Tiêu đề là một thứ không thể thiếu trong những video được đăng tải lên Youtube, là thứ để những người sáng tạo video có thể phân biệt được những thứ mình đã đăng và cũng là cách để người dùng tìm kiếm các nội dung mình cần. Và có lẽ ai cũng đều biết, tiêu đề có thể được thay đổi được kể cả khi video đã được đăng, có thể là để sửa những lỗi chính tả, hoặc người đăng cảm thấy tiêu đề cũ không phù hợp với nội dung mình đã đăng lên.

Như trò ảo thuật: Youtuber này tìm được cách đổi tiêu đề video của mình thành số lượt xem theo thời gian thực - Ảnh 1.

Nhưng liệu bạn có tin rằng, tiêu đề này thậm chí còn có thể thay đổi theo thời gian thực, không những thế thay đổi đúng theo số lượt xem mà video nhận được hay không? Mới đây Youtuber về khoa học và công nghệ Tom Scott đã đăng một video có thể làm được điều này. Mỗi khi ta nhấn vào video hoặc nhấn tải lại trang, tiêu đề sẽ lại được đổi đúng bằng (hoặc gần đúng) với số lượt xem đặt ở phía dưới. Nếu như không tin, bạn có thể kiểm chứng bằng cách nhấn vào đây.

Như trò ảo thuật: Youtuber này tìm được cách đổi tiêu đề video của mình thành số lượt xem theo thời gian thực - Ảnh 2.

Anh Scott đã sử dụng phương pháp gì để điều này có thể xảy ra? Liệu rằng anh ta đã 'hack' được Youtube? Hay anh đã thuê một ai đó ngồi 'canh' số view tăng lên và nhấn thay đổi tiêu đề cho phù hợp?

Rất may cho chúng ta rằng trong chính video này, anh đã giải thích rõ cách làm của mình. Theo đó, anh tạo ra một con bot tự động có khả năng đọc số lượt xem (gọi là Y) và số ở trên tiêu đề (gọi là X). Khi thấy có sự khác nhau giữa X và Y, bot sẽ nhấn nút chỉnh sửa (Edit video) để chỉnh lại cho đúng.

Như trò ảo thuật: Youtuber này tìm được cách đổi tiêu đề video của mình thành số lượt xem theo thời gian thực - Ảnh 3.

Cách hoạt động API đổi tiêu đề theo số lượt xem

Đây là một cách giải thích rất đơn giản và dễ hiểu của API (Application programming interface), một thành phần quan trọng của các website nhất là các dịch vụ như Facebook, Twitter hay Google Maps. Trong thời kỳ đầu của Internet, API được phát triển theo dạng 'mở', giúp cho bất cứ ai cũng có thể tạo ra các ứng dụng của riêng mình sử dụng dịch vụ và dữ liệu của những công ty lớn mà không cần sự cho phép của họ.

Qua thời gian, API càng được kiểm soát chặt chẽ hơn với 2 lý do chính: Bảo mẩt và tiền. Về tính bảo mật, nếu như API dạng mở giúp người dùng có thể lấy được một lượng lớn thông tin từ các website có nhiều người dùng, thì những thông tin này hoàn toàn có thể bị lộ ra ngoài, ví dụ điển hình là hàng loạt vụ lộ dữ liệu riêng tư của Facebook. Thứ 2, API được các hãng kiểm soát chặt chẽ hơn giúp họ có thể kiếm được lợi nhuận từ dịch vụ của mình, thay vì cho phép các nhà phát triển nhỏ sử dụng một cách miễn phí.