Lần đầu tiên sau 40 năm, các chuyên gia nghiên cứu của NASA đã phát hiện ra nguyên tử oxy trong bầu khí quyển của sao Hỏa, nhờ vào hệ thống Kính thiên văn hồng ngoại SOFIA (Stratospheric Observatory for Infrared Astronomy).

{keywords}

Kính thiên văn SOFIA được phóng lên bởi một máy bay phản lực ở độ cao 13,7 km (45,000 feet) so với bề mặt Trái đất để thực hiện việc quan sát sao Hỏa bằng hình ảnh hồng ngoại.

Các nguyên tử oxgyen đã được tìm thấy trong tầng bình lưu của Hỏa tinh. Phát hiện này có thể giúp các nhà thiên văn xác định nguyên nhân nào đã khiến bầu khí quyển quanh sao Hỏa bị biến mất.

Dù rằng đây là phát hiện đột phá của chúng ta về sao Hỏa - ngôi nhà tiềm năng mới của nhân loại nằm ngoài Trái đất - các nhà nghiên cứu cho biết chỉ tìm thấy một nửa lượng oxy mà họ mong đợi, nhưng đó cũng có thể là kết quả của quá trình biến đổi và phân hóa khí hậu đa dạng trên hành tinh Đỏ.

Lần gần nhất nguyên tử oxygen được quan sát trên sao Hỏa là vào những năm 1970, khi có các nhiệm vụ thám hiểm của các tàu vũ trụ tự hành Viking và Mariner. Vậy tại sao lại có khoảng trống lớn như vậy? Câu trả lời rất đơn giản và chỉ có 1 lý do duy nhất, đó chính là bầu trời màu xanh của Trái đất đã "che mắt" các kính viễn vọng đặt dưới mặt đất.

"Các nguyên tử oxygen trong bầu khí quyển sao Hỏa rất khó để đo được", nhà khoa học Pamela Marcum của dự án SOFIA cho biết. "Để quan sát được nguyên tử oxygen từ khoảng cách rất xa bằng các bước sóng hồng ngoại , các chuyên gia cần phải ở vị trí nằm phía trên hầu hết bầu khí quyển của Trái đất và sử dụng các trang thiết bị siêu nhạy, trong trường hợp này là một kính viễn vọng hồng ngoại. Dự án SOFIA đã đáp ứng được cả 2 yếu tố này."

Các nhà khoa học đã từng điên đầu với bầu trời xanh của Trái đất trong hàng thập kỷ qua bởi nó quá đậm đặc không khí và độ ẩm, khiến cho việc quan sát vũ trụ trở nên vô cùng khó khăn. Để giải quyết vấn đề hóc búa này, các nhà nghiên cứu đã tích hợp các trang thiết bị quan sát thiên văn thành một hệ thống kết hợp, đó chính là ý tưởng tạo ra SOFIA.

Về tổng quan, SOFIA là một chiếc máy bay phản lực Boeing 747SP khổng lồ - được lắp thêm lên lưng một kính thiên văn có ống kính 254-cm (100-inch), cho phép nó có thể bay lên trên phần lớn bầu khí quyển của Trái đất để chụp được những hình ảnh rõ nét vào vũ trụ.

Trong khi nhóm nghiên cứu chưa đưa ra con số chính xác về lượng nguyên tử oxygen còn tồn tại trên sao Hỏa, họ vẫn cho biết nó ở dưới mức họ trông đợi. Vì vậy, nhóm sẽ tiếp tục sử dụng SOFIA để chụp những góc khác của Hỏa tinh để chắc chắn rằng các số liệu đang có không phải do sự biến đổi đa dạng của khí quyển hành tinh đỏ.

Nói cách khác, chúng ta vẫn còn phải đợi kết quả đầy đủ của phát hiện quan trọng này. Trong lúc đó, bạn hãy thử tưởng tượng về một tương lai có thể khai phá hành tinh Đỏ thành nơi ở mới cho nhân loại:

Huy Phong (Theo Sciencealert)