Các chuyến bay của con người vào không gian luôn được coi là nguy hiểm và giới khoa học không ngừng nỗ lực tìm hiểu về những ảnh hưởng của chúng đối với cơ thể chúng ta. Cách các cơ, trái tim và bộ não của chúng ta phản ứng với môi trường vũ trụ đã được điều tra suốt nhiều năm qua, nhưng một nghiên cứu mới vừa hé lộ một tác dụng phụ bất ngờ mà các nhà khoa học trước đây đã bỏ sót.

{keywords}
Giới khoa học vẫn đang tích cực tìm hiểu về các ảnh hưởng của môi trường vũ trụ đối với con người, đặc biệt là trong các chuyến thám hiểm không gian dài ngày. Ảnh minh họa: Space

Một nhóm chuột đã được cho lên tàu vũ trụ Atlantis của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) bay vào không gian trong 13,5 ngày. Khi quay trở về, các nhà nghiên cứu phát hiện, những con vật này bộc lộ các dấu hiệu tổn thương gan ở giai đoạn đầu.

"Trước nghiên cứu này, chúng tôi thực sự không có nhiều thông tin về ảnh hưởng của du hành vũ trụ với gan. Chúng tôi đã biết, các phi hành gia thường quay trở lại với các triệu chứng giống như bị tiểu đường, nhưng chúng thường biến mất nhanh chóng", giáo sư Karen Jonscher, người đứng đầu nghiên cứu cho biết.

Giáo sư Jonscher và các đồng nghiệp đã thu thập các mẫu gan của chuột sau khi trở về Trái đất. Họ khám phá ra rằng, chuyến bay vào không gian dường như đã kích hoạt các tế bào gan chuyên biệt, có thể khiến chúng gây tình trạng sẹo và dẫn đến thương tổn dài hạn đối với gan.

Ngoài thương tổn gan như trên, những con chuột còn bị mất khối lượng cơ nạc. Các nhà nghiên cứu đã quan sát thấy hiện tượng tương tự ở những người bệnh nằm liệt giường: teo cơ và các protein phân hủy thành các amino axit.

Nhóm của giáo sư Jonscher cũng phát hiện, việc du hành không gian làm tăng tích trỡ mỡ ở gan của các con chuột thí nghiệm, so với các cá thể cùng loài ở trên Trái đất. Những con chuột thí nghiệm đã cho thấy các dấu hiệu của bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu bia (NAFLD) và tiềm tàng biểu hiện khởi phát chứng xơ gan giai đoạn đầu.

Giáo sư Jonscher giải thích: "Nhìn chung phải mất một thời gian dài, hàng tháng tới hàng năm, các con chuột mới phát triển tình trạng xơ hóa gan, ngay cả khi ăn uống không lành mạnh. Nếu một con chuột cho thấy các dấu hiệu sớm của xơ hóa không phải vì sự thay đổi chế độ dinh dưỡng sau 13,5 ngày, thì điều gì sẽ xảy ra với con người? ... Chúng tôi cần nghiên cứu các con chuột tham gia du hành vũ trụ lâu hơn để xem liệu có cơ chế bù đắp nào đó có thể phát huy tác dụng bảo vệ chúng khỏi tồn thương nghiêm trọng".

Theo giáo sư Jonscher, áp lực của chuyến bay vào không gian và việc tái trở về Trái đất có thể góp phần gây tổn thương gan. Việc điều tra và phân tích kỹ lưỡng hơn đối với những con chuột ở ngoài không gian lâu hơn sẽ giúp tìm ra căn nguyên của hiện tượng này.

Tuấn Anh (Theo Daily Mail)