Ông Lê Văn Chung, Phó Vụ trưởng Vụ Bưu chính, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: Ngày 12/4/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 25/2022/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định số 25) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 47/2011/NĐ-CP ngày 17/06/2011 quy định chi tiết thi hành một số nội dung của Luật Bưu chính. 

Nghị định số 25 chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/2022. Trong đó có nhiều điểm mới mà các doanh nghiệp bưu chính cần lưu ý tuân thủ để tránh bị xử phạt vì vi phạm quy định pháp luật.

Ảnh: B.M

Sửa đổi, bổ sung quy định về an toàn, an ninh bưu chính

Điểm b k1 Điều 7 của Nghị định số 25, bổ sung quy định về các biện pháp bảo đảm an toàn bưu gửi và an ninh thông tin trong hồ sơ đề nghị cấp văn bản xác nhận thông báo. Trước đây chỉ yêu cầu trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép bưu chính. 

Qua trao đổi với các cơ quan chức năng thì riêng năm 2021 đã phát hiện hơn 10.000 bưu gửi chứa vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo… qua đường bưu chính. Xu thế này ngày càng nhiều. Đa phần doanh nghiệp bưu chính hiện nay thuộc diện xin cấp văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính. Đề nghị cần rà soát lại, bổ sung ngay các biện pháp bảo đảm an toàn bưu gửi và an ninh thông tin để phù hợp với quy định mới, phục vụ công tác thanh kiểm tra sau này”, ông Chung nói.

Cũng theo Phó Vụ trưởng Vụ Bưu chính, Luật Bưu chính không quy định chi tiết các biện pháp đảm bảo an toàn an ninh thế nào, mà để các doanh nghiệp chủ động xây dựng. Các đoàn kiểm tra thường yêu cầu cung cấp nội dung này và thực hiện thanh kiểm tra trên cơ sở tài liệu doanh nghiệp cung cấp. Nếu không đáp ứng yêu cầu sẽ bị xử lý theo chế tài quy định.

Bổ sung trình tự, thủ tục thu hồi giấy phép bưu chính

Khoản 1 Điều 24 Luật Bưu chính quy định các hành vi vi phạm Luật sẽ bị thu hồi giấy phép bưu chính, bao gồm: Hoạt động chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Cung cấp thông tin giả mạo để được cấp phép; Không còn đủ các điều kiện để được cấp giấy phép; Sau 1 năm không triển khai cung cấp dịch vụ.

Trước không có trình tự thu hồi giấy phép bưu chính thì việc triển khai rất khó. Nghị định số 25 đã bổ sung trình tự thủ tục cụ thể tại Điều 13a. Quy trình thu hồi giấy phép bưu chính gồm 3 bước chính: Cơ quan nhà nước gửi văn bản yêu cầu doanh nghiệp có hành vi vi phạm giải trình và cung cấp thông tin, tài liệu liên quan. Sau 10 ngày làm việc, doanh nghiệp không giải trình hoặc giải trình không phù hợp với quy định của pháp luật, thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành quyết định thu hồi giấy phép. Việc thu hồi giấy phép bưu chính được cơ quan nhà nước thực hiện bằng hình thức công bố hết hiệu lực trên trang thông tin điện tử của cơ quan cấp giấy phép bưu chính”, ông Chung cung cấp thông tin.

Sau khi có quyết định thu hồi giấy phép bưu chính, cơ quan có thẩm quyền sẽ gửi đến các cơ quan liên quan như sở kế hoạch – đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính, hoặc các cơ quan, ban, ngành khác.

Bổ sung quy định cung cấp thông tin về người gửi, người nhận và bưu gửi

Nội dung này vừa để phục vụ công tác đảm bảo an toàn an ninh vừa bảo vệ doanh nghiệp bưu chính. 

Theo Điều 15b của Nghị định số 25, người gửi phải cung cấp thông tin về người gửi, người nhận, thông tin liên quan đến bưu gửi cho doanh nghiệp bưu chính trước khi sử dụng dịch vụ. Người gửi phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của thông tin cung cấp cho doanh nghiệp bưu chính. 

Thông tin về người gửi, người nhận phải gồm họ tên, địa chỉ, số điện thoại. Thông tin về bưu gửi bao gồm bản chính hoặc bản sao hóa đơn, chứng từ, giấy phép chuyên ngành, giấy chứng nhận hoặc giấy tờ khác…Doanh nghiệp bưu chính phải lưu trữ thông tin tối thiểu 1 năm kể từ ngày được cung cấp. Thông tin này sẽ phục vụ công tác xác minh, điều tra của cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện hàng gửi chứa hàng lậu, hàng cấm.

Nghị định số 14/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 15 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính đã bổ sung hình thức “Tước quyền sử dụng giấy phép hoặc văn bản xác nhận thông báo từ 1 - 3 tháng đối với hành vi vi phạm các quy định về vật phẩm, hàng hóa không được gửi, chấp nhận, vận chuyển qua mạng bưu chính trong trường hợp tái phạm. Trước đó, theo Nghị định số 15, hành vi này chỉ bị phạt tiền. Các doanh nghiệp cần hết sức lưu ý nội dung này trong quá trình triển khai”, ông Chung nhấn mạnh.  

Bổ sung quy định công khai giá cước 

Điều 15c của Nghị định số 25 bổ sung quy định về công khai giá cước. Mục đích nhằm góp phần bảo đảm quản lý thị trường bưu chính cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, trước hiện tượng một số doanh nghiệp bưu chính thực hiện giảm giá, hạ giá sâu, có dấu hiệu vi phạm pháp luật về cạnh tranh, phá giá thị trường.

Cụ thể, doanh nghiệp bưu chính hoặc đại lý có quyền quyết định điều chỉnh giá cước phải công khai giá cước bằng VNĐ, đã gồm các loại thuế, phụ phí của dịch vụ… Giá cước phải niêm yết tại điểm phục vụ hoặc các hình thức khác như thông báo bằng văn bản, đăng tải trên website… Giá cước công khai phải thống nhất với giá cước đã thông báo với cơ quan nhà nước.

Cần lưu ý, tại Nghị định số 14/2021/NĐ-CP đã bổ sung hình thức xử phạt đối với hành vi “Không niêm yết công khai giá cước dịch vụ bưu chính”. Hình thức xử lý hành vi này là phạt tiền.

Bổ sung quy định thông báo giá cước 

Cũng theo Điều 15c của Nghị định số 25, doanh nghiệp bưu chính có trách nhiệm thông báo về những thay đổi về giá cước các dịch vụ đang áp dụng đối với các đối tượng khách hàng khác nhau, và giá cước dịch vụ mới phát sinh áp dụng cho các nhóm đối tượng khách hàng. Đây là căn cứ để sau này xác định khuyến mãi trong cung ứng dịch vụ.

Hình thức thông báo có thể bằng văn bản giấy hoặc qua Hệ thống thông tin trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Doanh nghiệp bưu chính có trách nhiệm phải thông báo trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày giá cước có hiệu lực, sau đó thực hiện đúng giá cước đã công khai, thông báo.

Các doanh nghiệp cần lưu ý, Nghị định số 14/2021/NĐ-CP đã bổ sung hình thức xử phạt tiền đối với hành vi “Áp dụng giá cước không đúng với giá cước các dịch vụ bưu chính như đã thông báo với cơ quan nhà nước”, và có thêm hình thức xử phạt bổ sung là “Tước quyền sử dụng giấy phép hoặc văn bản xác nhận thông báo từ 4 – 6 tháng trong trường hợp tái phạm”. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ có nhiều hoạt động thanh tra, kiểm tra để bảo đảm doanh nghiệp thực hiện đúng quy định của pháp luật”, ông Chung khuyến nghị.

Bổ sung quy định về khuyến mại

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Bưu chính, bên cạnh việc tuân thủ Nghị định số 81 về Luật Thương mại, doanh nghiệp bưu chính cũng cần phải tuân thủ các quy định đặc thù của lĩnh vực bưu chính. 

Trước đây, Nghị định số 81, khoản 1 Điều 6 quy định: “Giá trị vật chất dùng để khuyến mại cho một đơn vị hàng hóa, dịch vụ không được vượt quá 50% giá của đơn vị hàng hóa, dịch vụ đó trước thời gian khuyến mại...”. Giả sử giá thông báo/niêm yết theo quy định giả sử 100 đồng, thì giá khuyến mại lần 1 tối đa 50 đồng, lần 2 tối đa 25 đồng, lần 3 tối đa 12,5 đồng. Cứ thế thì có thể giá sẽ chỉ còn bằng 0 đồng. Việc giảm giá như vậy chủ yếu tập trung ở các doanh nghiệp bưu chính lớn hoặc được doanh nghiệp bưu chính được sự hỗ trợ bởi các quỹ đầu tư, tạo cạnh tranh không bình đẳng.

Chúng tôi đã đề xuất Chính phủ thiết kế điều khoản tại Nghị định số 25 quy định “Mức giảm giá cước tối đa đối với dịch vụ bưu chính được khuyến mại bằng hình thức giảm giá không được vượt quá 50% giá cước gần nhất đã công khai, thông báo”. Như vậy, bất kể doanh nghiệp bưu chính khuyến mại ở nhiều thời điểm khác nhau thì giá cước vẫn không giảm quá 50%. Cụ thể, giá thông báo/công khai theo quy định giả sử là 100 đồng, thì giá khuyến mại lần 1, lần 2 hay lần 3 cũng sẽ vẫn chỉ tối đa là 50 đồng”, ông Chung chia sẻ thêm.

Bình Minh