Bộ Giao thông vận tải vừa cho biết, sẽ chính thức đưa vào sử dụng phần mềm dịch vụ công trực tuyến đối với thủ tục đăng ký khai thác tuyến vận tải hành khách cố định kể từ ngày 1/7 tại địa chỉ https://tuyenvantai.mt.gov.vn

Việc chính thức đưa vào sử dụng phần mềm dịch vụ công trực tuyến đối với thủ tục đăng ký khai thác tuyến vận tải hành khách cố định tại địa chỉ https://tuyenvantai.mt.gov.vn nhằm đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; đồng thời cũng để triển khai có hiệu quả các quy định tại Nghị định 10 năm 2020 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

{keywords}
Từ ngày 1/7, hơn 124.560 đơn vị kinh doanh vận tải sẽ thuận lợi hơn trong việc nộp hồ sơ thực hiện các thủ tục hành chính. 

Với việc phần mềm dịch vụ công trực tuyến đối với thủ tục đăng ký khai thác tuyến vận tải hành khách cố định được đưa vào sử dụng, kể từ tháng 7, thay vì gửi hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua đường Bưu điện đến cơ quan quản lý tuyến, các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định sẽ căn cứ vào Danh mục mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định - “biểu đồ” chạy xe theo tuyến đã công bố để lựa chọn giờ xuất bến và thực hiện đăng ký khai thác tuyến tại những thời điểm chưa có đơn vị khai thác trên phần mềm dịch vụ công trực tuyến.

Đại diện Trung tâm CNTT – Bộ Giao thông vận tải nhấn mạnh, toàn bộ quá trình lựa chọn tuyến đăng ký khai thác, lựa chọn giờ biểu đồ, nộp hồ sơ đăng ký, theo dõi tiến trình của hồ sơ, nhận kết quả của đơn vị kinh doanh vận tải và quá trình tiếp nhận, xử lý hồ sơ, thông báo kết quả giải quyết thủ tục hành chính của cán bộ chuyên môn tại các Sở Giao thông vận tải đều được thực hiện hoàn toàn trên phần mềm, theo đúng quy định tại Nghị định 10 năm 2020 của Chính phủ. Các quá trình này được diễn ra hoàn toàn tự động, không cho phép sự can thiệp của các đối tượng sử dụng.

Đặc biệt, từ ngày 1/7, khi phần mềm được đưa vào hoạt động chính thức, hơn 124.560 đơn vị kinh doanh vận tải sẽ thuận lợi hơn trong việc nộp hồ sơ thực hiện các thủ tục hành chính; thời gian xử lý cũng được rút ngắn từ 7 ngày xuống còn 3 ngày.

{keywords}
Giao diện phần mềm dịch vụ công trực tuyến đối với thủ tục đăng ký khai thác tuyến vận tải hành khách cố định.

Đại diện Trung tâm CNTT – Bộ Giao thông vận tải cũng thông tin thêm, để có thể đưa phần mềm vào áp dụng từ ngày 1/7, trong hơn 1 năm qua, cơ quan này cùng với Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã gấp rút triển khai nhiều nội dung với một khối lượng công việc lớn. Trong đó, quan trọng nhất là cập nhật và số hóa trên 10.000 tuyến vận tải hành khách cố định trên toàn quốc; chỉ đạo và hỗ trợ 63 Sở Giao thông vận tải cập nhật biểu đồ chạy xe của toàn bộ các tuyến vận tải hành khách cố định thuộc thẩm quyền quản lý của địa phương.

Cùng với việc áp dụng phần mềm dịch vụ công trực tuyến với các thủ tục cấp giấy phép kinh doanh vận tải và cấp phù hiệu, biển hiệu cho xe ô tô, việc đưa vào hoạt động phần mềm đăng ký khai thác tuyến vận tải hành khách cố định cũng được nhận định là một bước trong quá trình chuyển đổi số ngành, góp phần đổi mới công tác quản lý hoạt động vận tải và quản lý tuyến vận tải hành khách cố định của Bộ Giao thông vận tải và các Sở Giao thông vận tải.

“Việc này cũng đổi mới công tác giải quyết thủ tục hành chính theo hướng nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, thực hiện công khai, minh bạch, giảm thời gian, chi phí và tạo sự thuận lợi cho đơn vị kinh doanh vận tải tham gia khai thác tuyến vận tải hành khách cố định. Đồng thời, phù hợp với Chương trình chuyển đổi số quốc gia, phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới”, đại diện Trung tâm CNTT  nhận định. 

Theo thống kê, hiện Bộ Giao thông vận tải đang cung cấp 254 dịch vụ công trực tuyến mức 3 và 4; trong đó có 90 dịch vụ công trực tuyến mức 3 và 164 dịch vụ công mức 4. Bộ này dự kiến đến cuối năm nay sẽ hoàn thành việc đưa toàn bộ 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên cung cấp trực tuyến mức 4 cho người dân, doanh nghiệp.

Vân Anh

Sẽ ứng dụng công nghệ 4.0 trong khai thác hạ tầng và điều hành giao thông

Sẽ ứng dụng công nghệ 4.0 trong khai thác hạ tầng và điều hành giao thông

Để chủ động tham gia CMCN 4.0, Bộ Giao thông Vận tải đã và sẽ tập trung ứng dụng các công nghệ ưu tiên vào hoạt động của ngành như: lập dự án, quản lý khai thác hệ thống hạ tầng giao thông; điều hành và tổ chức giao thông...