Nhận định trên vừa được Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC), Cục An toàn thông tin đưa ra ngày 30/5, trên cơ sở theo dõi thống kê trên hệ thống tiếp nhận, phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác qua đầu số 5656 thời gian gần đây.

Phản ánh từ nhiều người dân qua hệ thống tiếp nhận, phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác do VNCERT/CC vận hành cho thấy, đối tượng gửi các tin nhắn tuyển cộng tác viên qua iMessage, Facebook, Zalo… với mức thù lao hấp dẫn cho người dùng.

{keywords}
Nhiều người dân đã nhận được tin nhắn nhắn mạo danh sàn thương mại điện tử tuyển cộng tác viên.

Ngay khi cộng tác viên có nhu cầu phản hồi, đối tượng sẽ gửi đường link giả mạo các sàn thương mại điện tử như Lazada, Shopee, Tiki, Sendo… để mời chào thực hiện nhiệm vụ. Đối tượng hướng dẫn cộng tác viên thực hiện đặt mua hàng online để tăng tương tác cho các gian hàng, yêu cầu cộng tác viên phải có tài khoản ngân hàng để thanh toán đơn hàng trước rồi sẽ được nhận lại tiền gốc cộng thêm chiết khấu hoa hồng.  

Ban đầu là những nhiệm vụ có giá trị nhỏ chỉ vài trăm nghìn, cộng tác viên sẽ được hoàn tiền hàng và hoa hồng về tài khoản ngân hàng. Cộng tác viên được yêu cầu thực hiện các bước như: xác thực đơn hàng, chuyển tiền vào tài khoản công ty.

Đến lúc cộng tác viên đã cảm thấy hấp dẫn, dễ kiếm tiền, đối tượng lừa đảo sẽ mời chào họ làm nhiệm vụ với những đơn hàng có giá trị cao, khoảng vài chục triệu đồng. Sau khi thực hiện 1 giao dịch, cộng tác viên sẽ được thông báo phải thực hiện từ 2 đến 3 giao dịch mới được hoàn lại tiền, lúc đó nạn nhân không còn khả năng chuyển tiền nữa, mới nhận ra mình bị lừa đảo.

“Một số cộng tác viên khác khi thực hiện theo đủ các giao dịch thì bị thông báo hệ thống đang bảo trì, tiếp theo bị chặn đầu mối liên hệ và bị chiếm đoạt tài sản”, VNCERT/CC thông tin thêm.

Trước đó, vào trung tuần tháng 4 và đầu tháng 5, Trung tâm VNCERT/CC đã có cảnh báo về hiện tượng các đối tượng giả mạo Công ty TikTok, sàn thương mại điện tử Tiki nhắn tin tuyển nhân viên để đến nhiều người dân với mục đích lừa đảo. Theo nhận xét của chuyên gia VNCERT/CC, với những ai vốn đề cao cảnh giác thì tin nhắn trên chỉ khiến họ cảm thấy phiền phức. Tuy nhiên, với những người dễ tin, các dòng tin nhắn spam này lại khiến họ dễ bị dụ dỗ tham gia vào đường dây đa cấp có quy mô lớn. Với lời hứa hẹn công việc đơn giản, làm tại nhà và lương cao, không ít người đã bị "sập bẫy" lừa đảo.

Để tránh không bị lừa đảo dẫn đến mất mát tài sản, các chuyên gia Trung tâm VNCERT/CC khuyến nghị, người dân cần nâng cao cảnh giác đối với hành vi tuyển dụng cộng tác viên qua mạng; thường xuyên cập nhật các thông tin mới nhất về hình thức lừa đảo mạo danh trên các phương tiện truyền thông và cổng thông tin điện tử Chongthurac.vn.

Khi nhận được thông tin quảng cáo từ các lời chào mời với mức thu nhập hấp dẫn, người dân nên tìm hiểu kỹ thông tin của các doanh nghiệp qua kênh thông tin chính thống để được kiểm chứng.

Trường hợp nhận được tin nhắn, cuộc gọi, thư điện tử có dấu hiệu lừa đảo, người dân nên phản ánh ngay với Cục An toàn thông tin (Trung tâm VNCERT/CC) qua đầu số tin nhắn 5656, qua website chongthurac.vn hoặc báo cơ quan công an nơi gần nhất để được hỗ trợ.

Vân Anh

Cục An toàn thông tin: Tấn công mạng lừa đảo tiếp tục phổ biến trong năm nay

Cục An toàn thông tin: Tấn công mạng lừa đảo tiếp tục phổ biến trong năm nay

Theo đại diện Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT, một trong những xu hướng tấn công mạng chính mà Việt Nam phải đối mặt thời gian tới là tấn công lừa đảo, bên cạnh tấn công có chủ đích và tấn công vào Cloud (đám mây), thiết bị IoT.