Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 10 thông báo kết quả phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2016, trong đó có nội dung cho phép Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VietnamPost) thực hiện dịch vụ thu, nộp hộ tiền phạt vi phạm hành chính và chuyển phát giấy tờ tạm giữ cho người bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ trên phạm vi toàn quốc qua hệ thống Bưu điện.

Dịch vụ này đã nhanh chóng nhận được sự quan tâm từ phía người dân, do tính chất tiện lợi của nó. VietNamNet đã có cuộc trao đổi với bà Chu Thị Lan Hương, Phó Tổng giám đốc VietnamPost về những điểm mới khi Bưu điện "nhập cuộc" cung cấp dịch vụ thu hộ tiền phạt.

- Như vậy là sau một thời gian đề xuất, VietnamPost đã chính thức được Chính phủ cho phép triển khai thu phạt vi phạm giao thông qua bưu điện. Xuất phát từ căn cứ nào để VietnamPost đưa ra đề xuất này, khi mà hiện tại dịch vụ vẫn đang được cung cấp qua một số kênh như Kho bạc, ngân hàng... thưa bà? 

Sau khi đánh giá nhu cầu của người vi phạm giao thông trên mọi miền đất nước trong việc đề nghị Bưu điện nộp hộ tiền xử phạt vi phạm giao thông và chuyển phát giấy tờ tạm giữ đến tận tay người vi phạm, chúng tôi xét thấy có đủ năng lực cung ứng dịch vụ này. Hệ thống mạng lưới của Bưu điện Việt Nam hiện đang phủ kín trên toàn quốc với trên 11.000 điểm phục vụ, nguồn nhân lực dồi dào gần 40 ngàn lao động, hệ thống công nghệ thông tin đã được đầu tư....


Việc thu phạt vi phạm giao thông qua Bưu điện sẽ giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân. Người bị xử phạt vi phạm giao thông có thể đến bất cứ điểm phục vụ nào của Bưu điện để đề nghị được nộp phạt và chuyển trả các giấy tờ. Việc nhận lại giấy tờ tạm giữ cũng rất nhanh chóng, chính xác, an toàn. Như tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay, người vi phạm giao thông sẽ nhận lại tất cả giấy tờ chỉ trong vòng 2 ngày với các huyện xa và tỉnh/thành khác. Riêng ở nội thành, người nộp phạt có thể nhận lại giấy tờ trong vòng 1 ngày kể từ khi đóng phạt. Hơn nữa việc người dân tới bưu điện nộp phạt cũng sẽ góp phần giảm tải số người tham gia giao thông khi phải đi lại nhiều lần nộp phạt như hiện nay.

- Tuy nhiên, Bộ TT&TT đã phải có công văn gửi sang Bộ Công an gần đây, yêu cầu Bộ Công an hỗ trợ hướng dẫn thủ tục để VietnamPost sớm triển khai thu phạt. Bà có thể chia sẻ rõ hơn về điểm này? Đây phải chăng đang là vướng mắc lớn nhất trong tiến trình triển khai?
{keywords}
Chính phủ đã cho phép Tổng công ty Bưu điện Việt Nam triển khai dịch vụ thu hộ tiền phạt giao thông trên phạm vi toàn quốc.

Chính vì thế, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, đồng thời góp phần cải cách thủ tục hành chính, Tổng công ty bưu điện Việt Nam đề xuất với Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia xem xét tạo điều kiện và chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn Tổng công ty triển khai thực hiện dịch vụ này.

Hiện nay việc thu phạt vi phạm giao thông đang tại các địa phương vẫn đang thực hiện theo Nghị định 81/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính. Các cá nhân, tổ chức vi phạm thực hiện việc nộp tiền phạt theo hình thức nộp trực tiếp tại Kho bạc nhà nước hoặc ngân hàng thương mại nơi Kho bạc nhà nước ủy nhiệm thu tiền phạt được ghi trong quyết định xử phạt. Tuy nhiên việc đi lại nộp phạt như vậy sẽ mất nhiều thời gian đi lại đối với người vi phạm.

Sau khi Chính phủ đồng ý giao cho Tổng công ty Bưu điện Việt Nam cung cấp dịch vụ, rất nhiều người dân đều bày tỏ mong muốn rằng dich vụ này sớm được triển khai rộng rãi trên toàn quốc. Tuy nhiên hiện nay các lực lượng chức năng có nhiệm vụ xử phạt vi phạm giao thông vẫn chưa nhận được hướng dẫn triển khai chủ trương này. Do đó, việc thực hiện thu, nộp hộ tiền phạt và chuyển phát giấy tờ tạm giữ cho người bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ qua bưu điện vẫn chưa thể được triển khai rộng rãi.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho Tổng công ty Bưu điện Việt Nam có thể sớm thực hiện cung cấp dịch vụ này đáp ứng yêu cầu của người dân, Bộ TT&TT đã có văn bản gửi Bộ Công An phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn Tổng công ty Bưu điện Việt Nam sớm triển khai thu, nộp hộ tiền phạt và chuyển phát giấy tờ tạm giữ cho người bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ qua hệ thống Bưu điện. Trong khi chờ Nghị định 81 được điều chỉnh, nhưng để người dân trên cả nước sớm được tiếp cận và sử dụng dịch vụ này, trước mắt Tổng công ty Bưu điện Việt Nam rất mong Bộ Công An, Cục Cảnh sát Giao thông sớm có văn bản thông báo và hướng dẫn lực lượng cảnh sát giao thông trên toàn quốc phối hợp với Bưu điện các tỉnh, thành phố thực hiện chủ trương này. 

- Hiện VietnamPost đã cung cấp thí điểm dịch vụ ở một số địa phương. Kết quả thí điểm ra sao, thưa bà? Phản hồi từ công an địa phương, người dân như thế nào?

Hiện nay một số Bưu điện tỉnh, Thành phố tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Thừa Thiên Huế, An Giang đã phối hợp với Công an địa phương triển khai dịch vụ thu nộp tiền xử phạt vi phạm Giao thông và chuyển phát giấy tờ tạm giữ. Điển hình như tại An Giang, ngành Bưu điện đã thực hiện 4.000 lượt/tháng, Thành phố Bà Rịa: 500 vụ/tháng... Mới đây nhất, Bưu điện TP. Hồ Chí Minh đã triển khai dịch vụ “Nộp hộ tiền phạt vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông và phát trả giấy tờ tạm giữ tại địa chỉ” cho doanh nghiệp và cá nhân khi có quyết định xử phạt của Thanh tra Sở Giao thông Vận tải.

{keywords}
Bà Chu Thị Lan Hương: Dịch vụ đã nhận được sự phản hồi tích cực và sự đồng thuận cao từ người dân, cơ quan quản lý.

Theo đánh giá, việc nộp hộ tiền phạt vi phạm giao thông qua bưu điện đã nhận được rất nhiều phản hồi tích cực và sự đồng thuận, ủng hộ cao từ phía người dân cũng như các cơ quan quản lý. Bên cạnh việc giảm thời gian, chi phí đi lại của người dân khi đi đóng phạt, đặc biệt ở các địa phương xa, việc thu phạt cũng giảm bớt áp lực đối với cán bộ chiến sĩ CSGT làm việc tại các điểm tiếp dân để xử lý vi phạm hành chính. Lực lượng CSGT cũng có thể có điều kiện tập trung hơn để giải quyết các công việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông.


- Thời gian qua, bưu điện đã cung cấp rất nhiều dịch vụ hành chính công như chi trả bảo hiểm xã hội, lương hưu cho người dân. Với dịch vụ thu hộ tiền phạt giao thông lần này, bà đánh giá thế nào về tiềm năng của dịch vụ, cũng như của hướng đi chiến lược mang tên "dịch vụ công"?

Dễ dàng nhận thấy bên cạnh những tác động tích cực về mặt xã hội, thì dịch vụ thu hộ tiền phạt vi phạm giao thông còn mang lợi ích về mặt kinh tế cho cả người vi phạm, cơ quan Công an và ngành Bưu điện. Quy trình mới này có thể giúp tiết kiệm những chi phí trực tiếp và gián tiếp liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính.

Cụ thể hơn, thì đối với người vi phạm: Họ có thể tiết kiệm chi phí đi lại, tiết kiệm thời gian, giảm thiểu số lần tham gia giao thông;  Đối với cơ quan Công an: Họ có thể giảm chi phí liên quan đến hoạt động tại bộ phận tiếp dân về nhân lực và vật lực, chống gây sách nhiễu, phiền hà cho người dân khi làm thủ tục, giảm bớt áp lực đối với bộ phận giải quyết thủ tục vi phạm hành chính, tạo điều kiện để cán bộ có thêm thời gian vào công việc chuyên môn, nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính, phục vụ người dân ngày càng tốt hơn, giúp lành mạnh hoá các thủ tục hành chính.

{keywords}
Mới đây nhất, Bưu điện TP.HCM đã chính thức cung cấp dịch vụ. 

Về phần mình, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam cũng có thể khai thác tối đa và nâng cao hiệu quả hạ tầng mạng lưới bưu chính công cộng rộng khắp cả nước, kết hợp việc cung cấp các dịch vụ bưu chính công ích và các dịch vụ hành chính công tới người dân ở mọi vùng miền của đất nước.

Còn nhìn trên tổng thể, xã hội có thể giảm các chi phí không cần thiết, giảm thiểu số lượt người dân tham gia giao thông, tránh gây ùn tắc giao thông.

Thời gian qua, việc VietnamPost tích cực tham gia cung cấp các dịch vụ công thiết thực tới người dân là nhằm thực hiện Nghị quyết số 30c/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020. Chúng tôi muốn góp phần cùng các cơ quan quản lý nhà nước đẩy nhanh cải cách các thủ tục hành chính, đem lại sự tiện lợi và tiết kiệm thời gian, chi phí của người dân, của các cơ quan hành chính; thực hiện vai trò là cánh tay nối dài của các cơ quan hành chính để phục vụ những dịch vụ hành chính công tốt nhất, thuận tiện nhất, với chi phí hợp lý, giảm thiểu tiêu cực, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân ở mọi miền của đất nước. Hơn nữa, hướng đi này cũng giúp khẳng định uy tín và vài trò của ngành Bưu điện đối với cộng đồng.

- Xin cám ơn bà.

Trọng Cầm (thực hiện)