Báo Pháp Mediapart công bố đã có ít nhất 5 bộ trưởng của Pháp bị tấn công bằng phần mềm gián điệp Pegasus trên điện thoại. Mediapart cho biết họ thu được thông tin này từ nhiều nguồn tình báo.

Hiện vẫn chưa có bằng chứng chắc chắn điện thoại của các bộ trưởng đã bị bẻ khóa thành công. Tuy nhiên, Mediapart vẫn khẳng định smartphone của các chính trị gia bị cài phần mềm độc hại Pegasus.

Tổng thống Pháp Macron không phải là mục tiêu

5 nhân vật bị tấn công bao gồm Bộ trưởng Giáo dục, Bộ trưởng Gắn kết các vùng lãnh thổ, Bộ trưởng Nông nghiệp, Bộ trưởng Nhà ở và Bộ trưởng Hải ngoại Pháp. Một trong số này đã thay đổi số điện thoại bàn và di động, theo Mediapart.

Ngoài ra, điện thoại của một trong những cố vấn ngoại giao của Tổng thống Macron cũng bị nhắm làm mục tiêu.

Tuy nhiên, nhà phát triển phủ nhận Tổng thống Macron từng là mục tiêu của phần mềm gián điệp Pegasus.

bo truong Phap bi tan cong anh 1

Điện Élysée đang phải đối mặt với những vụ tấn công từ phần mềm gián điệp. Ảnh: Flickr.

Pegasus do NSO Group, một công ty Israel phát triển nhằm phục vụ riêng cho khách hàng là các chính phủ. Khi được triển khai thành công, Pegasus biến smartphone thành thiết bị nghe lén, theo dõi các cuộc trò chuyện, tin nhắn văn bản, ảnh, vị trí của nạn nhân.

Theo lời NSO, phần mềm gián điệp của họ được sử dụng để điều tra những tội phạm nghiêm trọng. Tuy nhiên, tổ chức phi lợi nhuận Forbidden Stories của Pháp tiết lộ khách hàng của NSO lại sử dụng công cụ để hướng đến các nhà hoạt động nhân quyền, nhà báo và luật sư.

Sau khi thông tin về Pegasus được công bố, Dự án Pegasus, một sáng kiến báo chí đã được triển khai với mục tiêu điều tra lại hoạt động của các chính phủ lên những cá nhân mục tiêu.

Thông tin từ vụ tấn công nhắm đến các bộ trưởng Pháp xuất hiện 2 tháng sau khi Dự án Pegasus thông báo số điện thoại của nhiều quan chức Pháp đã bị lộ. Tổ chức này cho biết danh bạ của các nhân vật hàng đầu, bao gồm Tổng thống Emmanuel Macron và gần như tất cả 20 thành viên trong nội các đều xuất hiện trong một cơ sở dữ liệu bị rò rỉ.

bo truong Phap bi tan cong anh 2

Điện thoại của Bộ trưởng Giáo dục (trái) và Bộ trưởng Gắn kết lãnh thổ của Pháp nằm trong số những mục tiêu bị tấn công. Ảnh: Jacques Witt.

NSO khẳng định không liên quan đến cơ sở dữ liệu đã được nhắc đến bởi Dự án Pegasus. Ngoài ra, hàng chục nghìn số điện thoại trong danh sách bị rò rỉ không phải mục tiêu của khách hàng NSO.

“Chúng tôi giữ vững những tuyên bố trước đây của mình liên quan đến các quan chức chính phủ Pháp. Họ không và chưa bao giờ là mục tiêu của Pegasus. Chúng tôi không có bất kỳ bình luận nào về các cáo buộc ẩn danh", đại diện NSO tuyên bố vào tối 23/9.

Mức độ thực sự vẫn chưa được tiết lộ

Khi được tiếp cận trực tiếp hoặc thông qua văn phòng, các nạn nhân đã không trả lời hoặc không muốn chia sẻ chủ đề nhạy cảm này một cách công khai. Theo Mediapart, một số người đã giới thiệu họ với Tổng thư ký về quốc phòng và an ninh quốc gia (SGDSN) của Pháp. Người này sau đó cũng từ chối bình luận.

Điện Élysée cho biết họ sẽ không bình luận về “các cuộc điều tra lâu dài và phức tạp vẫn đang tiếp diễn”.

Văn phòng công tố cũng từ chối nói về tiến trình điều tra hoặc xác nhận có phát hiện ra vụ bẻ khóa điện thoại của các bộ trưởng hay không. Cơ quan này cho biết thêm cuộc điều tra được tiến hành dưới các quy tắc bảo mật tư pháp.

bo truong Phap bi tan cong anh 3

Vụ tấn công là hồi chuông cảnh tỉnh về công tác bảo mật cho các chính trị gia Pháp. Ảnh: Getty Images.

Vào cuối tháng 7, kết quả phân tích pháp y của cơ quan tình báo nhà nước Pháp và công tố viên Paris cho thấy sự hiện diện của "dấu vết tình nghi" trên thiết bị của các chính trị gia. Thời điểm tấn công được xác định là trong năm 2019, sau đó thưa dần vào năm 2020.

Khi đó, Điện Élysée chỉ khuyên nên thận trọng, nói rằng "không có gì chắc chắn ở giai đoạn này". Tuy nhiên, Tổng thống Macron được cho là đã thay đổi số điện thoại của mình trong một số cuộc gọi.

Trong cùng thời gian, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp, Florence Parly đã gặp người đồng cấp Israel, Benny Gantz tại Paris và đã thảo luận về vụ bê bối. Tuy nhiên không có chi tiết nào về cuộc trò chuyện của họ được chia sẻ.

Vào tháng 8, Bộ trưởng Ngoại giao về các vấn đề châu Âu, Clément Beaune cho biết chính phủ không thể chia sẻ nhiều thông tin vì “mức độ nghiêm trọng” và các thủ tục tư pháp đang diễn ra. “Chúng tôi vẫn đang gỡ rối để tìm ra sự thật”, ông nói.

(Theo Zingnews)