Trong buổi gặp giữa HMD Global Việt Nam và đại diện một số kênh truyền thông hồi đầu tháng 4, một số vấn đề của điện thoại Nokia đã được đem ra mổ xẻ. Theo các ý kiến, smartphone Nokia có thiết kế khá đơn giản so với đối thủ, cách đặt tên sản phẩm khó nhớ, giao diện thuần Android không thu hút.

Ngược lại, một số phóng viên đánh giá giao diện Android gốc khiến máy chạy mượt mà hơn, thiết kế đơn giản nên phù hợp với trẻ nhỏ và người lớn tuổi.

{keywords}
HMD Global đã thay đổi tên gọi cho 6 sản phẩm vừa ra mắt. (Ảnh: HMD)

Ngay sau buổi trao đổi này, HMD Global tung ra 6 mẫu smartphone trên toàn cầu, với cách đặt tên khác hẳn trước đây. Các máy gồm X20, X10; G20, G10; C20, C10. Trong đó, các máy X-series cao cấp nhất, G thuộc tầm trung, còn C là smartphone phổ thông. 

Dòng C nhắm đến người dùng mới chuyển từ điện thoại phổ thông lên smartphone, với trải nghiệm cơ bản và mức giá tốt. Trong khi đó, G series được cập nhật bảo mật hàng tháng, thời lượng pin lên đến 3 ngày, cao nhất từ trước đến nay của Nokia

X series là dòng cao cấp nhất của Nokia đi kèm bộ xử lý 5G, cập nhật Android phiên bản mới liên tục trong vòng 3 năm. Camera với ống kính Zeiss là ưu điểm nổi bật của dòng Nokia X.

“Thay đổi này mang lại sự mới mẻ đối với người dùng đã quá quen thuộc với tên gọi không có gì nổi bật và khó nhớ như các dòng Nokia cũ. Với cách đặt tên này, người dùng có thể nắm rõ được từng phân khúc sản phẩm theo tên máy”, đại diện chuỗi CellphoneS chia sẻ với ICTnews.

Trước sự kiện giới thiệu 6 điện thoại Nokia mới ngày 8/4, ông Juho Sarvikas - Giám đốc sản phẩm và một thành viên sáng lập HMD Global - tuyên bố rời khỏi không ty. Sự ra đi của người phụ trách thiết kế, kỹ thuật và tiếp thị của HMD Global chưa biết có tạo thay đổi trong thiết kế sản phẩm về sau hay không, tuy nhiên dường như triết lý bảo mật, bền bỉ của smartphone Nokia sẽ còn giữ trong thời gian dài.

Tại thời điểm ra mắt 6 mẫu smartphone, ông Stephen Taylor, Giám đốc tiếp thị HMD Global, nhấn mạnh vào các yếu tố tin cậy của người dùng, bảo mật sản phẩm, độ bền, và khả năng nâng cấp hệ điều hành của điện thoại Nokia.

Công ty cũng dẫn một nghiên cứu cho thấy 69% người dùng toàn cầu cho rằng, smartphone ngày càng đắt đỏ, 81% người dùng muốn điện thoại bền hơn. Do đó, điện thoại Nokia ra đời đáp ứng những đòi hỏi của số đông.

Một báo cáo năm 2020 của Counterpoint Research xếp hạng điện thoại Nokia đứng đầu trong các smartphone Android về mức độ tin cậy, xét trên 4 yếu tố phần mềm, cập nhật bảo mật, chất lượng vật liệu, và sản phẩm phù hợp doanh nghiệp. Đây là lần thứ hai liên tiếp điện thoại của HMD Global đứng đầu danh sách này.

Nói với ICTnews, ông Nguyễn Thế Kha, Giám đốc ngành hàng viễn thông di động FPT Shop, nhận định thương hiệu Nokia đã được định vị nhiều năm nhờ sự bền bỉ, thân thiện. Điện thoại mang thương hiệu này cũng được ưa chuộng ở phân khúc cấp thấp.

Luôn nhấn mạnh là một hãng điện thoại có xuất phát từ Phần Lan, điện thoại Nokia có sự đơn giản, thực dụng - có vẻ phù hợp với thị hiếu châu Âu và các thị trường phát triển khác.

Tuy nhiên tại Việt Nam, trong buổi gặp nói trên, một số phóng viên cho rằng, HMD Global nên bổ sung thêm dải sản phẩm có thiết kế theo xu hướng, phù hợp giới trẻ hơn.

Hiện nay, đại diện FPT Shop cho rằng, Nokia mới chỉ hiện diện mạnh ở phân khúc bình dân, không còn ở phân khúc cao như trước, sản phẩm cũng chưa đa dạng.

Tính đến thời điểm hiện tại, trên website bán hàng một số chuỗi lớn, chỉ có 3-4 mẫu smartphone Nokia được bày bán với giá dưới 4 triệu đồng, còn lại là các điện thoại cơ bản. 

Thống kê của một chuỗi bán lẻ cho biết, doanh thu điện thoại Nokia đang chiếm dưới 5% trên doanh thu toàn hệ thống.

Hải Đăng

Vì sao Nokia từ bỏ smartphone cao cấp?

Vì sao Nokia từ bỏ smartphone cao cấp?

Trong khi các hãng smartphone vẫn đều đặn ra mắt những mẫu đầu bảng, Nokia dường như đã bỏ quên thói quen đó.