Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) chọn thời gian thích hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc thoái hết vốn nhà nước tại 10 doanh nghiệp lớn. 

Cụ thể, theo văn bản 1787/TTg-ĐMDN do Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh ký, trong lĩnh vực CNTT - Viễn thông có hai doanh nghiệp được thoái hết vốn trong thời gian tới là Công ty Cổ phần FPT và Công ty Cổ phần Viễn thông FPT. Ngoài ra, danh sách còn có tên Tổng công ty Cổ phần Bảo Minh (tỷ lệ vốn Nhà nước đang nắm giữ là 50,7%), Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (40,4%); Công ty cổ phần sữa Việt Nam VINAMILK (45,1%), Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh (38,4%)...

{keywords}
SCIC hiện nắm giữ 6% cổ phần tại FPT

Hiện tại, SCIC đang nắm giữ 6% cổ phần tại FPT, là cổ đông lớn thứ hai chỉ sau ông Trương Gia Bình (7,14%). Số cổ phần mà SCIC nắm giữ tại FPT Telecom là 50.2% cũng sẽ được thoái vốn hết trong thời gian tới.

Tuy nhiên, SCIC vẫn tiếp tục nắm giữ vốn, đầu tư dài hạn đối với 9 doanh nghiệp: Công ty TNHH một thành viên Đầu tư SCIC (SIC); Công ty TNHH một thành viên Khai thác và chế biến đá An Giang; Công ty cổ phần Cảng Vũng Áng Việt Lào, Công ty cổ phần Đầu tư Bảo Việt SCIC; Tập đoàn Bảo Việt; Công ty TNHH hai thành viên Đầu tư thương mại Tràng Tiền; Công ty cổ phần TRAPHACO; Công ty cổ phần Dược Hậu Giang; Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Y tế DOMESCO.

Cùng với Tái Bảo hiểm quốc gia, Vinamilk và Dược Hậu Giang, FPT Telecom là một trong 4 cổ phiếu quan trọng của SCIC, trong đó mức cổ tức bằng tiền mặt hằng năm mà FPT Telecom chi trả cho các nhà đầu tư lên đến 40%. Tổng giá trị cổ phiếu của SCIC tại 4 doanh nghiệp này tương đương 80% danh mục đầu tư của tổng công ty.

T.C