Chiến lược vàng đưa Singapore thành quốc gia thông minh

Theo ông Trần Minh Tuấn, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược TT&TT, Bộ TT&TT, trên thế giới đã có khoảng 60 quốc gia ban hành chiến lược về trí tuệ nhân tạo (AI).

Dẫn dữ liệu từ hãng nghiên cứu thị trường Kearney, ông Tuấn cho biết hiện có 80% các quốc gia ở giai đoạn sơ khởi về ứng dụng AI, trong khi các dự báo cho thấy trong tương lai, AI sẽ có nhiều đóng góp lớn trong nền kinh tế số.

AI được dự báo là đóng góp 18% GDP của Singapore

Tại khu vực Đông Nam Á, AI được kỳ vọng đóng góp 10 - 18% GDP vào năm 2030 và Singapore sẽ là quốc gia dẫn đầu với tỷ lệ 18% GDP.  Trong khi đó, ở Việt Nam, AI cũng được dự báo là đóng góp 12% GDP (tỷ trọng kinh tế số chiếm 30% vào năm 2030). Ông Tuấn cho rằng, Việt Nam có thể xây dựng chiến lược AI ứng dụng với nhiều kinh nghiệm có thể học hỏi từ Singapore.

Theo lãnh đạo Viện Chiến lược TT&TT, dù không có nhiều lợi thế nhưng Singapore được xếp hạng cao về AI trên thế giới. Cụ thể, quốc gia này đứng thứ 2/160 quốc gia với chỉ số sẵn sàng về AI khối cơ quan Chính phủ năm 2021 nhờ chiến lược tập trung phát triển các nền tảng AI dùng chung, làm nền móng cho doanh nghiệp xây dựng các ứng dụng thông minh.

Singapore tập trung vào các dự án trọng điểm.

Theo đó, Singapore tập trung đưa ra 7 nền tảng AI cốt lõi được cung cấp miễn phí, dựa trên mã nguồn mở bao gồm: TagUI (công cụ AI mã nguồn mở hỗ trợ tổ chức/doanh nghiệp tự làm công cụ tự động hóa quy trình nghiệp vụ; Speech Lab (công cụ nhận dạng tiếng nói và chatbot); Computer Vision Hub (xử lý hình ảnh thông minh); Language Processing (công cụ xử lý ngôn ngữ tự nhiên); Synergos (mô hình liên kết huấn luyện AI model tại thiết bị đầu cuối (Federated Learning); AI-Ready Bricks (công cụ nghiên cứu thị trường, phân tích xu thế và hành vi người tiêu dùng) và cuối cùng là bản đồ số và các nền tảng tối ưu hoá logistics mang tên CUDO.

Phát triển các nền tảng mã nguồn mở và miễn phí là chìa khóa thành công.

“Đây là các nền tảng cơ bản nhất, là những viên gạch đầu tiên để xây dựng tất cả các ứng dụng AI. Qua quan điểm của Singapore, hầu hết các ứng dụng AI sẽ được xây dựng trên các nền tảng này”, ông Trần Minh Tuấn nói.

Quốc đảo sư tử đã xây dựng một nền tảng kết nối cung cầu, theo đó Chính phủ cung cấp sự phân loại mức độ sẵn sàng về AI bằng một bộ chỉ số (với tên gọi AIRI) gồm bốn trụ cột, ánh xạ tới chín chiều không gian. Bộ chỉ số đơn giản và thuận tiện này sẽ giúp các doanh nghiệp xác định được mình đang ở đâu trong hành trình AI. 

Trên cơ sở đánh giá, Chính phủ cũng có các chương trình tư vấn để hỗ trợ doanh nghiệp. Đầu tiên là những chương trình đào tạo miễn phí phù hợp với từng loại đối tượng; Chuỗi hội thảo khám phá AI nhằm tạo điều kiện cho các bên liên quan  doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ, doanh nghiệp ứng dụng AI) nhằm tìm ra các ý tưởng và ưu tiên sử dụng AI giải quyết các bài toán lớn đưa vào chương trình thử nghiệm. 

Sau giai đoạn tư vấn, chương tình hỗ trợ sẽ tập trung vào các dự án với nhiều mức độ khác nhau. Từ hỗ trợ nhanh (chi phí và rủi ro thấp) các dự án AI đã thương mại hóa có sẵn trên thị trường chỉ trong vòng 6 tuần, hay hỗ trợ phát triển các giải pháp AI trong vòng 9 - 18 tháng. 

“Chương trình 100 thử nghiệm và học nghề AI là những chương trình hàng đầu của Chính phủ Singapore nhằm giải quyết các vấn đề về AI của ngành công nghiệp và giúp họ xây dựng được đội ngũ AI của riêng mình. Các doanh nghiệp có thể đề xuất những vấn đề mà chưa có giải pháp AI thương mại nào xử lý trước đó để các nhà nghiên cứu và đội ngũ kỹ sư có thể giải quyết trong vòng 9 - 18 tháng. Chính phủ sẽ tài trợ một khoản chi phí lên tới 250.000 Đô la Singapore cho mỗi dự án”, ông Tuấn cho hay.

Cách tiếp cận cho Việt Nam

Theo nhận định, Singapore đã tập trung tầm nhìn vào các ứng dụng AI trong một số lĩnh vực chủ chốt, có tác động lớn, hình thành lực lượng lãnh đạo và lao động có tư duy (AI mindset) và kỹ năng với việc sử dụng AI để giải quyết vấn đề.

Chính phủ cũng trở thành cầu nối liên kết giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, giải pháp AI với các doanh nghiệp thuộc nhiều ngành nghề khác có nhu cầu ứng dụng AI, lấy các doanh nghiệp công nghệ số làm trung tâm. 

Công nghệ nhận diện khuôn mặt ở sân bay Changi - Singapore.  (Ảnh: Straitstimes)

Việc hợp tác liên ngành giúp Chính phủ và doanh nghiệp dễ dàng khám phá ra các giải pháp tổng quát, ứng dụng được chi tiết cho từng ngành hoặc nhiều ngành nghề, từ đó mở rộng nhanh chóng việc ứng dụng AI trên toàn quốc. 

Xây dựng cộng đồng nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI dựa trên nòng cốt là nhân sự và lãnh đạo của các doanh nghiệp thuộc nhiều ngành nghề khác nhau, tạo thành phong trào triển khai AI rộng rãi, đặc biệt là sự trao đổi tri thức liên quan đến ứng dụng AI mạnh mẽ. Trong đó, các nền tảng có thể tập trung vào những lĩnh vực chủ chốt như: Chính phủ số, tài chính, nông nghiệp, y tế, giáo dục, giao thông vận tải…

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì giao ban quản lý Nhà nước tháng 5/2022.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, Chính phủ đầu tư phát triển các nền tảng AI dùng chung, tạo nền móng để các doanh nghiệp thông minh hơn là điểm cốt lõi giúp Singapore thành công. 

Để có một công cụ AI xuất sắc có thể cần đầu tư cả nghìn tỷ đồng, Chính phủ không thể chi hàng nghìn tỷ đồng cho từng doanh nghiệp nhưng đầu tư nền tảng công nghệ AI để các doanh nghiệp dùng chung là điều hoàn toàn khả thi. “Trong thời đại công nghệ số, chúng ta có những cách hỗ trợ đặc biệt cho doanh nghiệp, Singapore đã nhìn thấy điều đó và họ đầu tư phát triển các nền tảng. Với những nền tảng mở, các doanh nghiệp nhỏ cũng được hưởng lợi, có thể sử dụng các công cụ nghìn tỷ để phát triển sản phẩm phục vụ cho họ và khách hàng của họ, là cách để các doanh nghiệp phát triển. Đây cũng là hướng tiếp cận cho Việt Nam”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Duy Vũ