Nokia đang thương lượng để mua lại đối thủ Alcatel-Lucent, BBC cho hay. Nếu thành công, thương vụ này sẽ tạo nên một tập đoàn sản xuất thiết bị viễn thông trị giá hơn 40 tỷ Euro.

{keywords}

Tuy nhiên, trong thông báo chung, cả Nokia lẫn Alcatel-Lucent đều khẳng định "chưa thể chắc chắn" rằng việc thương lượng sẽ dẫn đến một thỏa thuận vào phút cuối. Dù vậy, ý tưởng hợp sức hai đối thủ yếu thế của thị trường thiết bị viễn thông khá là hợp lý, nếu không muốn nói là hấp dẫn.

Chiều hôm qua, Giám đốc điều hành Rajeev Suri của Nokia và Michel Combes của Alcatel-Lucent đã có cuộc họp ngắn với Tổng thống Pháp Hollande nhưng cả ba bên đều từ chối đưa ra lời bình luận về mục đích cũng như nội dung cuộc họp.

Bộ trưởng Bộ Kinh tế Pháp Emamanuel Macron có bình luận sau đó rằng thỏa thuận giữa hai hãng - nếu có - sẽ giúp ích cho Alcatel-Lucent và cho phép tạo ra một thế lực đáng gờm tại thị trường châu Âu, với điều kiện không có "sự sa thải nhân sự nào" tại Pháp.

Tuy vậy, nhiều nhà đầu tư tỏ ra hoài nghi về triển vọng của sự hợp lực này. "Họ là hai đấu thủ yếu trên thị trường. Không có gì đảm bảo là một đối thủ yếu + một đối thủ yếu sẽ tạo ra một đối thủ mạnh hơn cả", chuyên gia Ion-Marc Valahu của quỹ đầu tư Clairinvest bình luận. Trong khi đó, nhà phân tích Timo Seppala của Đại học Aalto (Phần Lan) cho rằng, kế hoạch thâu tóm cho thấy Nokia đang ôm mộng trở thành một thế lực mới trên thị trường thiết bị viễn thông. "Họ muốn gia nhập nhóm tam Đại gia, cùng với Huawei và Ericsson".

Giá cổ phiếu Alcatel ngay lập tức đã tăng tới 16% trong phiên giao dịch hôm qua, ngược lại, cổ phiếu Nokia lại giảm 3,6% tại Phần Lan. Hiện tại, Nokia đang có giá trị vốn hóa gần 28 tỷ Euro - cao hơn gấp đôi so với Alcatel, vốn có vốn hóa 12,6 tỷ Euro.

Một điều đáng nói là thương vụ này diễn ra đúng một năm sau khi Nokia hoàn tất thỏa thuận bán lại mảng thiết bị cho Microsoft. Khi đó, rất nhiều người đã nghĩ đây là một kết cục buồn cho Nokia - hãng mà chỉ mới vài năm trước vẫn còn là một gã khổng lồ di động, dẫn đầu ở rất nhiều thị trường.

Tuy vậy, Nokia đã có nhiều bước đi khá bất ngờ như cắt giảm chi phí, sản xuất các thiết bị mới (máy tính bảng Android nhắm đến thị trường Trung Quốc). Một sự sáp nhập cùng Alcatel-Lucent có thể chưa mang lại kết quả hiển nhiên trước mắt, nhưng cùng với nhau, hai hãng hy vọng sẽ có thể cạnh tranh được ngang bằng với Ericsson và nhất là Huawei. Những màn tái xuất ấn tượng khá hiếm hoi trong làng công nghệ, song giới đầu tư vẫn hy vọng Nokia có thể làm nên chuyện lần này.

T.Cầm