Theo đó, giám đốc Văn phòng Quản trị và Ngân sách Shalanda Young đã yêu cầu tất cả các cơ quan liên bang phải loại bỏ TikTok trên điện thoại, các hệ thống và chặn truy cập Internet tới công ty trên nhằm đảm bảo an toàn dữ liệu Mỹ.

Quốc hội Mỹ đã thông qua lệnh cấm TikTok vào cuối năm ngoái. Ngoài ra, còn có Canada, EU và Đài Loan và hơn một nửa số bang tại Mỹ cũng có động thái tương tự.

Mặc dù lệnh cấm chỉ tác động tới một phần rất nhỏ người dùng cơ sở tại Mỹ, nhưng nó tạo thêm sức nóng cho yêu cầu cấm hoàn toàn ứng dụng chia sẻ video này. Những lo ngại về an ninh quốc gia gây ra bởi Trung Quốc của Washington đang gia tăng trong những tuần gần đây khi một khinh khí cầu do thám của Bắc Kinh bị bắn hạ trong lãnh thổ Mỹ.

Giám đốc An toàn thông tin liên bang Chris DeRusha cho biết, “đây là một phần trong cam kết của chính quyền nhằm đảm bảo an toàn cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, an ninh và quyền riêng tư của người dân Mỹ”.

Trước khi Nhà Trắng ra thông báo, các Bộ Quốc phòng, An ninh nội địa, Ngoại giao đã cấm ứng dụng này trên thiết bị công.

Theo lịch trình, ngày 28/2, Uỷ ban Đối ngoại Hạ viện sẽ bỏ phiếu dự luật cho phép Tổng thống Biden cấm TikTok trên tất cả thiết bị điện tử của Mỹ.

Đầu giờ sáng ngày 27/2, Canada cũng thông báo cấm ứng dụng có nguồn gốc Trung Quốc này trên các thiết bị có liên quan tới chính phủ, cho rằng TikTok tạo ra nguy cơ “không thể chấp nhận” đối với quyền riêng tư và bảo mật.

Trước đó, 2 cơ quan chính sách hàng đầu của châu Âu đã đưa ra lệnh cấm nhân viên sử dụng TikTok trên điện thoại công vì lý do bảo mật.

Thế Vinh (Theo Reuters)