Hơn 1 năm sau ngày Thủ tướng đồng ý cho thử nghiệm dịch vụ Mobile Money, VNPT, Viettel, MobiFone đang nóng lòng được cấp phép thí điểm dịch vụ này. Thế nhưng, câu chuyện cấp phép Mobile Money vẫn chỉ ở trên bàn nghị sự.

Nhà mạng dài cổ chờ Mobile Money

Chia sẻ về Mobile Money, đại diện VNPT cho hay, là một trong những doanh nghiệp viễn thông lớn mong muốn được sớm triển khai dịch vụ, VNPT cũng mong muốn có thể hợp tác với các công ty thương mại điện tử, giao vận, tài chính... xây dựng nên một hệ sinh thái Mobile Money. Với Mobile Money, có thể triển khai được rất nhiều việc từ giải ngân các khoản vay, tài trợ cho người dân cho đến tất cả các thanh toán các dịch vụ thiết yếu, hành chính công, giáo dục, vận chuyển... Đề án Mobile Money đã được Tập đoàn VNPT trình Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng nhà nước với mong muốn được phê duyệt sớm để có thể triển khai trong thời gian sớm nhất.

Theo đại diện VNPT-Media, đề án Mobile Money hiện đã được đơn vị này gửi Bộ TT&TT, Ngân hàng nhà nước và mong được phê duyệt sớm để hướng đến mục tiêu năm 2020 sẽ có 100.000 điểm bán trên toàn quốc cung cấp dịch vụ này. Ông Nguyễn Nam Thắng, Phó giám đốc Trung tâm Fintech, Tổng công ty Truyền thông VNPT-Media chia sẻ, VNPT đề xuất mong cơ quan quản lý thông qua chủ trương đề án sớm vì Mobile Money đi vào đời sống sớm ngày nào thì sẽ sớm đem lại lợi ích cho người dân ngày đó. VNPT cũng mong muốn cùng các công ty thương mại điện tử, giao vận, tài chính... xây dựng hệ sinh thái để khai phá thị trường.

Cũng theo ông Thắng, xoay quanh Mobile Money, chúng ta có thể triển khai được rất nhiều việc từ giải ngân các khoản vay, tài trợ cho người dân cho đến tất cả các thanh toán các dịch vụ thiết yếu, hành chính công, giáo dục, vận chuyển... Tác động của Mobile Money là rất lớn như giúp giảm đói nghèo, bình đẳng giới và là động lực tăng trưởng kinh tế.

Tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ hồi đầu năm 2019, ông Phạm Đức Long, Tổng giám đốc VNPT đã đề xuất cho phép VNPT triển khai dịch vụ Mobile Money. Ông Phạm Đức Long cho rằng, Mobile Money là xu hướng triển khai chung của thế giới, với tình hình triển khai dịch vụ tài chính số hiện nay thì Mobile Money là một giải pháp mới để hỗ trợ chuyển đổi số và là một trong những cấu phần quan trọng của Cách mạng công nghiệp 4.0 và nhà mạng sẽ chứng minh được vai trò quan trọng của mình khi triển khai dịch vụ Mobile Money.

Bình luận về vấn đề này, ông Phạm Trung Kiên, CEO Viettel Digital cho hay, nếu Chính phủ cho phép sử dụng Mobile Money để thành toán các loại dịch vụ và hàng hóa có mệnh giá nhỏ thì số lượng người dùng được thanh toán điện tử rất lớn vì độ phủ của các nhà mạng rộng hơn các ngân hàng rất nhiều, đến cả vùng sâu, vùng xa mà khi người dân chưa có tài khoản ngân hàng.

“Thủ tướng cũng như các hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước cho lĩnh vực thanh toán điện tử đã có được sự quan tâm hơn rất nhiều và các điều kiện pháp lý thuận lợi hơn rất nhiều để tạo đà cho phát triển các dịch vụ mới các dịch vụ hiện đại theo chủ trương đẩy mạnh cải cách mạng 4.0 của Chính phủ. Thủ tướng cũng đồng ý mặt chủ trương cho việc triển khai thanh toán hàng hóa giá trị nhỏ bằng dịch vụ Mobile Money. Đây sẽ là điểm bùng phát cho việc thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam nghĩa là qua một đêm thì bất cứ ai, bất cứ người dân nào đất nước Việt Nam này cũng có thể sẵn sàng sử dụng điện thoại để chi tiêu thanh toán không dùng tiền mặt”, ông Phạm Trung Kiên nói.

Cũng theo ông Kiên, một số nghiên cứu đánh giá cho rằng Việt Nam mới chỉ có khoảng 30% dân ở độ tuổi trưởng thành có tài khoản ngân hàng và 70% còn lại khi cđã tạo được một thói quen sử dụng thanh toán điện tử thì 70% số này sẽ là khách hàng của các ngân hàng. Như vậy, Mobile Money không những cạnh tranh mà còn thúc đẩy khách hàng sử dụng tài khoản ngân hàng khi họ làm quen với phương thức thanh toán điện tử.

“Tôi vẫn có mơ ước là bây giờ đi khám bệnh không còn cảnh chen chúc xếp hàng gửi xe hay trong lúc bệnh nhân cấp cứu không phải chờ để được đóng viện phí mới được cứu chữa. Đó chính là lợi ích mà thanh toán điện tử đem lại, nhưng cần có một cú huých bằng chính sách mạnh mẽ của Chính phủ”, ông Phạm Trung Kiên chia sẻ thêm.

Mobile Money lỗi hẹn thị trường, Thủ tướng yêu cầu cấp phép ngay

Chia sẻ hồi tháng 11 năm 2019, ông Trần Duy Hải, Phó cục trưởng Cục Viễn thông Bộ TT&TT cho biết: "Chúng tôi hy vọng vào cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11, Thủ tướng sẽ phê duyệt chủ trương đồng ý cho các doanh nghiệp viễn thông triển khai thử nghiệm Mobile Money. Sau khi có ý kiến đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước sẽ cùng với Bộ TT&TT hướng dẫn các doanh nghiệp viễn thông nộp hồ sơ để Ngân hàng Nhà nước xét duyệt cấp phép thí điểm cung cấp dịch vụ này cho khách hàng. Với tiến độ như hiện nay, chúng tôi hy vọng đến cuối năm 2019 và đầu năm 2020 các doanh nghiệp viễn thông có thể ra mắt dịch vụ cung cấp cho khách hàng".

Hơn 1 năm sau ngày Thủ tướng đồng ý cho thử nghiệm dịch vụ Mobile Monney, nhưng câu chuyện cấp phép Mobile Money vẫn chỉ ở trên bàn nghị sự. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần yêu cầu sớm cấp phép dịch vụ Mobile Money. Đầu tháng 1/2020, Thủ tướng đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về việc thí điểm Mobile Money, thí điểm các mô hình dịch vụ thanh toán mới trong khi chưa có quy định của pháp luật để kịp thời đảm bảo công tác quản lý, nhất là đối với các hoạt động thanh toán xuyên biên giới.

Đến ngày 6/3/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước trình ngay Thủ tướng Chính phủ quyết định cá biệt về việc thí điểm triển khai Mobile Money. Đây được xem là một phần trong các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.

Bộ TT&TT cho biết, theo kinh nghiệm các nước, nếu cấp phép dịch vụ Mobile Money sẽ tạo ra tăng trưởng kinh tế tới 0,5%. Đây được xem là một trong những biện pháp trong kịch bản tăng trưởng kinh tế trước đại dịch Covid-19.