Ông Trần Tuấn Anh, Trưởng phòng Cơ chế Chính sách, Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) khẳng định, 4G là dịch vụ mới nên giá cước sẽ do doanh nghiệp viễn thông tự xác định, Nhà nước không quy định giá sàn và giá trần đối với loại hình dịch vụ này.

{keywords}

Trả lời báo chí tại Tọa đàm "Việt Nam tiến lên 4G như thế nào" diễn ra chiều nay, 21/10, ông Tuấn Anh cho biết, hiện Chính phủ chỉ quy định giá trần, giá sàn đối với một số dịch vụ đặc thù như viễn thông công ích, dịch vụ kết nối mà thôi. Với 4G, chính sách xây dựng giá cước như thế nào sẽ hoàn toàn do doanh nghiệp tự xây dựng.

Thời gian qua, tuy chưa tăng giá cước 3G nhưng nhiều doanh nghiệp viễn thông luôn than lỗ, chưa thu hồi được vốn khi cung cấp dịch vụ 3G. Chính vì thế, vấn đề giá cước của dịch vụ 4G ra sao rất được dư luận quan tâm. Thông tin Viettel xin phép Bộ TT&TT được thử nghiệm triển khai cung cấp dịch vụ 4G có thu phí trong năm nay càng khiến cho câu chuyện giá cước nóng hơn.

Tuy nhiên, câu hỏi về chính sách giá cước không được các nhà mạng chia sẻ cụ thể tại Tọa đàm. Chuyện này thực ra cũng không có gì lạ, vì theo như phân tích của ông Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính - Viễn thông (nay là Bộ TT&TT), thì mỗi nhà mạng đều có bí mật kinh doanh riêng nên không thể "nói hết", công khai hết được.

Chẳng hạn như ông Hồ Chí Dũng, Giám đốc công nghệ của Viettel cho biết, với lộ trình cuối năm 2016 mới cấp phép 4G chính thức thì bây giờ vẫn là quá sớm để nhà mạng xác định phương án cước. Tuy nhiên, tham khảo kinh nghiệm quốc tế thì "tốc độ 4G tốt hơn, chất lượng hơn nhưng giá sẽ không đắt hơn".

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Nam Long, Phó TGĐ Tổng công ty VNPT Net tiết lộ VNPT vẫn đang suy nghĩ về vấn đề này. "3G chỉ khác 4G ở tốc độ download, còn dung lượng dữ liệu thì như nhau nên giá cước dự kiến không có sự thay đổi. Nói cách khác, giá bình quân trên dung lượng sẽ giống nhau, không phân biệt 2G, 3G, 4G. Nhưng nếu tốc độ tải nhanh hơn thì người dùng sẽ có xu hướng sử dụng dịch vụ nhiều hơn, tải nhiều dung lượng hơn, doanh thu nhà mạng sẽ tăng lên".

Vẫn cấp phép 4G trong năm 2016

Theo ông Trần Tuấn Anh, hiện mới có 3 nhà mạng nộp hồ sơ xin cấp phép thử nghiệm triển khai cung cấp dịch vụ 4G trong năm 2015 là Viettel, VinaPhone và MobiFone. Hiện hồ sơ đang được thẩm định, trình Bộ trưởng xem xét, cấp phép. Tuy nhiên, do đợt này chỉ thử nghiệm mạng và dịch vụ nên sẽ áp dụng ở quy mô hạn chế là 3 tỉnh, thành phố, không được triển khai toàn quốc. Số trạm BTS thử nghiệm tối đa không được quá 100 trạm/địa phương.

"Theo quy hoạch phát triển viễn thông, Bộ TT&TT sẽ xem xét cấp phép triển khai mạng băng rộng di động thế hệ tiếp theo (4G-PV) trong năm 2016. Chủ trương của Bộ là cấp phép trong nửa cuối 2016, thậm chí là sang 2017", ông Tuấn Anh cho biết. Tuy nhiên, theo đại diện Cục Viễn thông thì vấn đề quan trọng không phải là cấp phép. Việc triển khai một mạng mới phụ thuộc rất nhiều vào mô hình kinh doanh của nhà mạng, việc nhà mạng sẽ tận dụng mạng lưới, công nghệ hiện có như thế nào. Chính vì thế, Bộ đã cho phép doanh nghiệp thử nghiệm trên băng tần 1800 MHz, 2300 và 2600 MHz. Trên cơ sở kết quả thử nghiệm, Bộ sẽ xem xét những mô hình kinh doanh đảm bảo hiệu quả, sau đó mới tổ chức đấu thầu, cấp phép chính thức theo đúng quy định.

Đánh giá lộ trình này là hợp lý, nguyên Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho biết ông phát biểu với tư cách một người gắn bó lâu năm với lĩnh vực viễn thông. Theo đó, 2016 là thời điểm phù hợp để triển khai tại Việt Nam. "Từ khi cấp phép, doanh nghiệp cần khoảng 1 năm để triển khai mạng lưới. Từ đầu năm 2017, giá thiết bị đầu cuối sẽ giảm nhiều so với hiện nay, đồng thời nhu cầu từ phía người dùng trong nước cũng sẽ hiện hữu rõ hơn", ông kết luận.

T.Cầm