TT có lẽ là không nhỏ. Dưới con mắt của ông, Bộ đã có những thành công gì và có điều gì khiến ông cảm thấy nuối tiếc?
Ông Lê Doãn Hợp: Đất nước Việt Nam hiện có 3 ngành ngang tầm thế giới là hàng không, viễn thông và CNTT thì 2 trong 3 ngành đó thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ TT&TT. Đây là một điều rất đáng để tự hào.
Ở những mặt còn chưa được, chính phủ điện tử hiện chúng ta đã làm và có nhiều kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên vẫn chậm so với yêu cầu quản lý và phát triển.
Chiến lược ứng dụng CNTT của Việt Nam vẫn đang triển khai chậm và lúng túng, đặc biệt là chính phủ điện tử, trong khi đây là công cụ để quản lý đất nước. Do đó, cần đẩy mạnh phát triển chính phủ điện tử, đặc biệt là viêc ứng dụng CNTT trong quản lý.
Đối với lĩnh vực báo chí, báo chí Việt Nam nhiều khi đi sau thực tiễn và không theo kịp mạng xã hội. Phải coi mạng xã hội là một đối tác để báo chí đổi mới và tiến bộ nhanh hơn.
Chúng ta mới khuyến khích nói đúng những điều đúng nhưng chưa khuyến khích nói đúng những điều sai. Nếu không khuyến khích việc nói đúng những điều sai sẽ không có bài học để làm điều đúng nhiều hơn. Khen phải gắn với chê. Một người chê đúng là một người thầy tốt.
Bên cạnh đó, có một điều đáng tiếc trong thời gian qua, một vài cán bộ của Bộ TT&TT đã mắc phải những sai phạm. Tuy nhiên đó chỉ là số ít, bề dày truyền thống vẻ vang của ngành vẫn chủ đạo, vẫn là dòng chảy chính.
Trong những năm gần đây, ngành TT&TT đã lấy lại được niềm tin và tạo nên những dấu ấn tốt, được xã hội đặt nhiều kỳ vọng trong thời đại công nghiệp 4.0, chuyển đổi số và kinh tế số.
Với bề dày truyền thống như vậy, dứt khoát ngành TT&TT sẽ vươn lên để làm tròn trọng trách của một ngành tiên phong, đóng góp tích cực cho mục tiêu của Đại hội Đảng lần thứ 13, đó là phấn đấu đưa Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.