{keywords}
 

Hôm 12/4, Hội đồng Chiến lược tăng trưởng Nhật Bản họp thảo luận các phương pháp thúc đẩy đầu tư trung tâm dữ liệu. Xét đến lượng điện năng cần thiết để lưu trữ thông tin, chi phí điện là một điểm nổi bật trong quá trình lên kế hoạch. Khuyến khích doanh nghiệp ra khỏi các thành phố lớn cũng giúp giảm thiểu rủi ro khi thảm họa tự nhiên tàn phá các cơ sở đang tập trung tại Tokyo, Osaka.

Tại cuộc họp, Chánh Văn phòng Nội các Katsunobu Kato khẳng định sẽ xây dựng chuỗi cung ứng bán dẫn đáng tin cậy và phi tập trung hóa các trung tâm dữ liệu. Nhật Bản xem bảo vệ trung tâm dữ liệu cũng như công nghệ bán dẫn là vô cùng quan trọng trong thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. Tokyo hi vọng có thể thu hút Amazon, Google và các hãng công nghệ lớn khác của Mỹ khi họ đang trong quá trình tìm kiếm địa điểm đặt trung tâm dữ liệu tại châu Á.

Chính phủ đang hợp tác cùng với các địa phương để phác thảo kế hoạch xây dựng trên toàn quốc. Dựa trên kế hoạch này, chính quyền trung ương, địa phương sẽ cấp ngân sách và hỗ trợ thuế cho doanh nghiệp.

Một ý tưởng được đưa ra là khuyến khích xây dựng tại các khu vực phát điện từ năng lượng tái tạo, chẳng hạn gần trang trại điện gió ngoài khơi. Một trung tâm dữ liệu có khả năng tiếp cận dễ dàng với các nguồn năng lượng tái tạo sẽ được hưởng lợi từ chi phí điện năng thấp hơn.

Xây dựng cơ sở tại vùng sâu vùng xa có thể bị ảnh hưởng từ tốc độ truyền dữ liệu. Nếu có vấn đề trong khi truyền dữ liệu liên quan tới xe tự lái hay robot phẫu thuật, nó sẽ gây hậu quả nghiêm trọng, làm nghi ngờ lòng tin vào công nghệ. Do đó, thành lập các cơ sở gần thành phố thông minh, sở hữu hạ tầng 5G ổn định sẽ giải quyết được vướng mắc này.

Tại Nhật Bản, hơn 80% trung tâm dữ liệu đặt tại Tokyo hoặc Osaka. Nếu có động đất lớn tại Nankai Trough, giảm bớt sự tập trung là rất cần thiết.

Theo Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, Trung Quốc hiện là nước có nhiều trung tâm dữ liệu nhất châu Á – Thái Bình Dương. Năm nay, dự kiến Trung Quốc có thêm 1,7 triệu m2 trung tâm dữ liệu, còn Nhật Bản và Australia là 440.000 m2 mỗi nước.

Trung tâm dữ liệu tiêu thụ lượng điện năng khổng lồ do nhu cầu làm mát thiết bị, khiến cho tiêu thụ điện là một thước đo để so sánh quy mô của các trung tâm dữ liệu. Nói về tiêu thụ năng lượng, Bắc Mỹ đứng đầu với 51% thị phần, châu Á – Thái Bình Dương chiếm 28% thị phần. Trung Quốc có lợi thế nhờ không gian mở, rộng rãi, giá điện rẻ và thủ tục xin giấy phép xây dựng không quá phiền hà.

Nguồn tin thân cận với chính phủ Nhật Bản tiết lộ, Google và các ông lớn công nghệ Mỹ khác đang tìm nơi đặt trung tâm dữ liệu quy mô lớn ở châu Á. Vì lý do bảo mật, doanh nghiệp không tiết lộ nơi họ sẽ xây dựng. Tuy nhiên, tại Nhật Bản, dường như họ chọn phương án thuê một vài trung tâm dữ liệu của công ty trong nước.

Trung tâm dữ liệu là đối tượng chịu quản lý của quy định và luật địa phương. Chẳng hạn, nhà chức trách Trung Quốc có thể yêu cầu một trung tâm tiết lộ dữ liệu, xâm phạm thông tin cá nhân. Do đó, nếu doanh nghiệp công nghệ tìm đến trung tâm dữ liệu nước ngoài với mục đích tiết kiệm chi phí, nó tiềm ẩn nguy cơ an ninh quốc gia. Xây dựng trung tâm trong nước giảm thiểu rủi ro này.

Du Lam (Theo Nikkei)