Nhà chạy đua phủ sóng để đảm bảo 100% các xã đảo sẽ được cung cấp băng rộng.

Chính phủ đã quy hoạch đến năm 2020 sẽ phát triển mạng viễn thông cố định và di động băng rộng, phủ sóng truyền hình số để cung cấp các dịch vụ viễn thông và truyền hình số tới các xã khu vực biên giới biển, các huyện đảo, các vùng biển có bán kính 100 km tính từ bờ. Tiếp tục mở rộng vùng phủ sóng và nâng cao chất lượng dịch vụ phát thanh trên biển phục vụ ngư dân. Đến năm 2020, bảo đảm 100% các xã khu vực biên giới biển, các xã đảo có điểm cung cấp dịch vụ bưu chính công cộng và được trang bị hệ thống truyền thanh cơ sở.

Cụ thể, Quy hoạch này nhằm tập trung vào 3 nội dung chính, bao gồm: Phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng thông tin và truyền thông vùng biên giới và biển đảo, cung cấp các dịch vụ thông tin và truyền thông và hỗ trợ thiết bị đầu cuối cho ngư dân biển đảo. Đối với mạng viễn thông công cộng, sẽ phát triển mạng truy nhập băng rộng đến hộ gia đình, mở rộng vùng phủ sóng để cung cấp dịch vụ thông tin băng rộng cho các cá nhân, tổ chức ở mọi nơi, mọi lúc tại các xã biên giới biển, 12 huyện đảo, các đảo có diện tích trên 10km2 và khu vực lân cận. Đầu tư, nâng cấp hệ thống trang thiết bị, độ cao ăng ten để mở rộng phạm vi phủ sóng cung cấp dịch vụ thông tin di động tại vùng biển Việt Nam đạt tầm phủ sóng 100km tính từ bờ, các khu neo đậu tầu thuyền, các ngư trường đánh bắt hải sản truyền thống, các vùng biển có hoạt động kinh tế biển…

Theo quy hoạch, người dân vùng biên giới biển, vùng biển đảo được cung ứng các dịch vụ bưu chính công ích, dịch vụ viễn thông cố định, di động và Internet băng rộng tại vùng biên giới biển, các đảo gần bờ, cung cấp dịch vụ thông tin di động tại vùng biển 100 km gần bờ; cung cấp dịch vụ viễn thông qua mạng vệ tinh VSAT cho các huyện đảo, vùng biển, các đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Đồng thời, nhà nước đầu tư phát triển dịch vụ truyền hình cáp, số mặt đất, IPTV tại khu vực biên giới biển; phát triển dịch vụ truyền hình vệ tinh và truyền hình cáp tại các huyện đảo, xã đảo; phát triển dịch vụ truyền hình di động trên biển; phát triển dịch vụ phát thanh chất lượng cao theo các phương thức FM, sóng ngắn và sóng trung. Nhà nước cũng hỗ trợ ngư dân các thiết bị thông tin liên lạc, thiết bị đầu cuối, thiết bị tích hợp lắp trên tàu cá để nhận thông tin thời tiết, dự báo ngư trường từ các trạm bờ gửi ra và gửi các thông tin vị trí tàu cá, tình hình an ninh trên biển về cho trạm bờ; máy thu thanh có độ nhạy cao, máy ICOM liên lạc tầm xa và thiết bị thu xem truyền hình di động vệ tinh kỹ thuật số.

VNPT đã đưa đưa mạng băng rộng Internet cáp quang đến 93% số xã trên toàn quốc (trong khi mạng cáp quang của các đối thủ khác kéo đến các xã mới chỉ từ 46% đến 60%). Trong năm 2017, với sự hỗ trợ của quỹ viễn thông công ích, số xã được VNPT kéo cáp quang sẽ lên con số 97%, trong đó 31 số xã khó khăn nhất trong việc kéo cáp quang cũng được VNPT tập trung hoàn thiện xong. Hiện VNPT là nhà mạng có mạng băng rộng cố định mạnh nhất.

VNPT cũng đã cung cấp dich vụ VinaPhone-S là dịch vụ di động vệ tinh của VinaPhone với vùng phủ rộng lên đến 2/3 thế giới và phủ sóng 100% lãnh thổ Việt Nam từ vùng núi đến biển đảo. Với thiết bị di động vệ tinh và Sim VinaPhone trả sau đã đăng ký dịch vụ VinaPhone-S, khách hàng có thể dễ dàng thực hiện các dịch vụ thoại, nhắn tin SMS, định vị vệ tinh (GPS), đảm bảo thông tin liên lạc tại bất cứ nơi đâu, không giới hạn không gian và khoảng cách, không bị phụ thuộc vào các điều kiện cơ sở hạ tầng, thời tiết, địa lý.

Với mong muốn hỗ trợ ngư dân yên tâm giữ liên lạc với người thân trong suốt chuyến xa khơi, VinaPhone gia tăng ưu đãi cho thuê bao sim biển đảo, đồng thời bổ sung gần 1.000 trạm phủ sóng ven biển, đảm chất lượng sóng ổn định cả trên đất liền và khu vực biển đảo xa bờ.  VinaPhone đã đưa ra gói cước SIM biển đảo để hỗ trợ toàn diện cho cư dân duyên hải với thời gian sử dụng dài, giá cước rẻ, đặc biệt miễn phí thông tin thời tiết, giá cả thủy hải sản. Với sim biển đảo trả trước của VinaPhone có thể duy trì thời hạn sử dụng đến tối đa 6 tháng chỉ với 1 lần đăng ký. Thuê bao chỉ cần soạn BIEN gửi 900 (30.000 đ/lần) là có thể yên tâm giữ liên lạc với người thân, gia đình trong suốt chuyến xa khơi.

 VNPT cho biết, VinaPhone đã bổ sung hàng trăm trạm phủ sóng ven biển, chất lượng phủ sóng biển đảo của VinaPhone được tăng cường đáng kể, đáp ứng nhu cầu liên lạc thường xuyên của người dân vùng biển. Nhà mạng hiện tại đã có gần 1.000 trạm phủ sóng ven biển, bao gồm cả các trạm 2G và 3G, vươn đến nhiều khu vực biển đảo ngoài khơi cách bờ đến 40 hải lý. VinaPhone cũng giảm cước tới 20% cho các cuộc gọi vệ tinh từ thuê bao VinaPhone S tới sim biển đảo.

Cùng với VNPT, Viettel cũng là một trong những doanh nghiệp phủ sóng biển đảo mạnh mẽ nhất. Viettel đã phủ sóng dọc bờ biển Việt Nam và phủ xa ngoài khơi tới 100 km. Thậm chí trên lý thuyết - có thể phủ sóng xa tới 121 km. Viettel đã sở hữu mạng lưới phục vụ biển đảo lớn nhất Việt Nam với hơn 1.400 trạm BTS dọc bờ biển và ngoài khơi.  

Hiện có khoảng 2 triệu người khai thác, đánh bắt và làm các dịch vụ trên biển của Việt Nam, trong đó khoảng 70.000 ngư dân đánh bắt xa bờ, những người có nhu cầu liên lạc với đất liền và giữa các tầu trong nhóm với nhau để phối hợp đánh bắt cá. Ngoài ra, họ cần cả những thông tin về dự báo thời tiết, tìm kiếm cứu nạn để chủ động đối phó thiên tai, địch họa... và mạng di động Viettel hoàn toàn đáp ứng được điều đó.

Tại các đảo chưa thể kéo cáp quang ra được, Viettel đã sử dụng viba để cung cấp dịch vụ băng rộng cho người dân và chính quyền.

Như vậy, cơ bản các đảo có số dân ở đã được sử dụng các dịch vụ viễn thông và Internet của các nhà mạng.