Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm mô hình   Trung tâm Giám sát, điều hành thành phố thông minh của Thừa Thiên Huế

Trước khi Thừa Thiên Huế gây được sự chú ý với dự án Trung tâm Giám sát, điều hành thành phố thông minh, tỉnh này chưa có những dấu ấn nổi bật về ứng dụng CNTT trong quản lý. Đó cũng là lý do người đứng đầu UBND tỉnh  - ông Phan Ngọc Thọ, rất tâm huyết với dự án về thành phố thông minh và khao khát thực hiện. Thế nhưng, những rào cản về vốn đầu tư, rồi cách thức thực hiện sao cho phù hợp với bối cảnh Thừa Thiên Huế là một bài toán không dễ giải với lãnh đạo tỉnh.

Sau khi tiếp xúc với nhiều nhà cung cấp giải pháp thành phố thông minh trong và ngoài nước, cuối cùng Thừa Thiên Huế quyết định chọn Viettel. Thực tế, Viettel không phải là công ty có giải pháp toàn diện nhất và tốt nhất nhưng là đơn vị có phương án phù hợp nhất với Thừa Thiên Huế, có sự thấu hiểu về tình hình thực tế tại địa phương.

Và như nhận xét của ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế: “Mô hình của Viettel áp dụng cho Thừa Thiên Huế là mô hình đáp ứng được yêu cầu của một tỉnh địa phương có quy mô kinh tế không lớn, có đặc thù về lịch sử di sản văn hóa”. Việc am hiểu về địa phương cũng là nhân tố giúp nhà cung cấp giải pháp (Viettel) đẩy được nhanh quá trình thực hiện dự án.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm mô hình   Trung tâm Giám sát, điều hành thành phố thông minh của Thừa Thiên Huế

Anh Nguyễn Ngọc Ngà, Giám đốc Khách hàng doanh nghiệp (KHDN Viettel Thừa Thiên Huế - đơn vị cung cấp giải pháp, cũng chia sẻ: “Nếu lãnh đạo cấp cao của tỉnh không phải là người hiểu rõ ưu nhược điểm của những giải pháp do các nhà cung cấp khác nhau đề xuất thì Viettel khó có thể được chọn thực hiện dự án này. Ban đầu, giải pháp của Viettel sát với thực tế của Huế nhất nhưng sẽ khó cạnh tranh về thương hiệu cũng như phương án tổng thể hoàn chỉnh so với các công ty nước ngoài trong lĩnh vực này”.

Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh của Huế được Viettel và tỉnh phối hợp thực hiện chỉ trong có 90 ngày – một tốc độ kỷ lục cho một dự án về smartcity vốn đòi hỏi rất nhiều sự phối hợp, qua nhiều quy trình. Vậy làm thế nào để Viettel có thể đẩy nhanh tiến độ?

Vị giám đốc khách hàng doanh nghiệp vừa vào danh sách 1 trong 8 nhân viên xuất sắc nhất của Tập đoàn Viettel tại Viettel’s Star 2019 tiết lộ: “Nếu dự án làm kiểu áp đặt từ trên xuống sẽ khó vận hành nhanh. Chúng tôi phối hợp rất chặt chẽ với chuyên viên thực hiện trực tiếp ở các sở, ban ngành. Vì thế, các công việc được đẩy nhanh và xử lý dứt điểm trong thời gian rất ngắn. Thế nhưng, ban lãnh đạo của tỉnh vẫn thường xuyên chưa thật sự hài lòng”.

“Tôi còn nhớ thời điểm đó anh Sơn còn làm Phó Giám đốc Sở TT&TT (ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Sở TT&TT Thừa Thiên Huế hiện nay). Cứ 6 giờ sáng, thậm chí còn sớm hơn là anh ấy gọi điện hỏi tôi xem việc này đã xong chưa, việc kia xong chưa, còn vướng mắc gì, cần hỗ trợ gì để làm xong. Có hôm tôi sợ không dám nghe máy vì việc chưa xong…”, anh Ngà tiết lộ kỷ niệm nhớ đời về “những cú điện thoại lúc 6h sáng”.

Chưa hết, để đẩy thật nhanh tiến độ thực hiện và phát đi tín hiệu về sự quyết liệt trong thực hiện dự án Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh, ông Nguyễn Xuân Sơn tự bay ra Hà Nội gặp ban lãnh đạo Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel để trình bày về các ý tưởng mới cũng như quyết tâm của tỉnh trong việc thực hiện dự án.

“Dù gặp người Viettel ở địa phương suốt và phối hợp với các kỹ sư trên Tổng công ty suốt, nhưng anh ấy vẫn muốn trao đổi thêm nhiều hơn với các lãnh đạo của VTS (Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel) để yêu cầu hỗ trợ nhiều hơn cho tỉnh về dự án này”, anh Ngà tiết lộ.

Vị giám đốc KHDN này cũng bổ sung, thực tế, dự án Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh của Huế được thực hiện nhanh cũng bắt nguồn từ 2 nguyên nhân gốc không liên quan đến công nghệ. Thứ nhất, Thừa Thiên Huế có mô hình quản lý điều hành hệ thống tốt, chuẩn hoá các dịch vụ công và đây là nhân tố cốt lõi để có đô thị thông mình tốt. Thứ hai là Huế đặt ra bài toán đúng. Đó là: người dân cần gì, doanh nghiệp cần gì, chính quyền cần gì và yêu cầu cả 3 bài toán này phải phối hợp với nhau để có mô hình quản lý thống nhất.

“Chủ tịch UBND Phan Ngọc Thọ luôn nhắc chúng tôi khi xây dựng mô hình thì phải lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ của đô thị thông minh. Chỉ làm như vậy mới thực sự là smartcity”, anh Ngà tiết lộ và nói thêm: “Tỉnh tạo điều kiện nhưng cũng tạo sức ép lớn lắm, nên chúng tôi vừa có động lực lại vừa có thách thức để hoàn thành dự án trong một thời gian rất ngắn”.

Một nhân tố khiến cho dự án này có được kết quả thực tế nhanh chóng, theo anh Ngà, là việc lựa chọn lĩnh vực thực hiện. “Chúng tôi phối hợp với tỉnh để tính xem lĩnh vực nào tỉnh mạnh để thực hiện trước, có hiệu quả trước rõ rệt. Chứ đô thị thông minh thì có rất nhiều lĩnh vực, chọn nhầm cái mà tỉnh chưa mạnh để số hoá sẽ khó thành công”, anh Thái cho biết.

Trong khi đó, nhận xét về giải pháp của Viettel cho dự án này, ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND Thừa Thiên Huế nói: “Chúng tôi không thể mua một mô hình của nước ngoài trị giá nhiều tỷ đồng nhưng rồi không dùng được. Mô hình của Viettel áp dụng cho Thừa Thiên Huế cho thấy, không cần phải là một đô thị với quy mô kinh tế quá lớn, không cần phải là một dự án quá đồ sộ, chỉ với khả năng tài chính vừa phải như Thừa Thiên Huế thì vẫn có thể xây dựng smartcity hiệu quả trong vận hành cũng như phục vụ người dân”.

Tại Telecom Asia Awards 2019, dự án Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh của Thừa Thiên Huế đã xuất sắc vượt qua dự ánh thành phố thông minh của SK Telecom, Alibaba Cloud và Bharti Infratel Limited, chiến thắng tại hạng mục “Dự án Thành phố thông minh sáng tạo nhất châu Á”. Nhận xét ngắn gọn về hợp tác giữa 2 bên trong việc thực hiện dự án đoạt giải thưởng lớn của châu Á, ông Thọ nói: “Thừa Thiên Huế cung cấp mô hình quản lý tốt, Viettel hỗ trợ một giải pháp kỹ thuật tốt. Chính cái này đã tạo nên giải thưởng sáng tạo châu Á”.