Hội thảo quốc gia “Phát triển bền vững Nuôi biển công nghiệp Việt Nam” được tổ chức tại Hải Phòng. Ảnh: Tổng cục Thủy sản.

Thông tin từ Tổng cục Thủy sản cho hay, mới đây Hội thảo quốc gia “Phát triển bền vững Nuôi biển công nghiệp Việt Nam” được tổ chức tại Hải Phòng.

Để chuẩn bị triển khai Chiến lược Phát triển Nuôi biển và thúc đẩy phát triển bền vững nuôi biển công nghiệp (theo tinh thần của Nghị quyết 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045), Tổng cục Thủy sản đã phối hợp với Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc gia “Phát triển bền vững Nuôi biển công nghiệp Việt Nam” với mục đích trao đổi kinh nghiệm thực tế của các cơ quan, doanh nghiệp, viện nghiên cứu và các tổ chức quốc tế nhằm thu thập các ý kiến cũng như các kiến nghị phục vụ cho việc xây dựng chính sách phát triển bền vững nuôi biển công nghiệp tại Việt Nam.

Tại Hội thảo, gần 20 báo cáo tham luận đã được trình bày ngắn gọn, súc tích. Các vấn đề rất đa dạng (được nhìn nhận từ nhiều phía) đã được trình bày bởi những cơ quan, tổ chức/cá nhân có tâm huyết với ngành Thủy sản. Đã có nhiều vấn đề được các đại biểu cùng bàn bạc, thảo luận thẳng thắn nhằm hướng đến Phát triển bền vững Nuôi biển công nghiệp Việt Nam (như: Nuôi biển trong quy hoạch không gian biển quốc gia; Chương trình Nuôi trồng thủy sản của Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững Việt Nam giai đoạn 2019-2020 và Chiến lược 2021-2025). Đặc biệt, đối với mô hình nuôi biển công nghiệp, một đại diện của Hoa Kỳ đã trình bày “Xu hướng phát triển nuôi biển toàn cầu, tư duy và khuyến nghị cho tương lai”. Ngoài ra, còn có các bài tham luận liên quan đến các vấn đề: Đổi mới công nghệ nuôi hàu; Cải tiến phương pháp trồng rong biển để tăng năng suất, hướng đến canh tác xa bờ; Công nghệ phục vụ nuôi biển xa bờ…

Các đại biểu đã nhận định, để phát triển bền vững Nuôi biển công nghiệp thì ngoài những vấn đề đã đề cập trên, Việt Nam cần phải tập trung Xây dựng chính sách và thể chế; Đánh giá sức tải môi trường biển; Quy hoạch Nuôi biển ở cấp tỉnh và liên tỉnh; Quản lý bố mẹ và Bảo tồn quỹ gen động vật biển; Nâng cao chất lượng giống hải sản phục vụ nuôi biển; Tự động hóa trong thủy sản; Sản xuất thức ăn cho ấu trùng tôm, cá; Ứng dụng công nghệ RAS cho sản xuất giống cá biển; Giám sát môi trường hải văn và lồng bè trong nuôi biển; Tổ chức đào tạo nghề cho ngành nuôi biển công nghiệp; Có giải pháp cảnh báo và quản lý an ninh, an toàn.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã đánh giá cao Tiềm năng nuôi biển của Việt Nam; đồng thời cùng nhìn nhận những thách thức của nghề Nuôi biển như thiếu kế hoạch phát triển nuôi biển quốc gia, thiếu chính sách ưu tiên và khuyến khích đầu tư cho nghề nuôi biển, hầu hết các trại nuôi đều là quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, hệ thống cảnh báo và kiểm soát an ninh kém, rủi ro ô nhiễm môi trường cao, liên kết chuỗi giá trị yếu và hoạt động phát triển thị trường và quảng bá sản phẩm còn phụ thuộc vào bên trung gian nhỏ lẻ... Tuy nhiên, không né tránh, chấp nhận đối diện với các thách thức chính là cách để ngành Thủy sản Việt Nam vượt qua khó khăn để sản xuất nuôi biển hiệu quả.

Đối với “Chiến lược Phát triển Nuôi biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Hội thảo cùng nhất trí “Doanh nghiệp” phải là “chủ thể” phát triển nuôi biển. Đối với lĩnh vực công nghệ, sẽ áp dụng công nghệ tiên tiến để sinh sản nhân tạo hải sản giá trị kinh tế cao, công nghệ chế tạo phương tiện nuôi biển tiên tiến (có thể hoạt động ổn định và lâu dài trong điều kiện khắc nghiệt như bão cấp 12-14), công nghệ sản xuất và cung cấp thức ăn tự động đến từng lồng nuôi (có thể tùy chỉnh theo cỡ cá, tình trạng thời tiết và tập tính ăn của cá). Ngoài ra, còn áp dụng công nghệ hút cá khi tiến hành thu hoạch (nhằm giảm thiểu tổn thất khi thu hoạch), áp dụng công nghệ bảo quản hải sản sống, công nghệ cấp đông trên biển, tận dụng tối đa phế liệu, kiểm soát tốt môi trường biển.

Hội thảo quốc gia “Phát triển bền vững Nuôi biển công nghiệp Việt Nam” nhấn mạnh, trong hoạt động nuôi biển, phải chú trọng các vấn đề áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến, đào tạo nhân lực chất lượng cao, xây dựng chuỗi giá trị, trong đó lấy “doanh nghiệp” làm nòng cốt và đặc biệt phải chú trọng bảo vệ môi trường, hướng đến nghề nuôi sinh thái, thân thiện với môi trường biển.