Chú thích ảnh

Theo một nghiên cứu địa vật lý mới, việc thiếu mây trên Trái Đất đang khiến hành tinh này tối dần đi. Ảnh: CNN

Theo kênh CNN (Mỹ), nhóm nghiên cứu tại Đài quan sát Mặt trời Big Bear ở California, Mỹ đã thực hiện các phép đo hàng đêm trong suốt 20 năm qua nhằm nghiên cứu chu kỳ của Mặt Trời và độ che phủ của mây. 

Theo Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), các chuyên gia đã quan sát hiện tượng “Ánh đất” (Earthshine), là ánh sáng mà Trái Đất phản xạ lên phần tối của Mặt Trăng, rồi phản chiếu trở lại. Sự phản xạ này thay đổi theo từng đêm và theo từng mùa.

Ông Philip Goode, nhà nghiên cứu tại Viện Công nghệ New Jersey và đồng tác giả nghiên cứu, giải thích: “Khi nhìn vào vầng trăng khuyết, bạn có thể thấy hình dạng của cả Mặt Trăng do phần còn lại phản chiếu ánh sáng này”. Ông Goode cho biết sau 20 năm nghiên cứu lượng ánh sáng Trái Đất phản xạ, ông đã phát hiện ánh sáng đang mờ dần.

“Phản xạ ánh sáng của Trái Đất đang ngày càng giảm. Đây là một điều khá bất ngờ”. Goode cho biết.
Trên thực tế, Trái Đất hiện đang phản xạ ánh sáng ít hơn khoảng nửa watt trên mỗi mét vuông so với 20 năm trước, tương đương với việc giảm 0,5% độ phản xạ của Trái Đất. Trái Đất phản xạ khoảng 30% ánh sáng mặt trời chiếu vào nó.

Chú thích ảnh

Ánh đất (Earthshine) là hiện tượng ánh sáng Trái Đất phản xạ lên phần tối của Mặt Trăng.Sau đó, Mặt Trăng phản chiếu một phần nhỏ ánh sáng đó trở lại Trái Đất.Thời điểm tốt nhất để quan sát hiện tượng này ở Bắc bán cầu là xung quanh những ngày trăng tròn vào mùa xuân. Ảnh: CNN

Trong 17 năm đầu tiên, dữ liệu về độ phản xạ gần như không đổi đến mức các nhà nghiên cứu gần như tính cách hủy bỏ nhiệm vụ này. Tuy nhiên, ba năm cuối họ đã ghi nhận sự khác biệt lớn.

“Chúng tôi nghĩ rằng phải tiếp tục miễn cưỡng thực hiện thu thập dữ liệu phân tích nghiên cứu trong ba năm sau vì đã hứa với bản thân rằng sẽ có dữ liệu trong 20 năm. Nhưng kết quả cuối cùng khiến chúng tôi vô cùng bất ngờ. Phân tích dữ liệu trong 3 năm qua đã nhận thấy sự khác biệt lớn. Độ phản xạ giảm rõ rệt vì vậy chúng tôi nghĩ những năm qua chúng tôi đã làm sai điều gì đó. Nhưng chúng tôi đã làm lại vài lần và kết quả vẫn như vậy”, ông Goode nói.

Họ nhận thấy rằng việc Trái Đất giảm phản chiếu ánh sáng không liên quan đến độ sáng của Mặt Trời. Điều này có nghĩa là nguyên nhân xuất phát từ một điều gì đó trên Trái Đất.

Các nhà nghiên cứu cho biết độ che phủ của mây đang giảm dần. Khi độ che phủ của mây giảm, ánh sáng Mặt Trời chiếu vào sẽ nhiều hơn.

Lượng mây che phủ giảm nhiều nhất là ở các bờ biển phía tây của Bắc và Nam Mỹ. Đây cũng là khu vực ghi nhận nhiệt độ nước biển đang tăng lên do sự đảo ngược của một điều kiện khí hậu gọi là Dao động suy đồi Thái Bình Dương (Pacific Decadal Oscillation -PDO), có khả năng liên quan đến biến đổi khí hậu. 

Goode cho biết: “Ngoài khơi bờ biển phía tây của châu Mỹ, các đám mây ở vùng thấp đã biến mất khiến nhiều ánh sáng Mặt Trời chiếu vào hơn. Vì vậy theo cách mà chúng tôi quan sát được, độ phản xạ của Trái Đất đã giảm xuống,” Goode nói.

Trái Đất mờ dần cũng đồng nghĩa với việc nó hấp thu năng lượng Mặt Trời nhiều hơn. Điều này có khả năng tác động đến tương lai của khí hậu, như làm tăng tốc độ biến đổi khí hậu do con người gây ra.

Theo Baotintuc

Vụ nổ gây sốc hơn vũ khí hạt nhân ám ảnh về ngày tận thế

Vụ nổ gây sốc hơn vũ khí hạt nhân ám ảnh về ngày tận thế

Chúng ta có thể đang tiến gần đến ngày tận thế với mối đe dọa từ vũ trụ và các cơ quan không gian hàng đầu thế giới sẽ phải làm gì để ngăn chặn nó?