Bê bối tủi hổ

Sau nhiều ngày xét xử, đại án “chuyến bay giải cứu” đang dần đi đến hồi kết trong sự theo dõi chặt chẽ của dư luận không chỉ ở trong nước.

Ngày 28/7, theo dự kiến, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội sẽ tuyên án với 54 bị cáo về 5 nhóm tội: Đưa hối lộ, Môi giới hối lộ, Nhận hối hộ, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.  

Vụ án ‘chuyến bay giải cứu” có thể trở thành một trong những vụ bê bối tủi hổ nhất liên quan đến hệ thống công quyền ở nước ta tính từ khi đổi mới đất nước trở lại đây.

Số bị cáo chưa hẳn đã đông nhất, người dân cả nước cũng có thể không ngạc nhiên với những hành vi “nhũng nhiễu vòi quà”, nhưng dư luận xã hội đã tỏ ra phẫn nộ hơn khi vỡ lở tình huống khó khăn, gian nan do dịch bệnh gây ra lại được tận dụng tối đa để mưu lợi vị kỷ bởi một bộ phận cán bộ Nhà nước.

Các bị cáo tại tòa. Ảnh: CTV

Đại án “chuyến bay giải cứu” có thể sẽ mãi trở thành “nỗi xấu hổ công quyền” bởi những cán bộ tha hóa đã lạnh lùng vụ lợi mà bất chấp những giới hạn đạo đức làm người.

Coi nhẹ nghĩa đồng bào, họ đã lợi dụng chủ trương đúng đắn của Đảng và chính sách nhân đạo của Nhà nước để ngang nhiên bòn rút những đồng tiền của những người đang bị mắc kẹt ở nước ngoài.

Trong số những người đang trông ngóng sự hỗ trợ để có thể hồi hương an toàn, có những người thuộc diện đặc biệt khó khăn, rất có thể đã phải sử dụng đến những đồng tiền cuối cùng, được chắt bóp trong thời gian dài, thậm chí phải vay mượn và mang nợ vào thân.

Những người gây ra vụ án còn cho thấy liêm sỉ ở mức cạn kiệt khi họ đứng trước vành móng ngựa với những lời tự bào chữa ngây ngô, không những không được hội đồng xét xử chấp nhận hay dư luận đồng cảm, mà còn có thể trở thành lời giễu cợt trong dân gian.

Họ lý giải rằng họ nhận hàng tỷ đồng như một sự vô thức, đơn giản là đáp lại lời cảm ơn của doanh nghiệp. Họ vi phạm là bởi doanh nghiệp đưa cho họ chứ họ không vòi vĩnh. Có bị cáo còn chối tội bằng chiếc “vali đựng rượu, chứ không phải tiền”.

Thế nhưng, thử hỏi những người đang theo dõi vụ án xem, liệu có ai tin họ. Các bị cáo đã không dám đối diện với sự thật, không dám nhận cái sai, cái xấu mà mình đã can dự. Không ai trong số họ dám thú nhận rằng họ đã tham lam vô lối, thậm chí có phần tàn ác với chính đồng bào của mình khi tìm cách hưởng lợi thông qua sự trả giá bằng sự thiệt hại của người khác.

Quyền lực bị đánh cắp

Nhu cầu về nước của những công dân bị mắc kẹt ở nước ngoài bởi đại dịch hình thành “lợi ích công” – tức là lợi ích của một tập hợp người mà tự bản thân họ không giải quyết được theo những cách thức thông thường. Trong tình huống bất thường, lợi ích công đó cần sự can thiệp của chủ thể mang tính đại diện, tức là Nhà nước, thông qua các cơ quan công quyền.

Theo logic hoạt động của khu vực công, trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước là cần phải nỗ lực xử lý các thủ tục hành chính nhanh nhất, lựa chọn đơn vị sự nghiệp hoặc doanh nghiệp với năng lực tốt nhất để có thể đưa công dân về nước sớm nhất, an toàn nhất, và với chi phí thấp nhất có thể.

Làm được như vậy, cán bộ các cơ quan Nhà nước đã thực hiện sứ mệnh chính trị ở mức độ trách nhiệm cao nhất đối với công dân trong một phạm vi lãnh thổ quốc gia, những người đã tin tưởng trao quyền cho họ trong tư cách đại diện cho các chủ thể công quyền.

Vậy nhưng, một bộ phận cán bộ đã tiêu cực từ trong suy nghĩ đến hành động. Họ nhìn ra một cơ hội kiếm lợi, được tạo nên bởi sự bức bách từ nhu cầu về nước của công dân bị mắc kẹt nơi xứ người cùng ham muốn lợi nhuận từ các doanh nghiệp.

Tình huống bất thường khiến người dân và doanh nghiệp càng vội, càng bức bách thì thẩm quyền cấp phép càng có giá. Mỗi chữ ký và con dấu vào giấy cấp phép vận chuyển và cách ly hành khách trở về từ nước ngoài bỗng trở thành một thứ tài sản có giá trị trao đổi tăng cao đột biến.

Hình ảnh một "chuyến bay giải cứu"

“Không đưa tiền thì không được cấp phép” là mẫu số chung trong nhiều lời khai của lãnh đạo các doanh nghiệp đã thực hiện hành vi hối lộ. Xét đến cùng, ham muốn lợi nhuận chính là động cơ căn bản thúc đẩy hoạt động của các doanh nghiệp. Dù có thể họ không muốn nhưng nếu bị đẩy vào tình huống buộc phải chi tiền cho cán bộ mà vẫn có lãi thì lãnh đạo doanh nghiệp vẫn sẽ làm.

Đó là logic của hành vi kinh doanh cho nên chúng ta cũng rất khó trách họ. Nói cách khác, hành vi đáng phê phán của lãnh đạo doanh nghiệp về bản chất cũng là một dạng đầu tư nhằm tìm kiếm lợi nhuận.

Đáng trách hơn cả là những cán bộ công quyền đã nhân cơ hội bất thường để mưu lợi cho bản thân hoặc nhóm. Họ hiện nguyên hình là những cá nhân ích kỷ, núp danh cơ quan công quyền để tìm kiếm lợi ích thiển cận. Những cán bộ phải ra trước tòa án hôm nay đã hành động trước hết là vì lợi ích của chính bản thân họ, hay của những ai khác mà người dân chưa thể biết, chứ không phải vì lợi ích công như lẽ ra họ phải luôn ý thức phục vụ.

Nói cách khác, những cán bộ vi phạm đã đánh cắp quyền lực công để kinh doanh giấy phép, gây thiệt hại cho người dân chứ không phải phụng sự nhân dân như nhân dân kỳ vọng.

Giáo dục hướng tới giá trị và chuẩn mực xã hội

Bức xúc nào rồi cũng qua đi, để nổi lên mong ước về những cán bộ thanh liêm, luôn đề cao “khí tiết” và “tiết tháo”. Trong ngôn ngữ tiếng Việt, khí tiết hàm ý sự kiên định và nhất quán trong việc giữ gìn, bảo vệ những giá trị gắn với bản thân, vun đắp thanh danh, thể diện cá nhân. Còn “tiết tháo” hàm ý về sự cương trực, kiên định, vững vàng, không chịu khuất phục.

Trong lịch sử nước nhà, chúng ta hay sử dụng cụm từ “khí tiết”, “tiết tháo” để chỉ phẩm cách cao quý, đáng trân trọng của các nhà nho, các bậc chí sỹ, cũng như các bậc trí giả, các vị quan liêm chính. Họ là những người dứt khoát không chịu thay đổi dưới sức ép của cường quyền hay sự mua chuộc bởi các lợi ích vật chất.

Hẳn nhiều người sẽ lại than thở: để có được đội ngũ cán bộ liêm chính, tiết tháo, trọng khí tiết của bản thân thì cần mạnh tay xóa bỏ cơ chế xin - cho, hoàn thiện hệ thống thể chế để giám sát chặt chẽ và trừng phạt kịp thời những biểu hiện xâm phạm lợi ích công.

Tuy nhiên, xin - cho là đặc điểm phổ biến của hệ thống cơ quan hành chính ở tất cả các quốc gia trên thế giới. Câu hỏi đặt ra là tại sao cơ chế xin – cho lại liên quan đến nhiều vấn nạn hành chính ở nước ta đến vậy? Tương tự, thể chế cũng chỉ là những phương tiện do con người nghĩ ra và sử dụng. Vậy, liệu có hệ thống thể chế nào có thể đủ khả năng ngăn cản lòng tham không giới hạn, bất chấp cả những lằn ranh đạo đức làm người?

Không phải là vụ việc đầu tiên và duy nhất nhưng đại án “chuyến bay giải cứu” đã gióng lên tiếng chuông chát chúa và dồn dập về đạo đức của cán bộ. Vụ án đã cho thấy khoảng trống mênh mông về ý thức giữ gìn khí tiết, phẩm chất tiết tháo và liêm chính trước sức quyến rũ của lợi ích vật chất. Ẩn đằng sau những biểu hiện vòi vĩnh doanh nghiệp, hay những lời bao biện ráo hoảnh là một thực tế đáng sợ hơn: sự vô cảm, trơ lỳ cảm xúc của những con người cụ thể.

Nghĩ sâu xa hơn, chúng ta cần trở lại với vấn đề chất lượng con người và vai trò của giáo dục. Chỉ có nền giáo dục khai sáng, khai minh mới có thể vun đắp cho mỗi cá nhân ý thức bền vững về phẩm cách làm người, giữ gìn khí tiết và tiết tháo trước áp lực lợi, quyền.

Nhờ được giáo dục, cá nhân không chỉ ý thức chấp hành nghiêm khắc những chuẩn mực chính thức như pháp luật, mà còn đặc biệt coi trọng cả những chuẩn mực phi chính thức, chẳng hạn như các thông lệ ứng xử hay những niềm tin phổ biến mà các thành viên trong xã hội đã mặc định là đúng đắn.

TS Nguyễn Văn Đáng