{keywords}
 

Trao đổi với CNBC, 6 người cho biết đã từ chối phỏng vấn, lời mời làm việc hoặc rời TikTok ngay khi biết đến văn hóa 996 của công ty, dù là qua đánh giá trên mạng hay trải nghiệm trực tiếp.

Văn hóa 996 rất nổi tiếng với doanh nghiệp Trung Quốc. Nó xuất phát từ yêu cầu làm việc bắt đầu lúc 9h sáng tới 9h tối, 6 ngày/tuần, tương đương 72 giờ/tuần. Trong khi đó, số giờ làm việc tại Anh và Mỹ vào khoảng 40 giờ/tuần. Tại Anh, làm việc trung bình vượt 48 giờ/tuần bị xem là phạm pháp.

“Tôi dừng thảo luận ngay lập tức”

Một nhân viên được mời làm truyền thông cho TikTok cho biết văn hóa 996 thực sự là một lo ngại. Khi nghiên cứu về TikTok trên trang tuyển dụng Glassdoor, sẽ thấy nhược điểm phổ biến nhất là không cân bằng được công việc – cuộc sống cũng như giờ làm việc điên cuồng. Người này đã “dừng thảo luận ngay lập tức khi biết họ không mấy linh hoạt về địa điểm và chính sách làm việc”.

Sau đó vài tuần, người này tiếp tục được mời đảm nhận vai trò tương tự tại ByteDance, công ty mẹ TikTok nhưng từ chối.

Một nhà nghiên cứu trí tuệ nhân tạo cao cấp khác tiết lộ không nhận lời mời của TikTok ngay cả khi nhà tuyển dụng thông báo mức lương hơn 100.000 bảng Anh/năm (3,25 tỷ đồng/năm), chưa kể thưởng. Chuyên gia cũng lên Glassdoor để tìm kiếm đánh giá về TikTok. Với người này, cân bằng giữa công - tư là điều vô cùng quan trọng. Tất nhiên, đánh giá trên mạng không phải yếu tố duy nhất để từ chối về với TikTok.

Dù Glassdoor được công nhận là nền tảng hữu ích khi muốn tìm kiếm về văn hóa nội bộ của công ty nào đó, nó không hoàn hảo và các bài đánh giá cũng chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi người có thể đăng nhiều bài đánh giá khác nhau. Tuy nhiên, 4 cựu nhân viên TikTok nói với CNBC rằng họ thực sự có trải nghiệm tiêu cực tại đây.

Một cựu nhân viên cho biết TikTok là công sở “độc hại” nhất mình từng nếm qua. “Mọi người ở đó hoàn toàn khổ sở và cuộc sống quá ngắn ngủi. Trong năm đầu tiên trước khi dịch bệnh quét qua, tôi đếm được chỉ có 4 hay 5 dịp cuối tuần là không phải làm việc… Tôi biết TikTok đang gặp khó với việc tuyển dụng nhưng cuối cùng họ cũng không quan tâm. Con người với họ chỉ là những con số”.

Một cựu nhân viên khác chia sẻ trung bình phải làm việc 15 tiếng/ngày tại TikTok. “Với họ, đó là điều bình thường. Mọi người phàn nàn nhưng vẫn chấp nhận, có lẽ vì lương lậu tốt”. Người này cũng không thích văn hóa rất không minh bạch của công ty vì không nhận được câu trả lời khi đặt câu hỏi về nơi mình đang làm việc.

“Tránh xa, tránh xa, tránh xa”

Hai cựu nhân viên khác của TikTok đồng tình với quan điểm trên. Một người thậm chí còn gửi cho CNBC bài đánh giá về công ty trên Glassdoor với tiêu đề: “Tránh xa, tránh xa, tránh xa”. Trong bài đánh giá 1 sao, có 10 nguyên nhân được liệt kê vì sao mọi người nên từ chối gia nhập TikTok và tìm công ty khác. Người này chỉ trích từ “không cân bằng cuộc sống công - tư” đến “các nhóm độc hại” và “quản lý kinh khủng”.

TikTok đang mở rộng quy mô nhân sự trên toàn cầu để giải quyết áp lực khi trở nên quá phổ biến. Công ty tìm kiếm quản trị nội dung, nhân viên kỹ thuật hay chính sách. Để cải thiện môi trường làm việc, TikTok tuyển dụng Michal Osman từ Facebook về làm Giám đốc văn hóa châu Âu vào tháng 1. Dù vậy, trước bà đã có vô số người ra đi.

Hiện tại, nhân viên TikTok tại châu Âu là hơn 3.000 người, tăng từ 1.600 người hồi tháng 9/2020. Nhiều người từng làm tại Facebook và Google.

Một nhân viên TikTok cho biết không phải trải qua văn hóa 996 tại công ty. Ngoài ra, họ có các quy định như cấm họp vào giờ ăn trưa thứ Tư hoặc không họp vào chiều thứ Sáu.

Theo người phát ngôn TikTok, như bất kỳ startup phát triển nào khác, các nhân viên đều nỗ lực làm việc và đôi khi phải làm thêm giờ khi khẩn cấp. Song TikTok không có chính sách 996.

Tại Anh, công ty tư vấn Great Place to Work xếp TikTok là nơi làm việc tốt thứ 30 dựa theo trải nghiệm nhân viên và phản hồi ẩn danh.

Du Lam (Theo CNBC)

Cựu tướng Xiaomi làm CEO TikTok

Cựu tướng Xiaomi làm CEO TikTok

Giám đốc Tài chính ByteDance Chew Shou Zi vừa được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc TikTok, lấp đầy chỗ trống mà Kevin Mayer bỏ lại từ năm ngoái.