Mới đây trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về việc bổ sung Quy hoạch điện VII điều chỉnh, Bộ Công Thương cho biết, tỉnh Nghệ An đề xuất xây dựng dự án điện mặt trời nổi tại hồ Vực Mấu và hồ Khe Gỗ ở huyện Quỳnh Lưu. Tổng mức đầu tư dự kiến của 2 dự án năng lượng tái tạo này là trên 6.500 tỷ đồng.

Trong đó, nhà máy điện mặt trời nổi hồ Vực Mấu tại xã Quỳnh Thắng, huyện Quỳnh Lưu, có công suất lắp đặt là 200MWp, diện tích sử dụng dự kiến 214ha mặt nước; tổng mức đầu tư nhà máy là 3.106 tỷ đồng.

Nhà máy điện mặt trời nổi tại hồ Khe Gỗ xây dựng tại xã Tân Sơn, huyện Quỳnh Lưu, có tổng công suất 250MWp, diện tích sử dụng dự kiến 280ha bao gồm đất mặt nước và đất bán ngập; tổng mức đầu tư nhà máy là 3.473 tỷ đồng.

Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương, dự kiến 2 dự án đều bán điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Thời gian hoàn vốn của dự án điện mặt trời hồ Vực Mấu dự kiến là 14 năm, dự án hồ Khe Gỗ là 17 năm.

Báo cáo đánh giá của Bộ Công Thương cho biết, 2 dự án điện mặt trời này dự kiến thực hiện thí điểm cơ chế đấu thầu giá điện. Do đó, nhà đầu tư phải chịu trách nhiệm về tính khả thi của dự án đối với mức giá theo tính toán, tuân thủ kết quả thực hiện cơ chế đấu thầu thí điểm về giá điện được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận và các quy định khác tại thời điểm vận hành.

Theo nhận định của Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), việc phát triển các dự án điện mặt trời nổi trên mặt hồ hiện đang là xu hướng mới trên thế giới nói chung cũng như tại Việt Nam nói riêng. Các dự án điện mặt trời nổi có lợi thế về mặt kinh tế và quy trình triển khai thực hiện, như tiết kiệm được diện tích đất đai, chi phí giải phóng mặt bằng,...

{keywords}
Việc phát triển các dự án điện mặt trời nổi trên mặt hồ hiện đang là xu hướng mới trên thế giới nói chung cũng như tại Việt Nam nói riêng. Nguồn ảnh: moit.gov.vn.

Tuy nhiên, các dự án này cần được xem xét, đánh giá kỹ tác động môi trường, giải pháp thi công xây dựng để không gây ô nhiễm lòng hồ, ảnh hưởng đến chất lượng nước, hệ sinh thái lòng hồ cũng như an toàn công trình.

Thực tế, tiềm năng bức xạ điện mặt trời tại địa điểm đề xuất xây dựng 2 dự án nêu trên chỉ là 3,88 kWh/m2/ngày. Đây là mức tương đối thấp so với tiềm năng bức xạ trung bình tại Nghệ An (4,04/kWh/m2/ngày), cũng như so với các khu vực có tiềm năng phát triển điện mặt trời trên cả nước. Do đó, Cục Điều tiết điện lực đề nghị xem xét, tính toán kỹ hiệu quả đầu tư.

Hàng loạt dự án khai thác tiềm năng điện mặt trời nổi trên hồ

Dù thế nào, điện mặt trời nổi trên hồ cũng là xu hướng đầy tiềm năng. UBND tỉnh Đắk Lắk cũng mới có công văn gửi Bộ Công Thương, đề xuất bổ sung dự án Nhà máy điện mặt trời tấm nổi KN Sêrêpốk 3 vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia. Đây là dự án điện mặt trời tấm nổi đầu tiên tại Đắk Lắk được đề xuất đưa vào Quy hoạch.

Theo Cổng thông tin điện tử Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk, dự án Nhà máy điện mặt trời nổi KN Sêrêpốk 3 do Công ty Cổ phần Đầu tư và kinh doanh golf Long Thành làm chủ đầu tư, được thực hiện trên hồ thủy điện Sêrêpốk 3 (xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn), công suất 380MWp.

Nhà máy sử dụng bằng công nghệ pin quang điện silic đa tinh thể, sản lượng dự kiến 621 kWh/năm; với diện tích mặt nước bố trí tấm pin 297,3ha, tổng mức đầu tư 6.226 tỷ đồng. Giai đoạn 1 của dự án có công suất 60MWp, sử dụng 52,3ha mặt nước, dự kiến đi vào hoạt động năm 2021; giai đoạn 2 công suất 320 MWp, sử dụng 245ha mặt nước, thực hiện sau năm 2021.

Theo tài liệu khảo sát về bức xạ mặt trời, bản đồ tiềm năng năng lượng mặt trời Việt Nam do Cơ quan Năng lượng Việt Nam và Cơ quan hợp tác phát triển Tây Ban Nha (AECID) tổ chức đánh giá, Đắk Lắk nằm trong khu vực có tiềm năng về năng lượng mặt trời rất lớn, với khoảng 95 GWh/năm, bức xạ mặt trời trung bình khoảng 5 kWh/m2/ngày.

Các khu vực có tiềm năng điện mặt trời của Đắk Lắk tập trung ở các huyện Ea Súp, Buôn Đôn, Krông Bông, Ea H’leo. Thời gian qua, nhiều nhà đầu tư đã nghiên cứu, lập dự án điện mặt trời tấm nổi trên các hồ thủy điện, thủy lợi như: Buôn Kuôp, Ea Súp 3, Buôn Tua Srah, Ea Súp thượng, Krông Búk hạ.

UBND tỉnh Đắk Lắk hiện đã đồng ý chủ trương cho Công ty Cổ phần Đầu tư năng lượng, xây dựng, thương mại Hoàng Sơn được khảo sát, nghiên cứu lập hồ sơ đề xuất dự án nhà máy điện mặt trời trên hồ Ea Súp Hạ, huyện Ea Súp.

Nhà đầu tư sẽ khảo sát trên diện tích 120ha, trong đó có 118ha mặt nước, 2ha đất thuộc địa phận xã Cư Mlan và thị trấn Ea Súp. Diện tích này không có rừng tự nhiên, không ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng và không chồng lấn.

H.A.H

Đề xuất quy hoạch dự án điện mặt trời nổi đầu tiên ở Đắk Lắk

Đề xuất quy hoạch dự án điện mặt trời nổi đầu tiên ở Đắk Lắk

Dự án Nhà máy điện mặt trời nổi trên sông Sêrêpốk có tổng công suất dự kiến là 380MWp. Đây là dự án điện mặt trời tấm nổi đầu tiên tại Đắk Lắk được đề xuất đưa vào quy hoạch.