- Cách tiếp cận sai lầm, rập khuôn theo tư duy cũ của nhà mạng khiến cho tốc độ phát triển thuê bao 3G tại Việt Nam trong 5 năm chỉ bằng Thái Lan phát triển trong 5 tháng.

Thừa nhận thẳng thắn này được ông Hồ Chí Dũng, Giám đốc công nghệ của Viettel chia sẻ tại Tọa đàm "Việt Nam tiến lên 4G như thế nào" diễn ra chiều nay, 21/10 tại Hà Nội.

Theo lời ông Dũng, dù Viettel đã đầu tư rất nhiều cho 3G nhưng dịch vụ này chưa thực sự thành công như mong muốn. Điều này được thể hiện chính ở các con số. Hiện số lượng thuê bao 3G của Viettel chỉ chiếm khoảng 30% tổng số thuê bao di động của mạng này - đây là một tỷ lệ rất thấp so với mức trung bình của khu vực là 45%. Thậm chí tại Thái Lan, chỉ trong vòng 5 tháng, số lượng người dùng từ 2G chuyển sang 3G cũng đã đạt tỷ lệ 30%, "bằng Viettel làm trong 5 năm".

{keywords}
Giám đốc công nghệ của Viettel - Hồ Chí Dũng.

Lý giải nguyên nhân của tình trạng này, đại diện Viettel cho biết đó là vì nhà mạng đã không tiếp cận 3G đúng cách mà vẫn áp dụng tư duy, lối tiếp cận cũ (thoại, nhắn tin là chủ yếu) để khai thác dịch vụ. Bên cạnh đó, ông Dũng cũng thừa nhận sự khác biệt giữa thử nghiệm công nghệ trong phòng thí nghiệm với khi triển khai ra ngoài cuộc sống, va chạm - tiếp xúc trực tiếp với người dùng. "Nhiều khi chỉ số đo đạc trong lab rất tốt, nhưng khi kinh doanh thì phải phụ thuộc vào trải nghiệm người dùng".

Với 4G, Viettel khẳng định đã rút được một số kinh nghiệm như sẽ áp dụng các dịch vụ dữ liệu mang tính sáng tạo cao, mà Internet của vạn vật (IoT) là một thí dụ. Hoặc như trước đây, nếu các kỹ sư của Viettel chỉ quan tâm đến chỉ số, số liệu thì với 4G, họ sẽ cần phải tiếp cận theo hướng trải nghiệm của khách hàng".

Tốc độ lõm bõm?

Trên thực tế, tốc độ và chất lượng dịch vụ của 3G là một vấn đề rất nóng, gây bức xúc dư luận trong thời gian qua. Nhiều người dùng luôn than phiền về việc kết nối 3G quá "rùa bò", hoặc tín hiệu nhiều khi bị "rớt", lúc truy cập được lúc không. Một số ý kiến cho rằng, nếu triển khai sớm 4G thì sẽ giải quyết được câu chuyện tốc độ này.

{keywords}
Phó TGĐ Tổng công ty VNPT Net - Nguyễn Nam Long.

Tuy nhiên, nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng đã chỉ ra, bản chất của vấn đề vốn dĩ không nằm ở công nghệ. "Thực sự thì công nghệ 3G rất tốt, như HSPA++ có thể đạt đến tốc độ tối đa 42 Mbps. Thế nhưng khi đưa công nghệ vào cuộc sống thực tế thì không bao giờ đạt được tốc độ đó. Vậy thì chúng ta cần phải hỏi nhà mạng là họ đã triển khai như thế nào?".

Có một tồn tại là cùng một công nghệ 3G, nhưng khi truy cập dịch vụ tại Anh, Singapore thì tốc độ rất nhanh, về Việt Nam lại chậm, ông Thắng phân tích. Vậy thì công nghệ "không có lỗi" mà nhà mạng phải xem lại chất lượng dịch vụ cung cấp. Nếu cứ triển khai các trạm 3G lỗ chỗ, mỗi nơi vài trạm như hiện nay thì tốc độ không thể nào được như người dùng kỳ vọng, 3G cũng vậy mà 4G, thậm chí 5G cũng khó cải thiện được, nguyên Thứ trưởng khuyến cáo.

Liên quan đến vấn đề này, ông Hồ Chí Dũng chia sẻ rằng, "chuyện đâu đó có tốc độ thấp, tốc độ cao cũng có nhiều ý kiến khác nhau". Theo phân tích của đại diện Viette, môi trường phủ sóng tại những địa phương như Hà Nội rất phức tạp, nhà bé, ngõ hẹp, đi bộ vào còn vướng, lắp đặt trạm thì nhiều chỗ 4 – 5 năm nay không xin phép được. Với tần số 2100 MHz mà Viettel đang triển khai cung cấp dịch vụ thì chất lượng indoor (trong nhà) nhiều chỗ sẽ không tốt. "Nhưng đánh giá chung thì các nhà mạng đã rất nỗ lực, đo bình quân ở ngoài đường cũng trên 90% mẫu đạt trên tốc độ trên 512 hoặc 1Mbps".

Chia sẻ với ông Dũng, ông Nguyễn Nam Long, Phó TGĐ Tổng công ty VNPT Net cho biết đúng là các nhà mạng hiện đều rất khó khăn trong việc xin cấp phép để xây trạm phủ sóng. "Năm qua, VNPT đầu tư mạng 3G phủ sóng 90% lãnh thổ Việt Nam, nhưng vẫn vướng mắc về đầu tư cơ sở hạ tầng, dù mua thiết bị rồi nhưng khó xây nhà trạm. Một phần do nhà mạng không quyết liệt, không biết cách khai thác để cắm thêm được trạm và tăng chất lượng phủ sóng. Nếu cắm thêm trạm thì sẽ tăng được dung lượng, chứ thử hình dung 1 trạm phủ sóng cả 1 phường thì không thể đáp ứng được nhu cầu".

Chính vì thế, ông Long cũng cho rằng việc thiết lập hệ thống quản trị trải nghiệm và tiếp nhận khiếu nại của khách hàng là rất quan trọng. Nhiều trường hợp chỉ số KPI của nhà mạng thì tốt nhưng KPI của người dùng lại rất thấp. Thực tế này một lần nữa cho thấy sự vênh nhau giữa tư duy "chỉ số kỹ thuật thuần túy" với tư duy "trải nghiệm người dùng" trong thực tế.

Trọng Cầm