Tuần trước, VIMO và mPOS tuyên bố sáp nhập và đổi tên thương hiệu thành NextPay. Công ty mới sở hữu 1,5 triệu người dùng ví điện tử và hơn 35.000 điểm chấp nhận giao dịch tại 45 thành phố, ước tính xử lý 1,5 tỷ USD giao dịch năm 2019. Đây là thị phần không nhỏ khi tổng giá trị giao dịch điện tử tại Việt Nam ước đạt 8,5 tỷ USD năm nay, theo Statista.

Dù quyết định được dự đoán từ lâu, động thái báo hiệu điểm sáng mới trên thị trường fintech (công nghệ tài chính) đông đúc. Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến tháng 2/2019, có 29 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không phải là ngân hàng được cấp phép. Trong đó, khoảng 20 tổ chức cung cấp dịch vụ ví điện tử. Hơn 40 ngân hàng cũng cung cấp dịch vụ thanh toán di động.

Marc Einstein, Giám đốc phân tích tại công ty tư vấn và nghiên cứu CNTT ITR, nhận xét các doanh nghiệp Đông Nam Á đang muốn nương theo làn sóng được tạo ra từ thành công của các gã khổng lồ thanh toán điện tử Trung Quốc như AliPay và WeChat Pay. Theo ông, cuộc đua này chỉ có số ít người chơi thành công tại một nước như Việt Nam. “Đó sẽ là cuộc tắm máu. Người chiến thắng chỉ có một, hoặc cùng lắm là hai”.

Nhà sáng lập VIMO và mPOS Nguyễn Hòa Bình – người sẽ là Chủ tịch NextPay – tin rằng công ty mới sẽ thành công. Ông cho biết công ty đang hoàn tất vòng gọi vốn serie B trị giá 30 triệu USD và đặt mục tiêu phát triển tại sân nhà, mở rộng quốc tế. NextPay lên kế hoạch xâm nhập Indonesia và Myanmar năm 2020. Đồng thời, họ còn hợp tác với startup Vaymuon để bắt đầu thử nghiệm dịch vụ cho vay vào năm nay.

Ông Nguyễn Hòa Bình nói NextPay sẽ đạt lợi nhuận “hàng triệu USD” năm 2019 nhưng từ chối cung cấp thêm thông tin.

Trả lời Nikkei, ông cho rằng đây là thời điểm tốt để sáp nhập, huy động vốn lớn hơn để thống trị thị trường Việt Nam trong 3 năm kế tiếp cũng như tiến vào các thị trường chưa được khai phá tại Nam Á.

Ông cũng tin rằng ngành công nghiệp sắp đón nhận cuộc xáo trộn lớn. Ông dự báo trong 2 tới 3 năm nữa, tối đa 70% công ty thanh toán fintech tại Việt Nam sẽ bị loại khỏi thị trường.

Huy Pham, giảng viên RMIT Việt Nam, nói vụ sáp nhập sẽ đem lại lợi thế cho NextPay khi mPOS đã có mạng lưới bán hàng rộng lớn. “Rõ ràng NextPay có lợi thế cạnh tranh so với những đối thủ lớn như Momo, Moca by Grab, Viettel Pay hay Zalo Pay”.

Các chuyên gia cho rằng công ty thanh toán điện tử cần tập trung vào gọi vốn, sắp xếp cơ sở dữ liệu khách hàng, tăng cường mạng lưới bán hàng, mở rộng hệ sinh thái điện tử để sống sót. “Chẳng hạn, ZaloPay xuất phát từ một mạng xã hội có hàng triệu người sử dụng hàng ngày ở Việt Nam. Nó sẽ là cuộc chơi của những người giầu”, ông Phạm đưa ra ví dụ.

Đầu năm 2019, MoMo được đầu tư 100 triệu USD từ Warburg Pincus (Mỹ). ZaloPay có VNG, startup tỷ đô đầu tiên của Việt Nam, đứng sau. Grab ký thỏa thuận chiến lược để cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử với Moca từ năm 2018. AirPay lại được công ty Internet Sea (Singapore) chống lưng.

Cạnh tranh trở nên mạnh mẽ hơn trong bối cảnh chính phủ khuyến khích sử dụng thanh toán điện tử. Khảo sát của World Bank chỉ ra lượng giao dịch phi tiền mặt ở Việt Nam là 4,9/đầu người, thấp hơn nhiều so với Thái Lan (59,7), Malaysia (89) và Trung Quốc (26,1).

Hiện tại, ví điện tử phải liên kết với tài khoản ngân hàng, khiến cho ngân hàng – cũng đang thúc đẩy các sản phẩm thanh toán điện tử - trở thành một phần quan trọng của thị trường.

Theo ông Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, giao thoa giữa các công ty fintech và ngân hàng tạo động lực cho cạnh tranh và hợp tác, cộng tác. Ông đánh giá Việt Nam vẫn còn nhiều không gian để phát triển xã hội thanh toán phi tiền mặt.

Số liệu gần đây cho thấy chỉ 59% người trưởng thành Việt Nam có tài khoản ngân hàng. Để nâng cao độ phủ, chính phủ “bật đèn xanh” cho các nhà mạng thử nghiệm dịch vụ thanh toán điện tử. Động thái có thể giúp thúc đẩy thanh toán điện tử tại nông thôn nhưng cũng làm cho cạnh tranh trở nên khốc liệt hơn. Các hãng viễn thông với cơ sở hạ tầng rộng lớn có thể là người thay đổi cuộc chơi cho thị trường fintech.