{keywords}
Các doanh nghiệp công nghệ nhảy vào lĩnh vực nông nghiệp như VNPT, FPT đều khẳng định phải giải bài toán “dồn điền đổi thửa” tạo ra các cánh đồng mẫu lớn mới có thể làm nông nghiệp thông minh.

Trước đây, nhiều doanh nghiệp công nghệ của Việt Nam cũng đã nhảy vào lĩnh vực nông nghiệp thông minh. Bốn năm trước FPT đã hợp tác với đối tác Hitachi của Nhật để trồng cà chua và xà lách ở Gia Lâm. Tuy nhiên, sau đó mô hình này không được nhân rộng. Chia sẻ với ICTnews, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch tập đoàn FPT, chia sẻ rằng, để làm được nông nghiệp thông minh cần phải thực hiện chính sách “dồn điền đổi thửa” để tạo ra các cánh đồng mẫu lớn. Nếu ruộng đất quá manh mún sẽ rất khó triển khai nông nghiệp thông minh.

Chia sẻ về vấn đề gặp phải khi nhảy vào lĩnh vực nông nghiệp thông minh, Chủ tịch VNPT Phạm Đức Long cho biết, ban đầu VNPT định triển khai mô hình nông nghiệp thông minh tại Hà Nam. Thế nhưng, khi triển khai thực tế thì quy mô cánh đồng ở đây quá nhỏ. VNPT chọn mô hình làm nông nghiệp thông minh theo kiểu của đối tác Nhật. VNPT sẽ dùng drone (máy bay không người lái loại nhỏ) bay trên các cánh đồng lớn chụp ảnh và chuyển về máy chủ phân tích hình ảnh bằng trí tuệ nhân tạo để tự động phát hiện ra những điểm bị sâu bệnh. Sau đó chính chiếc drone này sẽ làm nhiệm vụ phun thuốc trừ sâu đúng vào chỗ cây trồng bị sâu bệnh. Với cách này có thể tiết kiệm đến 99% thuốc trừ sâu. Khi thu hoạch thì phần ruộng đã bị phun thuốc trừ sâu sẽ được đánh dấu và bỏ ra, vì vậy sẽ có sản phẩm nông nghiệp sạch 100% không có thuốc trừ sâu. Drone còn chụp ảnh và chuyển về phân tích dữ liệu hóa đất đai và chăm sóc cây trồng, dự đoán sự phát triển của cây trồng.

Với dữ liệu này, người nông dân có thể tính toán đến khả năng thu hoạch cây trồng của mình. Nhưng với quy mô rộng đất ở Hà Nam không đủ cho Drone bay 1 vòng để lấy dữ liệu. Vì vậy, VNPT phải tiếp tục chọn các tỉnh khác rồi quyết định sẽ thí điểm mô hình nông nghiệp thông minh tại An Giang vì ở đây có các cánh đồng mẫu lớn. Vì vậy, để làm được nông nghiệp thông minh bắt buộc phải thực hiện chính sách “dồn điền đổi thửa” để tạo ra các cánh đồng mẫu lớn để có thể công nghiệp hóa nông nghiệp.

Vẫn theo Chủ tịch VNPT, hiện nhiều doanh nghiệp đã triển khai nông nghiệp thông minh, nhưng chủ yếu họ làm theo kiểu nhà mành, nhà kính. Mô hình này chỉ phù hợp cho một nhóm nhỏ có điều kiện kinh tế vì chi phí đầu tư như vậy rất lớn, tới vài tỷ đồng cho nhà kính, không phù hợp với đại đa số gia đình nông thôn Việt Nam với điều kiện đầu tư còn hạn chế. Vì vậy, VNPT đã chọn mô hình nông nghiệp thông minh của Nhật làm thí điểm sau đó nhân rộng ra.

Bình luận về cách làm nông nghiệp thông minh, ông Trần Quang Cường, CEO của Nextfarm – 1 công ty chuyên về giải pháp cho nông nghiệp thông minh cũng nhận định, Chính phủ đã có chủ trương “dồn điền đổi thửa” để quy hoạch đồng ruộng, xây dựng đường nội đồng, kiên cố hóa kênh mương, dồn điền thành những cánh đồng mẫu lớn, nhằm hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp. Thế nhưng, khi Nextfarm triển khai giải pháp nông nghiệp thông minh cho các hộ nông dân thì nhận thấy ruộng đất của họ rất manh mún, đặc biệt khu vực miền Bắc. Nếu ruộng đất quá manh mún sẽ khó có thể công nghiệp hóa nông nghiệp nên ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư vào nông nghiệp.

“Những địa phương như Ninh Thuận, Bình Thuận, hay các tỉnh miền Tây Nam Bộ là những nơi vẫn còn những cánh đồng mẫu lớn có thể triển khai. Nông nghiệp thông minh chỉ có thể triển khai được trên các cánh đồng có diện tích từ vài ha đến vài chục ha chứ không thể tính theo sào được. Vì vậy, tích tụ ruộng đất là câu chuyện sớm muộn cũng phải làm để công nghiệp hóa nông nghiệp”, ông Trần Quang Cường nói.

 Thái Khang 

“Làm nông nghiệp thông minh không thể thiếu bản đồ số nông nghiệp”

“Làm nông nghiệp thông minh không thể thiếu bản đồ số nông nghiệp”

Chủ tịch VNPT Phạm Đức Long cho biết, bản đồ số nông nghiệp là công cụ giúp cho bà con nông dân và doanh nghiệp biết được điều kiện thổ nhưỡng, khi hậu... để quy hoạch cho nông nghiệp.