Các nhà cung cấp dịch vụ Internet tại Việt Nam đang tham gia khai thác 5 tuyến cáp quang biển quốc tế gồm Asia America Gateway (AAG), APG (Asia Pacific Gateway), SMW3 (còn gọi là SEA - ME - WE3), Intra Asia (IA, còn gọi là Liên Á) và Asia - Africa - Euro 1 (AAE-1). 

Do nhiều nguyên nhân khách quan, 4 trên 5 tuyến cáp quang biển nối Việt Nam đi quốc tế hiện đang gặp sự cố, gây mất một phần hoặc mất toàn bộ dung lượng. Tùy theo từng nhà mạng, loạt sự cố trên đã gây ảnh hưởng ít nhiều đến hoạt động của người dùng Internet Việt Nam. 

Trước tình hình trên, theo chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông, các nhà mạng trong nước đã tiến hành chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau để từng bước khắc phục hậu quả chuỗi sự cố với tinh thần đặt lợi ích của người dùng lên trên hết. 

Theo đó, ngay từ ngày 11/2, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) đã chia sẻ 100Gbps dung lượng kết nối quốc tế để hỗ trợ VNPT kịp thời ứng cứu mạng lưới. 

Hiện Viettel đang sở hữu 4 tuyến cáp quang biển và 2 hướng cáp đất liền kết nối quốc tế. Khi xảy ra chuỗi sự cố, Viettel vẫn còn 2 tuyến cáp quang biển gồm tuyến AAE-1 hướng đi Singapore và tuyến IA hướng đi Hồng Kông (Trung Quốc). 

Mặc dù là nhà mạng ảnh hưởng ít nhất, Viettel cho biết đã liên tục đầu tư mua thêm dung lượng nhằm sẵn sàng với các tình huống xấu hơn có thể xảy ra. 

Đại diện Viettel chia sẻ, tầm nhìn của lãnh đạo tập đoàn là luôn dự phòng 40% dung lượng kết nối quốc tế nhằm đảm bảo dịch vụ luôn thông suốt cho khách hàng. Hạ tầng của Viettel cũng được quy hoạch, thiết kế để sẵn sàng cho việc bổ sung tài nguyên, dung lượng bất cứ lúc nào khi cần thiết. 

“Bên cạnh đó, các công cụ do chính người Viettel xây dựng, phát triển hiện có khả năng tự động cảnh báo, thực hiện chia sẻ tải khi có hiện tượng cao tải. Đội ngũ nhân sự Viettel cũng đã được tập dượt thường xuyên với nhiều loại kịch bản sự cố. Viettel cam kết tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp khác mở thêm dung lượng kết nối đi quốc tế nếu cần, đặt quyền lợi chính đáng của người dùng Việt Nam lên phía trước”, đại diện Viettel cho biết. 

Việc chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau giữa các nhà mạng trong nước nhằm mang đến dịch vụ tốt nhất cho người dùng đã từng diễn ra. Hồi tháng 10/2020, do hậu quả của mưa lũ, nhiều cột anten bị gãy đổ, một số trạm thu phát sóng BTS của các nhà mạng tại miền Trung không thể hoạt động bình thường. Trước tình thế đó, các nhà mạng trong nước đã đồng loạt triển khai dịch vụ roaming miễn phí tại 3 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định. 

Nhờ vậy, người dùng di động có thể bắt sóng nhà mạng khác khi mất liên lạc với cước phí bình thường như đang sử dụng gói cước của nhà mạng gốc. Đây cũng là lần đầu tiên các nhà mạng Việt chung tay chia sẻ sóng di động nhằm hỗ trợ các địa phương chịu ảnh hưởng của thiên tai. 

Tại cuộc họp về việc xử lý sự cố cáp quang biển mới đây, đại diện Cục Viễn thông nhiều lần cho biết: “Bộ Thông tin và Truyền thông mong muốn các doanh nghiệp sẽ hình thành văn hóa chia sẻ, ứng cứu lẫn nhau những lúc khó khăn, với mục tiêu cao nhất là đảm bảo quyền lợi cho người dùng Internet”.

Mạc Ngọc