Mới đây, Amazon, sàn thương mại điện tử nổi tiếng thế giới đã khởi kiện thành viên quản trị của hơn 10.000 nhóm Facebook, được cho là chuyên móc nối nhà sản xuất đánh giá ảo trên nền tảng mua sắm này.

Bất kể lĩnh vực nào đánh giá (review) tồn tại, từ ứng dụng, nhà hàng, sản phẩm, thì các hành vi thao túng, gian lận cũng xuất hiện. Các đánh giá ảo giúp người bán có lợi thế và tạo ra lợi nhuận và đẩy phần thiệt hại cho người mua.

Người tiêu dùng cần trang bị các kỹ năng nhận diện review ảo khi mua sắm trực tuyến. (Ảnh: WSJ)

Amazon có quy định cấm bên bán thứ 3 khuyến mãi bằng tiền hay hiện vật để viết đánh giá. Tuy nhiên, nhiều người vẫn có thể lách luật thông qua hợp tác với các nhóm hoạt động trên một nền tảng khác, chẳng hạn như Facebook.

“Các nhóm lôi kéo hoặc khuyến khích viết bài đánh giá giả mạo vi phạm chính sách của công ty đã bị gỡ bỏ. Chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với Amazon, cũng như các đối tác toàn ngành để giải quyết vấn đề review ảo”, đại diện Meta, công ty mẹ của Facebook cho hay.

Nhận diện review gian lận

Việc xử lý triệt để vấn đề đánh giá ảo không hề đơn giản và nhanh chóng, do đó người tiêu dùng cần tự trang bị các kỹ năng cần thiết phát hiện đánh giá ảo khi mua sắm trực tuyến để tránh bị “lùa gà”.

Tránh các sản phẩm chỉ toàn đánh giá 5 sao: Với những sàn TMĐT tương tự như Amazon, người dùng có thể chấm sao với sản phẩm được rao bán. Một mặt hàng có hàng trăm hoặc hàng nghìn đánh giá thì tỷ lệ “tuyệt đối” 5 sao là một dấu hiệu bất thường.

Kiểm tra các đánh giá 1 sao: Người mua nên chú ý tới những review tiêu cực trước tiên. Các đánh giá liên quan đến những nội dung ngoài tầm xử lý của người bán, chẳng hạn như giao hàng chậm trễ do đối tác vận chuyển, thay vì kêu ca về chất lượng sản phẩm, sẽ là một chỉ báo đáng tin.

Xem đánh giá mới nhất: Người mua trên Amazon có thể sử dụng chức năng “Sắp xếp” để lọc đánh giá mới nhất đối với mặt hàng định mua. Việc đọc review mới nhất sẽ cho thấy bức tranh toàn diện về các vấn đề có thể gặp phải khi mua sản phẩm, từ khâu vận chuyển cho tới kiểm soát chất lượng.

Thời gian các bài đánh giá được đăng: Đừng quên kiểm tra thời gian review được đưa lên. Nếu nhiều bình luận được đăng trong cùng một thời điểm, đó có thể là dấu hiệu của gian lận.

Cảnh giác với những đánh giá tích cực kèm ảnh và video: Hình ảnh có thể là một cách hữu ích để nắm sơ bộ về kích cỡ và tính năng sản phẩm. Tuy nhiên, các hoạt động đánh giá ảo cũng thường yêu cầu người viết phải gắn thêm truyền thông đa phương tiện để tăng mức độ tin cậy cho review. Đó là lý do tại sao một số mặt hàng đơn giản như thảm tắm, có thể có những review dài cả phút ca ngợi về sự sang trọng hay màu sắc của nó.

Ngoài ra, người tiêu dùng cũng cần chú ý tới những biểu tượng “quà tặng” (gift) hay miễn phí (free). Đó cũng có thể là chỉ báo cho thấy người bán đang tìm cách tăng sao đánh giá thông qua các ưu đãi.

Tiếp đến, trong trường hợp hàng hoá không được bán trực tiếp từ sàn thương mại điện tử, người tiêu dùng có thể click vào đường link đi tới cửa hàng trực tuyến của người bán. Tại đây, mọi người có thể tìm hiểu các thông tin quan trọng như khuyến mãi hay chính sách đổi trả.

Vinh Ngô (Theo WSJ)