Bỗng một ngày bạn cảm thấy buồn và cần ai đó tâm sự. Người nào có thể hiểu những thói quen nhỏ nhặt nhất và luôn luôn có mặt 24/7 với bạn? Đó chỉ có thể là một trợ lý ảo. Một nhóm bạn trẻ người Việt đã xây dựng được nền tảng trò chuyện dựa trên trí tuệ nhân tạo Sumi, như một người bạn ảo để trò chuyện với con người, chủ yếu là thế hệ Z (sinh khoảng năm 1990 trở về sau). 

{keywords}
Các công ty start-up, những nhà đầu tư, các chuyên gia lĩnh vực khởi nghiệp,... trong buổi thuyết trình gọi vốn hồi tuần trước.

Sumi được phát triển từ năm 2016, hiện “làm bạn” với khoảng 10 triệu người trẻ. Sumi trò chuyện thông qua các phần mềm chat phổ biến, dựa trên cơ sở dữ liệu các cuộc nói chuyện và máy học, có thể trả lời và tư vấn cho người dùng ở nhiều lĩnh vực. 

Sumi có thể được ứng dụng rất rộng trong thực tế, chẳng hạn tự xây dựng một bài kiểm tra tiếng Anh với người dùng thông qua chat để đánh giá trình độ, sau đó một trung tâm anh ngữ có thể dựa vào kết quả đó để xếp lớp. Hoặc nền tảng của Sumi cũng có thể vận hành như một chatbot cho doanh nghiệp.

Nguyễn Thị Trâm Anh, đồng sáng lập và CEO Sumi, cho biết công ty đang xây dựng nền tảng để kết nối con người với thế giới ảo một cách bền vững nhất có thể. 

Cũng dựa trên AI nhưng theo một cách khác, như Abivi dùng nó vào lĩnh vực logistics. Người sáng lập start-up này là cựu kỹ sư Google người Việt, nắm trong tay bảng thành tích học tập xuất sắc. Anh xây dựng các thuật toán phức tạp, kết hợp trí tuệ nhân tạo để xây dựng lộ trình di chuyển hàng hoá cho doanh nghiệp. 

Giải pháp của Abivi có thể tiết kiệm 30% chi phí logistics, đang được áp dụng tại các công ty lớn như FrieslandCampina Vietnam, KOSPA Logistics Myanmar, A. O. Smith, Habeco, Highlands,... Công ty này cũng từng vượt qua hơn 30.000 start-up toàn cầu để nhận giải thưởng 1 triệu USD tại cuộc thi ở Mỹ năm 2019.

Nguyễn Hoàng Anh, đồng sáng lập và Giám đốc vận hành Abivi, chia sẻ tham vọng giải quyết được những khó khăn trong khâu logistics ở khu vực Đông Nam Á, vốn chiếm khoảng 15-20% GDP. Một khi hiện thực hoá được giấc mơ này, Abivi tham vọng trở thành một unicorn (công ty trị giá tỷ USD) trong khu vực.

Cả hai start-up này góp mặt trong vòng 13 đội của Grab Ventures Ignite, chương trình tăng tốc khởi nghiệp dành cho các startup giai đoạn đầu tại Việt Nam. Cả 13 đại diện đều có một buổi thuyết trình gọi vốn trước các nhà đầu tư hồi giữa tuần trước.

Trong số 13 đội tham dự, có đến 4 giải pháp dựa trên AI làm nền tảng cốt lõi, cho thấy trí tuệ nhân tạo đang trở thành nhân tố chính góp phần giải quyết các vấn đề hóc búa của cuộc sống. 

Chẳng hạn, được thành lập từ năm 2016, Hana là nền tảng trò chuyện tự động (chatbot) của Việt Nam áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo lập trình ngôn ngữ tư duy (NLP) vào sản phẩm của công ty. 

Ứng dụng công nghệ, chatbot Hana có thể phân loại khách hàng, trả lời khách hàng 24/7, và có khả năng chuyển từ hoạt động tư vấn sang bán hàng một cách thành thục. Với quy trình tự động hoá bán hàng và tiếp thị, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được chi phí và gia tăng doanh thu.

Start-up này đã xây dựng được khoảng 20 ngàn chatbot. Trong đó có 15 ngàn chatbot hoạt động, 1,2 ngàn chatbot trả tiền. Công ty đang đạt doanh thu tổng cộng 300 ngàn USD sau một năm rưỡi ra mắt sản phẩm. Công ty đang gọi vốn khoảng 800 ngàn USD để gia tăng lên 45 ngàn chatbot, tăng gấp đôi doanh thu trong vòng 15 tháng tới.

Cũng dùng AI làm nền tảng như 3 start-up kể trên, Vbee, nền tảng giọng nói nhân tạo tiếng Việt tự nhiên, là một trong các sản phẩm “Make in Vietnam” được Bộ Thông tin & Truyền thông chọn giới thiệu nhằm góp phần thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia. 

Các sản phẩm của Vbee bao gồm chuyển văn bản thành tiếng nói, trí tuệ nhân tạo có năng lực đối thoại, và nền tảng tổng đài trí tuệ nhân tạo. 

Điểm khác biệt của Vbee là nghiên cứu và phát triển (R&D) về xử lý ngôn ngữ tiếng Việt và giải pháp tự động mở rộng quy mô của để triển khai sản phẩm/dịch vụ và điều chỉnh cho nhiều đối tượng khách hàng.

Vbee hiện có khoảng hơn 500 khách hàng là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), hơn 10 khách hàng là những tập đoàn lớn tại Việt Nam. Tham gia Grab Ventures Ignite, công ty muốn gọi vốn serie A khoảng 1,5 triệu USD với hy vọng mở rộng lên 1.500 khách hàng SME, và hơn 57 doanh nghiệp lớn.

Trước vòng gọi vốn này, 13 doanh nghiệp đã trải qua 14 tuần đào tạo. Chương trình đào tạo được thiết kế riêng biệt nhằm mục tiêu xây dựng năng lực cho các start-up thông qua các buổi huấn luyện do các chuyên gia chủ trì, tư vấn 1:1 với đội ngũ giám đốc cấp cao, chia sẻ kiến thức và giao lưu với các start-up khác. 

Chương trình sẽ chọn ra tối đa 5 startup thắng cuộc để có cơ hội nhận được giải thưởng hơn 1 triệu USD đầu tư và các dịch vụ hỗ trợ giá trị khác. 

Bên cạnh AI, các start-up tham gia chương trình này ít nhiều áp dụng các công nghệ tiên tiến như khác như dữ liệu lớn, máy học, đám mây để tập trung vào các giải pháp giao thông, liên lạc, chăm sóc sức khoẻ,...

Bà Nguyễn Thái Hải Vân, Giám đốc Grab Việt Nam, cho biết, chương trình này nhằm khuyến khích tinh thần khởi nghiệp và thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ Việt Nam. Đồng thời, các khoá huấn luyện nhằm giúp các start-up không mắc lại những sai lầm mà những người đi trước từng gặp phải.

Hải Đăng

Quỹ của ông Đinh Anh Huân được định giá 370 triệu USD

Quỹ của ông Đinh Anh Huân được định giá 370 triệu USD

Nhận được khoản đầu tư lên tới 50 triệu USD, quỹ của ông Đinh Anh Huân được nâng giá trị lên 370 triệu USD.